Đến Tà Nốt – Tà Xăng của nước bạn Cam-pu-chia thì dừng lại. Tôi được lệnh chuyển quân về Đồng Tháp Mười, một chiến trường đầy ác liệt năm 1972.
Cả đoàn chỉ có tôi là người Nghệ An, bổ xung vào đơn vị đặc công 2, Phân khu 23, do Đại tá, Tư lệnh Tư Thân chỉ huy. Đại đội chỉ có gần 30 người, tổ chức từng nhóm nhỏ, từ 3 đến 4 người, luồn sâu vào hậu phương địch (nay là tỉnh Long An) để hoạt động; chủ yếu là các huyện Bến Lức, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc. Bộ phận của tôi đặt hậu cứ ở giữa 2 xã Long Định và xã Long Cang, nơi có nhiều nguồn tin cung cấp đáng tin cậy của nhân dân, trong đó có ông Già Tiên và chị Nhoáng. Ông Tiên chừng 60 tuổi ở ấp 1 Long Định, có con trai út cùng tên đã 16 tuổi, nhưng phải làm căn cước 14 tuổi để dễ bề hoạt động. Cháu Tiên có khuôn mặt rạng rỡ, tác phong nhanh nhẹn; với bộ đội giải phóng chúng tôi thì em hân hoan, sôi động, hồn nhiên. Ông Tiên và cháu Tiên thường dùng mật khẩu (ty tèn) để liên lạc với đơn vị. Còn chị Nhoáng ở xã Long Cang, người cao, tóc dài, tuổi chưa đến 30. Chị giả bộ làm nghề cắt gon dệt chiếu.
Đêm 17-4-1972, đơn vị được lệnh tấn công tiêu diệt căn cứ Long Cang. Căn cứ này nằm giữa 2 đồn địch là Long Định và Bến Đò. Trận đánh được chia thành hai mũi tấn công. Tôi tham gia hướng tây bắc cùng anh Út Thương, là người phụ trách đại đội trưởng. Anh Hai Sên phụ trách chính trị viên đại đội. Anh Hai Sên là người gốc xã Long Cang này, còn anh Út Thương ở huyện Tân Trụ cùng tỉnh.
Khi chúng tôi đã vượt được nhiều lớp hàng rào dây thép gai, qua sân bóng đá của địch đến lô cốt đầu cầu thì bị lộ. Giặc bắn ra như mưa. Anh Sên bị thương, lô cốt đầu cầu chưa chiếm được, tôi cũng bị thương nhẹ, chảy máu nhưng vẫn bò được. Đã 3 giờ 15 phút, có lệnh cường tập đúng lúc địch từ 2 điểm Long Định và Bến Đò đến ứng cứu. Mũ sắt giặc lố nhố, dày đặc; anh Út Thương dùng thủ pháo và AKA báng gấp, còn tôi dùng M79 bắn liên tiếp vào từng tốp quân địch. Tiếng nổ chát chúa phủ đầu, chúng không ngóc lên được. Khi chúng tôi ngừng bắn, địch lại kêu la om sòm, hỗn loạn. Được lệnh rút thì anh Út Thương bị gãy chân không bò được nữa. Bí quá, tôi để anh lên lưng mình rồi bò theo kiểu con rùa vượt qua sân bóng. Qua 3 hàng rào nữa thì trời sáng. Dừng lại bên bờ đất nhỏ, người đại đội trưởng trên lưng tôi hỏi:
- Còn quả “thông minh” (loại lựu đạn nổ nhanh) không Tư?
Tôi trả lời:
- Còn.
Anh bảo:
- Đưa nó cho anh.
Anh rời khỏi lưng tôi nói tiếp:
- Cứ thế này thì cả hai cùng chết. Tư theo lệnh anh, rút ra theo kênh bơi về hướng Vàm Cỏ Đông, ít nhất vài trăm mét rồi trốn trong dừa nước. Chiều tối quay lại đón anh. Đi đi!
Nhìn anh máu me đầy người, đau đớn, tôi chần chừ giây lát rồi nghe anh, khẩn trương bò ngược để xóa dấu vết, ngụy trang nơi anh nằm cẩn thận, ghé vào tai anh, nói để anh đủ nghe:
- Chiều tối, em nhất định quay lại đón anh.
Tôi lặng lẽ từ biệt, chui qua số hàng rào còn lại, xuống lạch bơi như anh dặn. Vết thương ở cẳng chân, đầu gối bị nước mặn ngấm vào nhức đến tận xương, khi rúc đầu vào bụi dừa nước, toàn thân ngâm dưới bùn, đầu gác lên bẹ dừa thở và ngất lịm.
Tỉnh lại, tôi trở mình, chờ đến chập choạng tối quay lại tìm người chỉ huy thân yêu nhưng không còn thấy anh nữa. Nhìn vệt máu được quệt về phía địch, chắc anh không đủ sức nổ quả lựu đạn và đã bị địch bắt. Tôi lặng lẽ bơi xuống kênh hướng về xã Long Định bắt liên lạc với anh em như giao ước khi bước vào trận đánh.
Tới nơi, tôi phát ám hiệu như cá thòi lòi (tóc tóc tóc tóc). Một lúc sau có ám hiệu phát ra, chúng tôi gặp nhau. Chỉ còn 4 người của hướng kia sau trận đánh. Chúng tôi ôm nhau khóc. Người nào cũng băng đầu, băng tay, tìm cách liên lạc với các tổ bạn. Chỉ huy đại đội có 4 người thì chỉ còn lại anh Sáu, chính trị viên phó đại đội.
Hai ngày sau, đang tìm tin tức của anh em chưa về đơn vị, chúng tôi gặp chị Nhoáng. Chị kể lại:
-
Gần trưa hôm đó, bọn giặc bắt được anh Sên và anh Út Thương, khi hai anh bị thương quá nặng. Chúng tức tối lồng lộn vì bị chết nhiều tên trong trận đánh đêm qua. Chúng trói hai anh vào cọc, mặc các vết thương gãy xương, dã man, đem phơi nắng ở Long Cang để thị uy, đe dọa mọi người. Chúng ra điều kiện: đầu hàng, khai báo với quốc gia sẽ được băng bó, chữa chạy. Nhưng với chí khí anh hùng bất khuất và lòng yêu nước, hai anh đã dũng cảm trả lời:
-
Đến giờ này mà tụi bay còn bảo đầu hàng à?
Đau đớn, đói khát và nóng bức, đến 12 giờ trưa ngày 18-4-1972, các anh đã trút hơi thở cuối cùng trên mảnh đất quê hương.
Sự hy sinh anh dũng của các anh đã khiến cho quân thù khiếp sợ. Bà con quê hương vô cùng cảm phục. Đồng đội và nhân dân càng thêm căm thù, càng sục sôi ý chí chiến đấu trả thù cho các anh…
SỸ NGỌC (Ghi theo lời kể của anh Nguyễn Đức Thảo)