Dấu vết một hệ thống cấp bậc.
Tuy nhiên, trong số gần 40 mục tiêu của địch ở Huế bị Quân giải phóng đánh chiếm thì vẫn còn căn cứ Mang Cá ta đánh không thành công và trở thành nỗi ám ảnh không chỉ đối với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 6 – lực lượng chủ yếu tham gia trận tập kích vào căn cứ Mang Cá, mà với cả những lực lượng tham gia cuộc TTC ở Huế, bởi kết quả trận đánh này đã ảnh hưởng đến thắng lợi chung của toàn Chiến dịch.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nếu không có chuyện lệch múi giờ; nếu không chủ quan khi đánh giá về địch thì đã hạn chế được tổn thất, tránh được một trận đánh chưa thành công.
Căn cứ Mang Cá nằm gọn trong khu vực Mang Cá “lớn”, sâu trong khu vực Thành Nội với diện tích khoảng 36.000m2, được chia làm 2 khu vực: Phía Bắc là Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và phía Nam là “đại bản doanh” của Sư đoàn 1, đồng thời là sở chỉ huy của Quân đoàn 1 Việt Nam Cộng hòa. Lực lượng địch thường trực ở căn cứ có khoảng gần 800 quân. Do tính chất quan trọng của căn cứ, nên tại Mang Cá thường xuyên có 6 xe M113 của Trung đoàn 7 thiết giáp túc trực bảo vệ. Hệ thống công sự, doanh trại trong căn cứ đều được xây dựng kiên cố, có cả hầm ngầm và sân bay dã chiến. Căn cứ lại được bao bọc vòng quanh bởi tường cao, hào sâu và hệ thống lô cốt bảo vệ, dây kẽm gai dày đặc và được chi viện hỏa lực và lực lượng quân, binh chủng từ các căn cứ xung quanh.
Trong cuộc TTC , Trung đoàn 6 - Trung đoàn chủ lực cơ động của Quân khu Trị-Thiên, được giao nhiệm vụ tiến công trên hướng chủ yếu - hướng Bắc T.P Huế và là hiệu lệnh mở màn cho cuộc TTC trên toàn Mặt trận Huế.
BCH Trung đoàn quyết định sử dụng 1 đại đội Đặc công (c1/d12) và 1 đại đội BB (c2/d1) với hỏa lực gọn, nhẹ, chủ yếu là cối 60 ly, B40, B41, AK và thủ pháo dưới sự chỉ huy chung của Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn BB1... Nắm địch chủ yếu dựa vào thu thập, phân tích, tổng hợp từ các nguồn thông tin gián tiếp, vì trinh sát không thể lọt vào bên trong Căn cứ được.
16 giờ 30 ngày 30-1-1968, từ khu căn cứ phía Tây huyện Hương Trà, các lực lượng xuất kích hướng về khu vực Mang Cá. Trong quá trình vượt sông Kẻ Vạn, phần vì giá rét, phần do nước chảy quá xiết, 2 chiến sỹ đã kiệt sức và bị đuối nước, chấp nhận hy sinh để giữ bí mật cho trận đánh. Đến khu vực Thành Nội, bộ đội lợi dụng rễ cây bám vào thành và kết hợp sử dụng thang dây vượt qua tường thành một cách an toàn, tiếp cận mục tiêu từ các hướng được phân công, nhưng muộn so với “giờ G” 33 phút mới nổ súng hiệu lệnh.
Dưới sự chỉ huy chung của Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 1, các lực lượng đánh chiếm khu vực Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, khai thông của thành An Hòa. Chiến sự diễn ra vô cùng quyết liệt. Hai bên giành giật từng căn nhà, góc tường. Do không có sự chi viện hỏa lực kịp thời từ bên ngoài vào nên chỉ huy trận đánh đã quyết định tập trung hỏa lực B40, B41 cho mũi 1 và mũi 3 Đặc công cùng bộ binh dũng mãnh xung phong tiêu diệt các ụ hỏa lực, đánh chiếm bằng được khu vực cửa chính. Địch tập trung cả 6 chiếc M113 trong căn cứ tổ chức phản kích quyết liệt. Các mũi tìm mọi cách đột nhập đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 1 nằm sâu trong căn cứ và đã có lúc mục tiêu bị các lực lượng của ta bao vây, nhưng do địch kịp thời điều lực lượng đến ứng cứu giải vây, trong khi các mũi đặc công và bộ binh của ta đều cạn vũ khí, có mũi đã sử dụng đến quả đạn B40 cuối cùng nên nỗ lực chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 1 bất thành. Trong khi đó các hướng khác không phát triển tiến công đựợc, vũ khí cạn dần... đành phải rút.
Trận tiến công căn cứ Mang Cá tuy con số thương vong không lớn lắm (15 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, trong đó có 7 đặc công, 8 bộ binh) nhưng đã không đạt được mục tiêu đề ra, gây nhiều khó khăn cho ta và ảnh hướng lớn đến cục diện và kết quả của cuộc TTC ở Huế.
Trận đánh không thành công này đã để lại những bài học xương máu đắt giá. Đó là bài học về xác định chính xác mục tiêu chủ yếu của trận đánh, trên cơ sở đó biết tập trung binh, hỏa lực phù hợp để bảo đảm yếu tố chắc thắng.
Nếu xác định hướng Bắc là hướng chủ yếu trong cuộc TTC ở Huế thì căn cứ Mang Cá phải đựơc coi là mục tiêu chủ yếu. Tuy nhiên, cả BCH Phân khu Trị-Thiên lẫn BCH Trung đoàn 6 đã không nhận thức được như vậy, thậm chí có phần chủ quan trong đánh giá địch, chỉ bố trí 2 đại đội cho một trận đánh quan trọng, rõ ràng là chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm đánh chắc thắng.
Một bài học kinh nghiệm nữa được rút ra từ trận đánh không thành công này là bài học về trinh sát nắm địch và tổ chức đội hình hành quân. Phải nói rằng công tác trinh sát nắm địch trong trận tiến công căn cứ Mang Cá chưa tốt; không trực tiếp điều nghiên được tình hình bố trí trong căn cứ đã đành, nắm tình hình xung quanh căn cứ cũng thiếu cụ thể, tỷ mỷ. Chính vì vậy mà đánh giá thực lực của địch chưa sát đúng; chưa lường tính hết được những tình huống phát sinh; khi bị địch phản kích quyết liệt, sự phối hợp giữa bộ binh và đặc công diễn ra không như kế hoạch dẫn đến đội hình dồn ứ tập trung vào một hướng. Đã vậy, trong bố trí, tổ chức lực lượng cũng có phần chủ quan: Không bố trí lực lượng dự bị, không có mũi thứ yếu để thu hút và phân tán lực lượng địch. Khi tình huống ngoài dự kiến xuất hiện dĩ nhiên phải đối phó trong lúng túng và bị động.
TNLPGS.TS Trần Ngọc Long (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)