Bữa cơm của các chiến sĩ giữa ánh nến leo lét.

Đỉnh Puxailaileng là một trong ba đỉnh cao nhất thuộc dãy Trường Sơn; khí hậu khắc nghiệt, giá rét quanh năm; mùa đông có những thời điểm tuyết rơi phủ trắng nhiều ngày liền. Cũng có lúc một ngày có tới tận bốn mùa, trưa nóng như thiêu đốt chiều mưa giông sấm sét, tối đêm lạnh tê buốt chân tay, về sáng lạnh thấu xương cắt da cắt thịt… Vậy nhưng ở đó có những người lính biên phòng vẫn đang ngày đêm khắc phục nhiều khó khăn, thiếu thốn, canh giữ cột mốc biên cương Tổ quốc, bảo đảm an ninh địa bàn...

Giá buốt quanh năm

Nghệ An là địa phương có đường biên giới dài nhất cả nước, tiếp giáp với nước bạn Lào. Đặc biệt, tuyến biên giới ở miền núi kéo dài với đặc thù địa hình khó khăn, khí hậu khắc nghiệt. Do đó, mặc dù những năm qua Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Nghệ An đã tìm mọi biện pháp hỗ trợ đắc lực nhất cho các đồn BP miền núi, nhưng do một số nơi có khí hậu khắc nghiệt, địa hình đặc thù nên cán bộ, chiến sĩ một số đồn vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Trạm chốt BP Buộc Mú đóng trên đỉnh Puxailaileng, nơi khí hậu quanh năm buốt giá. 

Điển hình như Đồn Biên phòng Na Ngoi, thuộc Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An (đóng trên địa bàn xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn) quản lý, bảo vệ 3 cột mốc từ 420 đến 422 cùng một mốc dấu với đường biên giới  dài 16,552km, tiếp giáp huyện Mường Mộc, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào). Trạm BP nào thuộc đồn Na Ngoi cung phải khắc phục khó khăn, thiếu thốn để thực hiện nhiệm vụ, nhưng điển hình vẫn là Trạm chốt Buộc Mú đặt ở đỉnh Puxailaileng, điểm cao nhất của tuyến đường biên do Đồn quản lý.

Trạm chốt Buộc Mú đặt giữa rừng Samu, Pơmu già cỗi nằm trên đỉnh Puxailaileng cao hơn 2.700m, tiếp giáp với bản Nậm Ngạt, huyện Mường Mộc. Do địa thế quan trọng nên từ năm 2004, UBND tỉnh Nghệ An, UBND huyện Kỳ Sơn và Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An quyết định thành lập Trạm chốt Buộc Mú để tuần tra bảo vệ biên giới, cọc dấu và người qua lại trên đoạn biên giới này.

Cán bộ, chiến sĩ tăng gia tại trạm chốt.

Trạm nằm cách Đồn BP Na Ngoi gần 20km và phải mất hơn 1 giờ đi xe máy qua con đường nhỏ chỉ có dốc lên. Càng lên nhiệt độ càng giảm, sương mù càng dày chúng tôi mới lên được trạm, mặc dù đó là vào thời điểm buổi trưa.

Dừng chân nơi trạm gác trước khi vào chốt, Trung tá Nguyễn Trung Hoàn - Trạm phó trạm BP Buộc Mú cho biết: “Ngoài bảo vệ mốc dấu nơi đóng chốt, hằng ngày anh em thay phiên nhau đi tuần tra đường vành đai biên giới. Đặc biệt gần với huyện Mường Mộc, tỉnh Xiêng Khoảng, nên đây cũng là đường ngắn nhất người dân của mình cũng như của nước bạn qua lại hai bên. Vì vậy 24/24 giờ phải có người đứng gác để làm thủ tục hành chính cũng như kiểm tra người qua lại biên giới”.

Trạm BP Buộc Mú thường xuyên có 6 cán bộ, chiến sĩ túc trực để làm nhiệm vụ. Những ngày vào mùa hè, mùa xuân khí hậu nơi đây vẫn lạnh như những ngày đông ở miền xuôi thì cũng là thời điểm các chiến sĩ mới có thể tăng gia tại chỗ. Những tháng còn lại trong năm khí hậu quá lạnh không loại rau, vật nuôi gì sống nổi nơi đây…

Thiếu thốn đủ bề

Hằng đêm cán bộ, chiến sĩ thay phiên nhau gác tại trạm gác của chốt để làm nhiệm vụ giữa giá rét và thiếu ánh sáng.

Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi và Trung tá Hoàn tạm ngắt để chuyển địa điểm. Bởi chỉ mới hơn 2 giờ chiều, trời đã tối mịt; sương xuống dày kèm theo những cơn gió rét buốt. Mấy anh em cùng xuống bếp vừa nấu cơm vừa nói chuyện cho ấm. Khi nồi cơm vừa chín thì cũng là lúc các chiến sĩ trạm chốt đi tuần về. Khi các chiến sĩ cách chừng 5m, chúng tôi mới thấy lấp loáng vài bóng đèn pin mờ lẫn trong sương mù dày đặc.

Sau khi chào chúng tôi, các chiến sĩ đi tắm rồi tất cả vào ngay mâm cơm. “Ăn ở đây cũng phải nhanh bởi một là được bát cơm nóng, canh nóng; thứ hai là nến cũng phải hạn chế do điện không có nên ăn xong là phải tắt ngay dành các bữa sau. Mỗi lần lên trạm chốt thứ tốn kém nhất với chiến sĩ nơi đây là pin, nến, đèn dầu, bởi ở đây không có điện. “Ở đây nước suối nhỏ, không đủ lực làm cho tuốcbin hoạt động” - anh Hoàn cho biết.

Sau bữa cơm tất cả các cán bộ, chiến sĩ trong trạm chốt lên Phòng Chỉ huy họp nhanh để báo cáo về tình hình chuyến tuần tra trong ngày và kế hoạch tuần tra sắp tới cùng với đơn vị nước bạn Lào. Sau đó, các chiến sĩ theo phiên cắt cử ra gác chốt làm nhiệm vụ; Chỉ huy trạm chốt đánh điện báo cáo tình hình về Đồn bằng chiếc máy điện tín 3W chuyên dụng của quân đội.

Về mùa đông có những thời điểm tuyết rơi phủ trắng cả cánh rừng nơi đặt trạm chốt Buộc Mú.

Thấy chúng tôi tỏ vẻ ái ngại về sự vất vả, thiếu thốn của Trạm, anh Hoàn chia sẻ: “Các anh thông cảm, trong bữa ăn không nói chuyện được nhiều, phải ăn nhanh cho các đồng chí khác làm nhiệm vụ. Một đêm thường xuyên có 2 đồng chí luân phiên nhau gác, bất kể thời tiết như thế nào. Còn nói về thứ nhiều nhất ở đây thì như các anh đã thấy chỉ có gió và giá rét. Còn thiếu thốn thì đủ bề bề, không có điện, không sóng điện thoại, tăng gia sản xuất cũng tùy mùa” .  

Trung tá Hoàn còn cho chúng tôi thấy vất vả nhất của cán bộ, chiến sĩ trạm chốt là lúc đi tuần. Bởi vị trí đường vành đai, cột mốc còn cao hơn nhiều so với nơi đặt trạm. Khi đi tuần, người trước không được cách người sau quá hai bước chân, nếu không sẽ lạc bởi sương mù dày đặc không nhìn thấy nhau. Cơm cũng phải nắm để dùng, bởi lên những điểm cao trên đường tuần tra lạnh và áp suất cao khiến nấu cơm không thể chín, nước không thể sôi. Mỗi lần đi tuần về, cán bộ, chiến sĩ khuôn mặt luôn ướt nước bởi những cơn gió lạnh tát thẳng mặt đến sổ nước mũi.

Do đường đi lại khó khăn nên cứ một tuần mới được tiếp phầm một lần từ Đồn. Tất cả thực phẩm đưa lên được nấu chín rồi hâm đi hâm lại ăn dần vì không có nơi bảo quản. “Ở đây nói có bữa ăn tươi là hiếm lắm, may khí hậu lạnh quanh năm nên nấu ăn cả tuần không bị hư hỏng gì. Cá biển, thịt được tiếp phẩm chuyển lên được vài bữa đầu mới nấu còn ăn tươi, sau hâm đi hâm lại nhiều đến kỳ tiếp phẩm sau là cá đã nhừ cả xương, thịt hâm đến chảy thành nước” - anh Hoàn cho biết.

Thiếu thốn là thế nhưng các chiến sĩ tại trạm chốt còn phải thường xuyên hỗ trợ trạm chốt của Đại đội 222, Bộ đội BP Lào vì Trạm chốt Buộc Mú chỉ cách trạm chốt của đơn vị nước bạn khoảng 20 phút đi xe máy. Cán bộ, chiến sĩ mình đã thiếu thốn, bộ đội BP của Lào còn thiếu thốn hơn.

Cũng theo Trung tá Hoàn: “Thiếu thốn về lương thực, thực phẩm gặp nhiều khó khăn vì anh em còn tăng gia thêm được. Nhưng cái thiếu nhất là văn hóa, tinh thần bởi nơi đây không có điện, không sóng điện thoại. Cứ ngày cuối tuần, chốt luôn tạo điều kiện cho chiến sĩ chạy xe xuống nơi có sóng điện thoại để gọi về cho gia đình”.

Thiếu tá Mai Việt Anh - Đồn phó Đồn BP Na Ngoi cho biết: “Quan tâm đến cán bộ, chiến sĩ tại Trạm chốt BP Buộc Mú, hằng tháng lãnh đạo đồn đều lên thăm hỏi, tuần tra cùng. Các đợt chốt luôn có đội ngũ cán bộ, y tế phục vụ tại Trạm đảm bảo sức khỏe cho anh em làm nhiệm vụ. Ngoài ra, theo định kỳ, lãnh đạo Bộ Chỉ huy BP tỉnh và lãnh đạo địa phương luôn đến thăm hỏi, động viên anh em tại trạm cũng như bàn các nội dung với đơn vị nước bạn trong công tác bảo vệ đường biên giới hai nước”.

Sự quan tâm của lãnh đạo cấp trên và địa phương là nguồn động viên thiết thực để cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Na Ngoi khắc phục khó khăn, thiếu thốn, hoàn thành nhiệm vụ nơi vùng cao biên viễn.

Xuân Hòa