Dư luận vẫn đang theo dõi bàn tán về việc bà Hồ Thị Cẩm Đào - Uỷ viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng tổ chức đám cưới cho con trai rất rình rang, theo kiểu khoe khoang một cách hợm hĩnh, bất chấp các quy định của cấp trên, tỏ ra xem thường và thách thức dư luận.
Vụ việc gây tai tiếng là thế, người dân và cán bộ biết chuyện đều cho đây là trường hợp có tính điển hình về sự thiếu gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người có trọng trách ở địa phương. Thế nhưng cấp ủy địa phương không xem xét thấu đáo để có hình thức kỷ luật phù hợp mà chỉ cho họp kiểm điểm rút kinh nghiệm và báo cáo T.Ư, kể cả chuyện cán bộ dùng xe công để đi dự đám cưới này cũng “rút kinh nghiệm” luôn.
Cũng ở tỉnh Trà Vinh - có chuyện chi tiền ngân sách lắp ca-mê-ra an ninh nhà Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy... Khi bị công luận - báo chí phát hiện lại rút kinh nghiệm, hoàn tiền...
Mới đây cơ quan chức năng của T.Ư cũng đồng quan điểm với lãnh đạo địa phương, nên cũng đồng ý là cho “rút kinh nghiêm sâu sắc”?! Người ta chẳng hiểu đây có phải là một hình thức kỷ luật “mới” không? Và mọi người cũng có lý khi suy diễn rằng: Cứ làm theo ý của mình, miễn là có lợi cho bản thân, gia đình và “lợi ích nhóm”… nếu bị phát hiện, tố giác, cấp trên yêu cầu kiểm điểm thì cũng tới mức “rút kinh nghiệm sâu sắc” là… “đẹp”.
Như vậy, chuyện làm gương của cán bộ đứng đầu của một tổ chức, một địa phương hay một ngành coi như chỉ là chuyện quán triệt tuyên truyền trên giấy, hô hào suông trên các diễn đàn, hội thảo (gọi chung là nói). Còn có thực hành theo đúng điều đã nói không là chuyện của…người khác!.
Có vị lãnh đạo ở T.Ư đã phải thốt lên rằng: “Cái sợi dây kinh nghiệm nó dài kinh khủng, rút đến bao giờ cho hết!”. Lo lắng này cũng là tâm trạng chung của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hiện nay.
Xã hội đương đại của chúng ta hiện nay đã, đang và sẽ rất cần cũng như hoan nghênh những việc làm đầy trách nhiệm, những nghĩa cử rất hào phóng, nhân văn của không ít người mà vai vế xã hội có khi cũng chỉ đủ để mọi người quý mến, trân trọng. Họ đã tạo ra những tiền lệ hết sức tốt đẹp, đó là những cách hành xử “không giống ai” nhưng lại cưu mang vô điều kiện nhiều người gặp khốn khó, điều đó đã làm rung động bao trái tim nhân hậu, làm lay động lòng người.
Vâng, tiền lệ tốt thật là quý. Càng yêu quý tiền lệ tốt bao nhiêu thì tất nhiên không ai muốn xảy ra tiền lệ xấu, bởi cả xã hội chúng ta đang chung sức đấu tranh đẩy lùi, xóa bỏ những cái xấu!
Mai Mộng Tưởng