Bến phà Sông Gianh lịch sử.

(Báo tháng) - Trong lịch sử Hải quân nhân dân (HQND) Việt Nam, có lẽ trận Sông Gianh (28-4-1965) là một trong những trận đánh đáng nhớ nhất. Đáng nhớ không phải vì một chiến thắng mà là một trận chiến đấu kéo dài nhất, ác liệt nhất và cũng là trận mà lực lượng HQND Việt Nam bị tổn thất nặng nề nhất kể từ ngày thành lập. Một trận đánh được coi là không thành công của HQND Việt Nam trong Kháng chiến chống Mỹ.

Đầu năm 1965, Không quân Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc, trong đó chúng tập trung vào các đấu mối giao thông, các căn cứ Hải quân ở ven biển Khu 4. Cảng sông Gianh - một đầu mối giao thông đường biển và đường sông quan trọng, đồng thời là nơi có căn cứ Hải quân trở thành một trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay và tàu chiến địch.

Lực lượng HQND Việt Nam tại đây có 2 phân đội tàu tuần tiễu (Phân đội 5 gồm các tàu T161, T163, T165. Phân đội 6 gồm các tàu T173, T 126), 1 phân đội tàu Phóng lôi và một số ca-nô. Lực lượng Phòng không trên bờ có 1 Đại đội pháo 37 ly (6 khẩu), 1 trung đội Cảnh vệ (3 khẩu 14,5 ly), 1 trung đội cao xạ của Đại đội pháo bờ biển (3 khẩu 14,5 ly) và lực lượng phòng không của Tự vệ nông trường Thanh Khê 94 khẩu 20 ly). Trước khi trận đánh diễn ra cả hai lực lượng Hải quân và Phòng không đã hiệp đồng đánh máy bay Mỹ khá thành công trong những trận đánh trước đó.

Trước tình hình đánh phá quyết liệt của của Không quân và Hải quân địch, Đảng ủy Quân chủng Hải quân chỉ đạo “Tàu thuyền lấy ngụy trang, phòng tránh là chính, nhưng khi địch phát hiện thì kiên quyết tiêu diệt địch. Khi tàu trú đậu ở khu vực nào có máy bay địch đến oanh tạc thì phải nổ sung bảo vệ mục tiêu được giao”. Quán triệt tinh thần đó, lực lượng Hải quân ở sông Gianh một mặt tăng cường công tác ngụy trang, tìm mọi cách che dấu tàu thuyền, nhất là lúc cơ động vận tải trên sông, biển; mặt khác xây dựng và huấn luyện tránh các lực lượng phòng không trên bờ và nhân dân địạ phương...

Ngày 28-4-1965, sau một thời gian trinh sát, theo dõi hoạt động của tàu thuyền HQND Việt Nam trên khu vực sông Gianh, Mỹ huy động hàng chục chiếc máy bay (chủ yếu là A6 và F8U) quần thảo, tập trung đánh phá dọc hai bên bờ sông Gianh. Trong ngày 28-4, máy bay Mỹ tiến hành 8 đợt không kích nhằm vào các tàu tuần tiễu của Hải quân ta. Mặc dù đã cố gắng ngụy trang phòng tránh và hết sức kiềm chế để bảo vệ bí mật nhưng trước sự soi mói, sục sạo và đánh phá dày đặc của các loại máy bay địch, cả 5 tàu tuần tiễu đã trở thành những mục tiêu di động trên sông Gianh. Trong tình thế hiểm nghèo đó, cán bộ và thủy thủ trên các tàu đã kiên cường chiến đấu chống trả để bảo vệ tàu, bảo vệ thương binh và hàng hóa đang vận chuyển trên tàu. Suốt một ngày ròng rã, hàng chục cuộc rượt đuổi giống như trong phim hành động đã diễn ra trên dòng sông Gianh đầy bom đạn.

Tiếng gầm rú của máy bay, tiếng réo của rốc két và đạn pháo phòng không liên tục gầm vang từ sáng cho tới tối. Tranh thủ xen kẽ giữa các đợt oanh kích của máy bay địch, một số tàu đã chớp thời cơ tranh thủ cập bến để chuyển thương binh lên bờ, sau đó lập tức quay trở ra vừa cơ động, vừa chiến đấu tiếp.

Một số tàu bị địch đánh hỏng máy đã trở thành những mục tiêu nổi cố định trên sông, nhưng các thủy thủ vẫn kiên quyết không rời tàu mà vẫn kiên cường chiến đấu chống trả. Tàu T126 và T165 bị trúng đạn bốc cháy, trên mỗi tàu chỉ còn lại 2 thủy thủ, nhưng họ vẫn bám tàu, vừa chữa cháy, vừa bắn trả máy bay địch. Trong đợt thứ 7 đánh trả máy bay địch, tàu T 161 bị trúng bom, thủy thủ đoàn hy sinh gần hết, còn một mình chiến sỹ cơ điện điều khiển tay chuông để lái tàu chạy vòng vèo giữa sông trước sự quần thảo, rượt đuổi của máy bay Mỹ. Khi tàu dính đạn tiếp bốc cháy dữ dội, anh đã bình tĩnh tháo van thông đáy để cho tàu chìm giữa lòng sông.

Trận chiến đấu ngày 28-4, Hải quân ta ở sông Gianh và các lực lượng trên bờ đã kiên cường đánh trả 8 đợt tiến công của Không quân Mỹ. Sau mỗi đợt, mặc dù bị thương vong lớn, họ không hề nao núng. Với quyết tâm “còn người, còn tàu, còn vũ khí vẫn bám tàu chiến đấu đến cùng”, họ chỉ chịu rời tàu khi có lệnh.

Trong trận đánh này, mặc dù tiêu diệt được 5 máy bay địch, nhưng lực lượng của HQND Việt Nam cũng chịu tổn thất khá nặng nề cả về người và vũ khí trang bị: 5 tảu tuần tiễu bị đánh chìm, 40 cán bộ, thủy thủ hy sinh, 95 trường hợp bị thương - một cái giá quá đắt cho một trận đánh!

Nguyên nhân dẫn đến trận đánh không thành công, trước hết là do lãnh đạo, chỉ huy chưa làm tốt công tác nắm địch. Trước khi trận đánh này diễn ra, địch đã cho máy bay trinh trinh sát hoạt động khá dày đặc ở khu vực sông Gianh, trong khi ta lại chưa phát hiện ra “sự bất thường” đó để có phương án đối phó thích hợp.

Trong quá trình chiến đấu, việc vận dụng nguyên tắc “phòng tránh, đánh trả” chưa thật linh hoạt; bằng chứng là trong hầu hết các lần máy bay bổ nhào cắt bom lần đầu, các tàu đều không đánh trả mà đến lần thứ hai chúng lao xuống cắt bom mới nổ súng; một số tàu cơ động chậm, còn dừng lâu ở một vị trí vô hình chung tạo điều kiện cho máy bay địch dễ dàng phát hiện.

Cũng do phán đoán, nắm địch chưa chắc nên có phần chủ quan, lơ là trong công tác ngụy trang, nghi binh, trong bố trí và tổ chức lực lượng, nhất là bố trí hỏa lực. Ngoài ra còn có nguyên nhân chưa lường hết mức độ đánh phá của địch, nên khi địch tập trung lực lượng lớn đánh liên tục với cường độ cao, biên độ giữa các đợt đánh dày thì tỏ ra bị động lúng túng trong đối phó.

Từ trận đánh trên sông Gianh ngày 28-4-1965, HQND Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm - đó là bài học “nắm địch , hiểu ta” để có kế hoạch đối phó thích hợp, nhất là khi phải chống trả các đợt tiến công dồn dập của máy bay địch ở các khu vực hỏa lực phòng không của ta mỏng.; bài học về kết hợp chặt chẽ giữa sơ tán và ngụy trang, nghi binh với tổ chức đánh trả khi bị địch phát hiện và tiến công; bài học về xây dựng kế hoạch chiến đấu phải tỷ mỷ, cụ thể, cân nhắc mọi tình huống có thể xảy ra. Chính nhờ đó mà HQND Việt Nam đã không để xảy ra những “Trận sông Gianh thứ hai” như thế trong những năm tháng còn lại đương đầu với 2 cuộc chiến tranh phá hoại khốc liệt bằng Không quân và Hải quân của Mỹ.

Trần Việt Anh