(Báo tháng 6) - Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều người tưởng cuộc chiến kéo dài đằng đẵng 9 năm đã kết thúc, song trên thực tế hoàn toàn chưa phải như vậy. Chiến sự ác liệt vẫn diễn ra ở nhiều nơi. và máu của bộ đội vẫn tiếp tục đổ trên các mặt trận.

“Mặt trận sông Hóa” (Bắc Giang) là một trong những nơi như vậy. Tại đây đã ghi dấu một trận đánh ác liệt của Trung đoàn bộ binh 36 thuộc Đại đoàn 308 - Trận cầu Lồ. Đáng tiếc đó lại là một trận đánh không thành công  và để lại bài học xương máu cho cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 36 - Đại đoàn 308 trước ngày đình chiến.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, các Đại đoàn chủ lực 308 và 312 được lệnh rút về các tỉnh trung du Đồng bằng Bắc Bộ để tiếp tục tiêu diệt sinh lực địch, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch hậu...; tạo thuận lợi cho đấu tranh trên bàn đàm phán tại Hội nghị Giơ-ne-vơ.

Đại đoàn 308 về đứng chân ở Bắc Giang phối hợp với quân và dân tỉnh mở “Mặt trận sông Hóa” tập trung đánh địch trên các tuyến giao thông huyết mạch đường 13 và đường 17. Ban chỉ huy (BCH) Mặt trận giao cho Tiểu đoàn 80 của Trung đoàn 36 - tiểu đoàn có nhiều kinh nghiệm về đánh công kiên, tiến công tiêu diệt cứ điểm Cầu Lồ - một mắt xích quan trọng trên tuyến giao thông Phủ Lạng Thương đi Lục Ngạn.

Cứ điểm Cầu Lồ nằm ở xã Lan Mẫu thuộc huyện Lục Ngạn; trước đây vốn là cứ điểm của quân Nhật, năm 1951 được quân Pháp củng cố, xây dựng lại với hệ thống lô cốt, hầm hào, boongke khá kiên cố. Đây là một trong những mặt xích cực kỳ lợi hại của “Phòng tuyến Đờ-lát”.

Toàn bộ cứ điểm có 6 lô cốt và 2 boongke; xung quanh có 6 hàng rào dây thép gai bao bọc. Ngoài ra, mỗi một cứ điểm đều có rào thép gai bao quanh. Lực lượng địch trong cứ điểm có khoảng 100 quân, trang bị 23 khẩu đại liên, 20 khẩu trung liên, 1 khẩu cối 81 ly, 3 khẩu cối 60 ly cùng nhiều tiểu liên và súng trường. Trong cứ điểm có 12 căn nhà lớn nhỏ, trong đó có một số căn bán âm.

Cứ điểm này còn được sự chi viện trực tiếp của các trận địa pháo ở  Lục Nam và Phủ Lạng Thương. Do tọa lạc trên đồi cao, có tầm quan sát rộng, hệ thống công sự kiên cố, hỏa lực mạnh  nên mặc dù tinh thần binh lính có bị sa sút sau thất bại ở Điện Biên Phủ song quân địch ở cứ điểm Cầu Lồ vẫn tỏ ra tự tin vào khả năng đứng vững của mình.

22 giờ ngày 13 - 7 - 1954, trận tiến công cứ điểm Cầu Lồ bắt đầu. Trên cả hai hướng chủ yếu và thứ yếu, bộ đội đều đã vào chiếm lĩnh xong trận địa, nhưng lại vấp ngay một “trục trặc” trong hiệp đồng: Bộ phận hỏa lực của Tiểu đoàn vẫn đang trong giai đoạn triển khai, chưa bố trí xong trận địa. Trước tình hình đó, BCH Tiểu đoàn quyết định lùi thời gian nổ súng để “đợi hỏa lực”.

1 giờ 50 ngày 14 - 7, khi tất cả các mũi đều đã chiếm lĩnh xong trận địa thì cũng là lúc quân địch trong cứ điểm phát hiện ra lực lượng và ý định tác chiến của ta. Chúng tập trung hỏa lực bắn ra xối xả. Không còn yếu tố bí mật bất ngờ, BCH Tiểu đoàn  lệnh cho các mũi nổ súng.

Trên hướng chủ yếu, Đại đội 62 nhanh chóng tiêu diệt được một số mục tiêu bên trong căn cứ; tuy nhiên, đội hình lại bị chia cắt. Trong khi đó thì trên hướng thứ yếu, Đại đội 61 không thể vượt qua được của mở, đội hình ùn ứ “phơi lưng” hứng hỏa lực của địch. Đã vậy, quả bộc phá 15kg dùng để đánh lô cốt bị trúng đạn địch nổ ngay giữa đội hình gây thương vong lớn cho Đại đội, cả Đại đội trưởng và 2 Trung đội trưởng đều hy sinh. Trước tình hình Đại đội 61 thương vong nặng; Đại đội 62 cũng chỉ còn hơn 2 tiểu đội, BCH Tiểu đoàn quyết định tung Đại đội 41 vào tham chiến và chỉ thị cho toàn Tiểu đoàn hạ quyết tâm tiêu diệt bằng được cứ điểm Cẩu Lồ.

Trận đánh kéo dài đến rạng sáng thì tiếng súng thưa dần. Từ vị trí chỉ huy, Tiểu đoàn trưởng nhận định bộ đội đã làm chủ cứ điểm nên lệnh cho các bộ phận củng cố đội hình, chuyển thương binh, tử sỹ ra ngoài và lùng sục bắt tù binh, thu vũ khí. Đồng thời lệnh cho hỏa lực DKZ rút ra khỏi cứ điểm về vị trí tập kết theo kế hoạch đã định.

Đúng lúc các bộ phận đang ung dung triển khai mệnh lệnh thì đột nhiên tiếng súng rộ lên từ phía Bắc và phía Nam cứ điểm. Hóa ra vẫn còn một số lô cốt boongke  nguyên vẹn và ở đó còn khá nhiều quân địch đang cố thủ. Đội hình tiểu đoàn đổ dồn về phía các boongke đó.

Trời sáng hẳn, từ lô cốt boongke số 6, một tên địch cầm cờ trắng chui lên khỏi lô cốt. Những tưởng quân địch kéo cờ trắng ra hàng, BCH Tiểu đoàn lệnh cho bộ đội xông đến bắt tù binh. Chỉ chờ có thế, tên lính chui tọt xuổng lô cốt đúng lúc 2 máy bay lao tới trút bom và hỏa lực địch tới tấp rót vào đội hình bộ đội ta. Lúc này từ chỉ huy tiểu đoàn,  đến chiến sỹ mới  nhận ra “chiêu độc” của địch nghi binh kéo cờ trắng dụ bộ đội ta nhóm vào để máy bay và pháo binh chúng tiêu diệt.

Trận đánh giằng co kéo dài sang cả ngày.

Sau khi xốc lại đội hình và được Trung đoàn tăng cường hỏa lực nên đến 18 giờ ngày 14 - 7, sau một ngày đêm chiến đấu Tiểu đoàn 80 cũng đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Cầu Lồ, loại khỏi vòng chiến đấu 50 quân địch, bắt sống một số tù binh, thu 23 khẩu đại liên, 17 trung liên, 4 khẩu cối.... Tuy nhiên cái giá mà Tiểu đoàn phải trả cho trận đánh này quá đắt: 200 cán bộ, chiến sỹ thương vong mà nguyên nhân chủ yếu là do tư tưởng chủ quan, nóng vội, nắm địch không chắc; công tác tổ chức, chỉ huy trận đánh còn yếu kém.

Trước hết là công tác nắm địch, nắm địa hình của ta không chắc; nhất là BCH trận đánh đã không lường hết tình huống trận đánh kéo dài; khi bộ đội phải chuyển sang chiến đấu ban ngày thì cán bộ “mỗi người  một phách”, không có tổ chức hội ý kịp thời. Cũng do không nắm chắc địch nên không có cả kế hoạch đối phó với pháo binh và máy bay địch,  dẫn đến đội hình bị rối loạn, thương vong lớn. Công tác chỉ huy còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết, như không nắm được các mũi, các hướng; thậm chí khi đưa lực lượng dự bị vào thì lại tung vào nơi không có quân địch.

Trận tiến công cứ điểm Cầu Lồ còn cho thấy bài học nhỡn tiền là tư tưởng nóng vội, chủ quan cho rằng, với cứ điểm Cầu Lồ chỉ giải quyết trong một đêm là xong. Dẫn đến khi trận đánh phải kéo dài thì lúng túng, bị động trong xử lý các tình huống.

Việt Anh