Đá bóng trách nhiệm?
Ngày 27-12-2016, PV Báo CCB Việt Nam đến Bộ GTVT đăng ký nội dung làm rõ về thông tin Hồ sơ cán bộ của ông Toàn. Theo đó, nội dung tìm hiểu như sau: Ông Toàn “Tốt nghiệp Đại học Hàng hải hệ chính quy, niên khóa 1993-1996. Tại Quyết định số 788/QĐ-ĐT ngày 17-9-1996 của Trường đại học Hàng hải ghi: Mục 3 Điều 1 thể hiện ông Toàn thuộc diện “Chuyển cấp” 93-96 (về thi lại)”. Trong hồ sơ cán bộ của ông Toàn còn khai “Có bằng thạc sĩ ngành quản lý công do Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia - Đại học UPPSALA Thụy Điển (niên khóa 2009-2011) cấp”…
Nội dung PV Báo CCB Việt Nam đăng ký làm việc được ấn định vào ngày 30-12-2016 và đề nghị được làm việc trực tiếp các đơn vị, phòng-ban liên quan và cá nhân ông Toàn để làm rõ. Tuy nhiên, gần 2 tuần sau, Chánh văn phòng Bộ GTVT - ông Nguyễn Trí Đức có Văn bản số 205/BGTVT-VP (ngày 9-1-2017) trả lời: Bộ GTVT nhận thấy những nội dung nhà báo Nguyễn Hữu Doanh phản ánh về việc đào tạo và cấp bằng đại học, bằng Thạc sĩ cho ông Hoàng Minh Toàn. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị nhà báo Nguyễn Hữu Doanh trực tiếp làm việc với các trường đại học liên quan (Trường đại học Hàng hải Việt Nam và Trường đại học Quốc gia) để nắm thông tin”?!

Tiền lệ…
Trước đó, nhiều cơ quan báo chí cũng thông tin: Năm 2016, một đơn vị thuộc Bộ GTVT cũng bổ nhiệm ông Nguyễn Đình Việt làm Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam khi ông này có bằng “đại học hệ ngắn hạn của Trường đại học Hàng hải cấp ngày 25-10-1993”. Trên văn bằng tốt nghiệp của ông Việt ghi số A68868, bằng tốt nghiệp kỹ sư điều khiển tàu biển cho ông Nguyễn Đình Việt, hệ ngắn hạn khóa học 1988-1991. Cấp bằng ngày 25-10-1993.
Theo Quyết định 590 ngày 8-10-1993 của Trường đại học Hàng hải Việt Nam công nhận tốt nghiệp đại học cho 86 sinh viên các hệ đại học, cao đẳng và trung học các ngành; tại Điều 13 của quyết định nêu rõ: Ông Nguyễn Đình Việt tốt nghiệp ngành điều khiển tàu biển hệ cao đẳng khóa 1988-1991.
Được biết, thời gian ông Việt học tại Đại học Hàng hải là 3,5 năm, trong khi đó hệ đại học của Trường đại học Hàng hải có thời gian đào tạo là 5 năm.
Trả lời PV, một lãnh đạo ở Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) cho biết loại bằng tốt nghiệp hệ đại học ngắn hạn trước đây tương đương với hệ cao đẳng. Năm 1992, Bộ GDĐT có Công văn số 2480/ĐH hướng dẫn cấp phát văn bằng tốt nghiệp cho hệ “đại học ngắn hạn”, trong đó nêu rõ: Bằng tốt nghiệp đại học do Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề phát hành trước năm 1991 có thêm một số dấu hiệu đặc biệt (trên bìa có dấu nổi của Bộ GDĐT, mặt trong có dòng chữ “Hệ đại học ngắn hạn”); Bằng tốt nghiệp cao đẳng do Bộ GDĐT phát hành từ năm 1991 trở đi. Cả hai loại bằng trên có giá trị hoàn toàn như nhau”.
Trở lại với trường hợp của ông Hoàng Minh Toàn, theo tìm hiểu của PV, ngoài thông tin ông Toàn tốt nghiệp Đại học Hàng hải thuộc diện “chuyển cấp” (về thi lại), niên khóa 1993-1996”, hồ sơ cán bộ của ông Toàn còn khai có bằng Thạc sĩ quản lý công. Tuy nhiên, điều kiện để được theo học Thạc sĩ tại trường này phải tốt nghiệp chính quy một trường đại học được Quốc tế công nhận. Về điều kiện tiếng Anh sẽ miễn thi cho những người có chứng chỉ tiếng Anh B2 châu Âu hoặc tương đương (IELTS 5.5/ TOEFLE iBT 61 hoặc TOEIC 600) còn trong thời hạn có giá trị.
Vẫn trong hồ sơ cán bộ (khai ngày 4-12-2014), do Phó cục trưởng Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam-Trần Đức Hải ký, mục “Đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học” thể hiện ông Toàn chỉ có: Chứng chỉ C tiếng Anh, hệ bồi dưỡng do Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cấp (giai đoạn 2004-2005).
Nếu so sánh với các quy định của Đại học UPPSALA Thụy Điển, ông Toàn chưa đủ điều kiện để theo học Thạc sĩ ở trường này. Chưa kể tấm bằng Đại học Hàng hải của ông Toàn còn có nhiều điều cần làm rõ! Và vấn đề xem lại bằng cấp của ông Hoàng Minh Toàn không chỉ là chuyển bằng cấp, mà thực chất của những thấm bằng sẽ nói lên việc đúng-sai trong quyết định bổ nhiệm cán bộ của cơ quan chủ quản.
Doanh Chính