Đại tá Duy Khán (1934-1993), tác giả "Tuổi thơ im lặng" - Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1985, là người đa cảm, sống và viết đều vậy. Cười đấy lại khóc ngay, tỉnh đấy lại say ngay.

Ông viết tập "Tuổi thơ im lặng" khi còn công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhà thơ Trần Vũ Mai ở NXB Tác phẩm mới cổ vũ ông rất nhiều. Bản thảo ông viết trên mặt sau của tập giấy hóa đơn bán hàng dài như vở tập viết của học sinh lớp 1. Chữ ông cũng to, rõ ràng và nắn nót như chữ học sinh. Ông bảo ông viết tập sách mỏng này là gan ruột của ông để tặng quê hương, tặng các con ông, tặng các bạn nhỏ, đặc biệt là để tặng những ai đã từng nghèo khó. Là thế nên "Tuổi thơ im lặng" là tập sách buồn nhiều hơn vui. Ây là cái buồn của một xóm quê nghèo, một cuộc đời nghèo những năm xưa cũ. Viết xong mỗi chuyện, dường như ông vui hơn, hoạt hơn và uống cũng nhiều hơn. Những lúc say, ông bảo cuốn sách này là "đứa con ngoài kế hoạch" của ông! Đứa con "ngoài kế hoạch" chẳng ngờ dăm năm sau đó chào đời lại được hoan nghênh nhiệt liệt. Bấy giờ không có một tờ báo nào có trang "văn hóa - văn nghệ" lại không có bài về "Tuổi thơ im lặng" của ông. Nhà thơ Đỗ Trung Lai - công tác ở Báo Quân đội nhân dân gọi tập sách là "Văn chiêu hồn" của một thời, của một vùng”. Duy Khán khoái lắm. ông bảo: "Kinh thật, chẳng rõ sức mạnh nào lại có thể giúp ông và đồng bào của ông vượt qua được cái thời khổ đau ấy".

Sau khi cho xuất bản "Tuổi thơ im lặng", người ta gọi Duy Khán là nhà văn nhiều hơn là "nhà thơ". Một đồng nghiệp bậc đàn anh của Duy Khán phát biểu: "Chỉ bằng “Tuổi thơ im lặng” thôi, Duy Khán cũng có thể đứng vững trên văn đàn của văn học hiện đại nước nhà", ngẫm ra đúng vậy. Duy Khán đã có tới 4 tập thơ vào vào nghề văn cũng bằng thơ, vậy mà lại "làm bàn" ở văn xuôi! Thơ Duy Khán cũng có những bài, những câu rất lạ và hồn nhiên, đôi khi lóe sáng đến linh diệu. Sự lóe sáng, linh diệu ta gặp ở bài “Chợ chiều” - một bài thơ, theo tôi là hay nhất của thơ Duy Khán.

Bây giờ thì tác giả "Chợ chiều" và "Tuổi thơ im lặng" đã đi vào cõi lặng im, đã ra người thiên cổ. Nhưng nhớ tới Duy Khán, người ta lại nhớ tới căn buồng mà nhà thơ Phạm Tiến Duật đã "đề thơ": Văn thơ đầy ắp căn buồng con con.

Bây giờ thì căn buồng ấy không còn nữa. Nhưng những kỷ niệm về nó thì vẫn còn trong bạn bè đồng nghiệp và bạn đọc của nhà thơ. Ây là một buồng xép, rộng 6m2 (vừa đủ kê một chiếc giường đơn dài 2m, rộng 1m, một bộ bàn ghế nhỏ và rải một chiếc chiếu) ở gác 2 nhà số 4, Lý Nam Đế, Hà Nội. Căn buồng này là nơi nhà thơ Duy Khán - tác giả cuốn “Tuổi thơ im lặng” từng sống và viết trong nhiều năm.

Cũng như nhà thơ Thanh Tịnh, Duy Khán có một thời gian dài "ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân", làm việc và nghỉ ngơi, tiếp khách trong căn xép ấy, còn ăn thì ngày ngày hai buổi vác bát vác đũa sang nhà ăn tập thể Báo Quân đội nhân dân. Thời bấy giờ các nhà văn ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội có một thói quen hễ cứ viết được gì, thậm chí có khi chỉ là một ý tưởng, một tứ thơ cũng thông báo cho nhau, khoe với nhau. Nhưng cái "khoe" của Duy Khán là độc đáo hơn cả, hồn nhiên đến đáng yêu. Có lần nhà văn Nguyễn Khải thấy cánh cửa phòng ông cứ im ỉm suốt ngày mới gọi với vào đùa: "Ông Khán ơi, ông viết gì mà cứ nhoay nhoáy suốt ngày thế. Từ từ để anh em theo với chứ". Duy khán hé cửa phòng cười rất tươi nói với bậc đàn anh: "Vâng, tuần vừa rồi em cũng viết được 10 bài thơ, 6 bài kha khá, những bài còn lại cũng được. Ây vậy mà gửi đi chưa thấy báo nào in"... Hồi viết cuốn “Tuổi thơ im lặng” cũng vậy,  viết được mẩu nào ông đọc cho mọi người nghe mẩu ấy và kể rằng ông đã vừa viết vừa khóc. Dạo đi công tác ngoài quần đảo Trường Sa về cũng thế, ông ngồi lì trong phòng, cặm cụi viết cuốn “Biển thức”  trên một tập giấy rất lạ, dài như một cuốn sổ của người cán bộ kế toán. Ông kể miên man về những chuyến đi biển của mình từ lúc buộc ba lô rời ngôi nhà số 4 đến lúc trở về ngồi trong căn phòng 6m2 của mình.  Ông đưa nó cho nhiều người xem, vui hơn và... uống cũng nhiều hơn. Một hôm nhà thơ Phạm Tiến Duật đến chơi, nghe ông kể chuyện đi, viết về Trường Sa, đã ngẫu hứng đọc hai câu thơ:

Một nhà thơ đi sáu ngàn cây số biển

Về ở căn buồng sáu mét vuông.

Duy Khán không cần đắn đo tiếp luôn:

Một ngày đôi chén rượu suông

Văn thơ đầy ắp căn buồng con con.

Cái căn buồng con con ấy nay không còn, nhưng từ đó đã hoài thai ra những tập thơ “Trận mới”, “Tâm sự người đi”, “Tuổi thơ im lặng” và cả “Biển thức”. “Biển thức” đã không kịp xuất bản trước lúc Duy Khán về hưu và đi xa mãi mãi! Nhớ ông, nhớ những kỷ niệm về căn buồng 6m2 của ông năm nào lại càng tiếc cho “Biển thức”. Không hiểu tập bản thảo ấy giờ phiêu dạt nơi nào, còn chăng hay đã đi cùng tác giả của nó về cõi vô biên?

Tháng 7-2019

Ngô Vĩnh Bình