Ngày 8/9, Việt Nam có 12.680 ca mắc mới COVID-19, giảm 1.528 ca so với ngày trước đó.

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội điều chỉnh bất cập trong việc cấp giấy đi đường; TP Hồ Chí Minh gia hạn giấy đi đường đến 15/9, cho phép bán thức ăn mang đi khi đảm bảo quy định phòng dịch; Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kêu gọi quan tâm hơn nữa tới đội ngũ thầy thuốc ở tâm dịch; Bộ Y tế khuyến cáo có thể tiêm trộn vaccine của Mordena và Pfizer… là những tin nổi bật trong ngày 8/9.

Ngày 8/9, Việt Nam có 12.680 ca mắc mới COVID-19, giảm 1.528 ca so với ngày trước đó

Từ 17 giờ ngày 7/9 đến 17 giờ ngày 8/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.680 ca nhiễm mới tại 39 tỉnh, thành phố; trong đó 17 ca nhập cảnh và 12.663 ca ghi nhận trong nước.

Cụ thể, 12.680 ca nhiễm mới ghi nhận tại: TP Hồ Chí Minh (7.308 ca), Bình Dương (3.172 ca), Đồng Nai (814 ca), Long An (372 ca), Tiền Giang (171 ca), Cần Thơ (83 ca), Đồng Tháp (62 ca), Bình Phước (61 ca), Quảng Bình (53 ca), Tây Ninh (52 ca), Khánh Hòa (48 ca), An Giang (46 ca), Kiên Giang (43 ca), Nghệ An (42 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (42 ca), Hà Nội (40 ca), Đà Nẵng (30 ca), Đắk Nông (28 ca), Bình Định (27 ca), Bình Thuận (26 ca), Đắk Lắk (24 ca), Phú Yên (19 ca), Quảng Ngãi (19 ca), Bạc Liêu (18 ca), Sóc Trăng (13 ca), Trà Vinh (11 ca), Thừa Thiên Huế (9 ca), Bến Tre (6 ca), Bắc Ninh (5 ca), Cà Mau (5 ca), Gia Lai (3 ca), Quảng Nam (2 ca), Ninh Thuận (2 ca), Sơn La (2 ca), Thái Bình (1 ca), Hưng Yên (1 ca), Hà Tĩnh (1 ca), Lạng Sơn (1 ca), Hậu Giang (1 ca) trong đó có 7.851 ca trong cộng đồng.

Như vậy trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 1.528 ca. Tại TP Hồ Chí Minh giảm 2 ca, Bình Dương giảm 794 ca, Đồng Nai giảm 131 ca, Long An giảm 118 ca, Tiền Giang giảm 12 ca.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận mỗi ngày trong 7 ngày qua là 12.862 ca.

Thống kê kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 563.676 ca nhiễm, đứng thứ 50/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.730 ca nhiễm).

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch thứ 4 kể từ 27/4 đến nay là 559.346 ca, trong đó có 322.873 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 9 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.

Có 8 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam, Hải Dương, Quảng Ninh, Lào Cai.

Có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP Hồ Chí Minh (273.154 ca), Bình Dương (141.765 ca), Đồng Nai (31.179 ca), Long An (26.804 ca), Tiền Giang (11.159 ca).

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội điều chỉnh bất cập trong việc cấp giấy đi đường

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu UBND TP Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài.

Để kịp thời triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian thực hiện tăng cường giãn cách xã hội theo Công điện số 1099/CĐ-TTg và Công điện số 1102/CĐ-TTg, tạo thuận lợi trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 6263/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP Hà Nội triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét, có hướng dẫn cụ thể đối với kiến nghị của Hiệp hội vận tải TP Hồ Chí Minh về việc thực hiện xét nghiệm đối với tài xế đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương về việc trang bị phương tiện học tập, sách giáo khoa phục vụ việc học tập theo hình thức trực tuyến.

Liên quan đến việc cấp giấy đi đường, Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài; không để tập trung đông người và ùn tắc giao thông, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch.

Trước đó, vào chiều 7/9, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành uỷ Hà Nội khẳng định, việc thực hiện phương án phân 3 vùng từ ngày 6/9 nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô trong tình hình mới, để kiểm soát, tầm soát y tế: Vừa bảo đảm tiếp tục thực hiện triệt để biện pháp giãn cách xã hội ở “vùng đỏ”, vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh, chăm lo sinh kế, bảo đảm an sinh xã hội ở “vùng cam” và “vùng xanh”.

Để việc cấp và kiểm tra giấy đi đường góp phần tích cực thực hiện giãn cách ở Vùng 1, Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân.

Trước mắt, tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một.

Thành phố Hà Nội chỉ phạt người ra đường không thuộc các trường hợp theo quy định của Chỉ thị số 16/CT-TTg; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân tự giác chấp hành. Người dân được cấp giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.

địa phương phải tổ chức kiểm tra từ ngõ, phố, kết hợp với lực lượng nhân dân, tuần tra kiểm soát của các tổ lưu động, tăng cường hậu kiểm để hạn chế lượng người ra đường; lập các tổ liên ngành kiểm tra phương án an toàn tại tổ chức, doanh nghiệp. Những sai phạm (nếu có) cần được công khai để phê bình, nhắc nhở đi kèm với chế tài nghiêm khắc.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết thêm, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố tập trung chỉ đạo ngành Y tế tiếp tục duy trì công suất xét nghiệm 200.000 mẫu/ngày, cần thiết nâng lên 280.000 mẫu/ngày như đã chuẩn bị, quyết tâm đến ngày 15/9, tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần).

Trên cơ sở tầm soát y tế toàn dân, ngành Y tế chủ trì phối hợp với chính quyền từng địa phương đánh giá mức độ nguy cơ và tham mưu, đề xuất quyết định nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch theo tình hình thực tế trên từng địa bàn để tổ chức đời sống, sản xuất, kinh doanh... Tinh thần là an toàn đến đâu, mở ra đến đấy.

Bộ Y tế khuyến cáo có thể tiêm trộn vaccine của Mordena và Pfizer

Hội đồng tư vấn chuyên môn về sử dụng vaccine của Bộ Y tế khuyến cáo, trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vaccine COVID-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vaccine khác để tiêm mũi 2.

Để thực hiện Chiến lược vaccine phòng COVID-19, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận nhiều loại vaccine được sản xuất theo các công nghệ khác nhau như công nghệ vector (do Astra Zeneca sản xuất, hoặc Sputnik V), công nghệ mRNA (do Pfizer, Moderna sản xuất), công nghệ bất hoạt (do Sinopharm sản xuất). Đồng thời hiện nay, các nhà sản xuất cũng đang nghiên cứu phát triển một số loại vaccine bằng những công nghệ khác nhau.

Thời gian vừa qua, do tình hình khan hiếm vaccine nói chung nên nhiều quốc gia đã nghiên cứu và sử dụng các liệu trình tiêm kết hợp 2 loại vaccine cùng công nghệ hoặc khác công nghệ sản xuất, căn cứ theo loại vaccine sẵn có tại từng thời điểm, như tiêm vaccine véc-tơ virus với vaccine mRNA, hoặc tiêm 2 loại vaccine mRNA của các nhà sản xuất khác nhau...

Xuất phát từ tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng vaccine nhằm mục đích tăng độ bao phủ, tiêm sớm và đúng lịch để phòng chống dịch, ngày 8/9/2021, Hội đồng tư vấn chuyên môn về sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo: Trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vaccine COVID-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vaccine khác để tiêm mũi 2 như sau: Nếu tiêm mũi 1 vaccine do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer hoặc Moderna sản xuất; nếu tiêm mũi 1 vaccine do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer sản xuất và ngược lại.

Hà Nội: Xe máy quay đầu, phóng ngược chiều né chốt trong ngày đầu kiểm soát 'vùng đỏ'

Sáng 8/9, Hà Nội bước vào ngày đầu tiên kiểm soát chặt người ra, vào "vùng đỏ". Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, để tránh né chốt kiểm soát, nhiều người đi đường bất chấp nguy hiểm, quay đầu, đi ngược chiều, vi phạm quy định về an toàn giao thông.

Tại chốt kiểm soát "vùng đỏ" cầu Vĩnh Tuy (đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra kiểm soát giấy đi đường của người dân. Tuy nhiên để tránh bị lực lượng chức năng kiểm tra ra đường với lý do không chính đáng, nhiều người dân bất chấp nguy hiểm đi vào đường ngược chiều để "né chốt".

TP Hồ Chí Minh: Gia hạn giấy đi đường đến 15/9, cho phép bán thức ăn mang đi khi đảm bảo quy định phòng dịch

Tối 8/9, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản số 2994/UBND-ĐT về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; đáng chú ý, có quy định cho phép kéo dài giấy đi đường đến hết ngày 15/9 và cho phép bán đồ ăn mang đi khi đảm bảo quy định phòng dịch.

Theo văn bản, UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện giấy đi đường của Công an TP Hồ Chí Minh đã cấp trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đến hết ngày 15/9.

Trong trường hợp người dân có nhu cầu cấp đổi giấy đi đường, các đơn vị chủ trì, quản lý đối tượng cấp giấy đi đường theo Công văn 2800/UBND-VX ngày 21/8/2021 của UBND TP Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm thu hồi giấy cũ; tổng hợp, cập nhật danh sách mới gửi Công an TP Hồ Chí Minh để được cấp đổi.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; đội ngũ giao nhận hàng hóa (shipper) được hoạt động trong phạm vi 1 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày để đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân.

UBND TP Hồ Chí Minh giao Chủ tịch UBND quận 7 và UBND huyện Củ Chi căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để xây dựng kế hoạch, phương án triển khai thực hiện cho phép người dân có thể đi chợ 1 tuần/1 lần; báo cáo UBND TP Hồ Chí Minh trước ngày 11/9.

Về việc cung ứng hàng hóa, UBND TP Hồ Chí Mnh cho phép mở hai điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Hóc Môn.

Cùng với đó là tiếp tục duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả của điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Thủ Đức để bổ sung nguồn hàng hóa cung ứng cho TP Hồ Chí Minh; đảm bảo lưu thông thông suốt đến người tiêu dùng trên nguyên tắc đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống; cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi, các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, các cơ sở này phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện và thành phố Thủ Đức để được cấp Giấy đi đường theo Công văn 2800/UBND-VX ngày 21/8/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố; phải đảm bảo điều kiện người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine phòng, chống COVID-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với COVID-19 2ngày/1 lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 8.662 tỷ đồng

Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17h ngày 8/9, quỹ nhận được 8.662 tỷ đồng đã bao gồm ngoại tệ quy đổi của 540.456. tổ chức và cá nhân tham gia đóng góp.

Ban quản lý đã xuất quỹ thanh toán 373 tỷ đồng mua vaccine nên số dư còn lại là 8.289 tỷ đồng.

Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 hàng ngày thực hiện công khai số dư quỹ và danh sách các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã ủng hộ cho quỹ trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính và các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Thông tư số 41/2021/TT-BTC ngày 2/6/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn Quy chế tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và chế độ kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vaccine phòng COVID-19.

"Chúng tôi phải có trách nhiệm quản lý chặt chẽ, minh bạch và sử dụng Quỹ tiết kiệm, hiệu quả để phục vụ phòng chống dịch tốt nhất cho nhân dân. Khi có yêu cầu của Bộ Y tế và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ xuất quỹ kịp thời để mua vaccine phục vụ nhân dân. Bộ Tài chính cam kết công khai, minh bạch số tiền hàng ngày, từng đợt ủng hộ và công khai quyết toán của Bộ Y tế sau từng đợt tiêm vaccine phòng chống dịch COVID-19", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cam kết.

Ban quản lý quỹ vừa ra mắt thêm cổng thông tin điện tử của Quỹ vaccine phòng COVID-19 (quyvacxincovid19.gov.vn) để kêu gọi nhiều hơn nữa các cá nhân, tổ chức tham gia ủng hộ.

Theo Bộ Tài chính để tiêm được cho 75 triệu dân, nguồn lực cần khoảng 25.200 tỷ đồng; trong đó, ngân sách đã chuẩn bị được hơn 14.000 tỷ đồng và cần thêm khoảng 11.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kêu gọi quan tâm hơn nữa tới đội ngũ thầy thuốc ở tâm dịch

“Tại Bệnh viện Dã chiến ở Bình Chánh TP Hồ Chí Minh, một bác sĩ, điều dưỡng đã nỗ lực quản lý, điều trị khoảng 150 người bệnh. Ca trực thì quá dài nhưng các y, bác sĩ vẫn dốc tâm sức vì người bệnh”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chia sẻ về những vất vả của đội ngũ y bác sĩ đang hoạt động tại tâm dịch.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: “Tình hình dịch COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh đang trên đà cố gắng để có thể kiểm soát, đòi hỏi sự chăm sóc y tế tốt hơn để đảm bảo giảm tỷ lệ chuyển nặng, nguy kịch và tử vong trong số những người mắc COVID-19. Hiện nay, Thành phố đang có sự tham gia chống dịch của đội ngũ thầy thuốc từ các bệnh viện tuyến Trung ương và nhiều tỉnh, thành, nhưng vẫn cần có có thêm sự chi viện”.

Trước đó, ngày 6/9, sau khi nắm bắt sâu sát thực tế, kiểm tra tại nhiều bệnh viện dã chiến và các cơ sở điều trị, chăm sóc người mắc COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã có văn bản gửi đến Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP Hồ Chí Minh đề nghị tăng hỗ trợ cho nhân viên y tế ở các Bệnh viện Dã chiến và sử dụng tình nguyện viên.

Theo Thứ trưởng, mỗi tua làm việc của bác sĩ, điều dưỡng 8 - 10 tiếng/ngày trong điều kiện mặc bảo hộ liên tục có thể gây mất nước và điện giải. Nhân viên y tế thường xuyên phải trực cấp cứu đến 12 tiếng/ngày…

Việc chăm lo đời sống nhân viên y tế còn nhiều bất cập như phát cơm hộp, khẩu vị không được điều chỉnh phù hợp với lực lượng hỗ trợ đến từ miền Bắc vào nên ảnh hưởng sức khỏe của cán bộ tham gia chống dịch. Trường hợp nhân viên y tế bị nhiễm COVID-19 trong quá trình công tác được điều chuyển tới khu vực người bệnh, suất ăn được chuyển sang tiêu chuẩn suất ăn người bệnh. Điều này phần nào cũng ảnh hưởng đến tinh thần nhân viên y tế không may nhiễm bệnh.

Để đảm bảo sức chiến đấu của nhân viên y tế, nâng cao tinh thần phục vụ người bệnh và chất lượng điều trị, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP Hồ Chí Minh có các giải pháp. Cụ thể như: Đảm bảo thời gian nghỉ sau khi kết thúc ca trực cho nhân viên y tế, không để làm việc liên tục trong thời gian dài mà không có ngày nghỉ; đề nghị đơn vị cung cấp thực phẩm điều chỉnh chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng; nhân viên y tế không may mắc COVID-19 phải được đảm bảo chế độ ăn như thường ngày.

Một chiến sĩ dân quân qua đời do mắc COVID-19 khi tham gia phòng, chống dịch

Sáng 8/9, đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 7; Cục dân quân - Bộ Tổng tham mưu; Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo quận Bình Tân… đã đến viếng và gửi vòng hoa chia buồn cùng gia đình chiến sĩ dân quân Nguyễn Thành Đạt qua đời do mắc COVID-19 khi tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch trên địa bàn quận Bình Tân.

Chiến sĩ dân quân Nguyễn Thành Đạt trực thuộc tiểu đội dân quân tại phường Tân Tạo, được Ban Chỉ huy quân sự quận Bình Tân điều động tham gia thực hiện nhiệm vụ chốt chặn, kiểm soát dịch và các hoạt động an sinh hỗ trợ người dân trên địa bàn phường Tân Tạo, quận Bình Tân.

Qua quá trình test kiểm tra sức khỏe theo định kỳ, dân quân Nguyễn Thành Đạt có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, được bố trí đưa đi cách ly trên địa bàn quận Bình Tân.

Trong quá trình cách ly, Thành Đạt trở nặng, có triệu chứng sốt, đau đầu, khó thở và được đưa vào cấp cứu, điều trị Bệnh viện Đa khoa Bình Tân. Mặc dù được đội ngũ y, bác sĩ tận tình chữa trị, nhưng do tiểu sử mắc bệnh nền, dân quân Nguyễn Thành Đạt qua đời vào lúc 8 giờ ngày 7/9 tại Bệnh viện Đa khoa Bình Tân.

Công an Cần Thơ làm việc với cô gái đăng tin "Giun đất trị COVID-19"

Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an thành phố Cần Thơ vừa phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông làm việc với chủ tài khoản Facebook đăng thông tin sai sự thật về việc sử dụng giun đất để điều trị COVID-19.

Theo đó, T. T. H. K. N (sinh năm 1997, ngụ phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ) sử dụng hai tài khoản facebook là "Dương Dương" và "Kim Ngân" thường xuyên đăng tải, chia sẻ các bài viết, thông tin có liên quan đến việc dùng giun đất (Địa Long) để điều trị cho người COVID-19, quảng cáo mua bán các loại thuốc Địa Long trị COVID-19. Những thông tin này đã gây hoang mang trong dư luận.

Theo kết luận của cơ quan chức năng, thông tin giun đất trị được COVID-19 chưa có cơ sở khoa học. Đến nay, Bộ Y tế chưa có văn bản hướng dẫn, công nhận hoặc cho phép sử dụng giun đất để điều trị COVID-19.

Tại buổi làm việc với các cơ quan chức năng, K.N thừa nhận việc cung cấp, chia sẻ thông tin trên là sai sự thật, tự gỡ bỏ bài viết, cam kết không tái phạm. Cơ quan chức năng đang tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cần Thơ: Xác minh nhân thân cô gái khoe được tiêm hai mũi vaccine nhờ "xin ông anh"

Liên quan đến thông tin cô gái là “em bạn dì” của một cán bộ phường An Phú, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ được ưu ái tiêm hai mũi vaccine Plizer phòng COVID-19, ngày 8/9, ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều cho biết, quận đang yêu cầu thanh tra xác minh, làm rõ.

Trước đó, một cô gái trẻ ở thành phố Cần Thơ khoe trên Facebook cá nhân tên L.H vừa hoàn thành mũi tiêm vaccine thứ 2 (loại Pfizer - BioNTech) cùng với dòng bình luận được tiêm do "xin ông anh”. Kèm theo bài đăng, L.H cũng đăng tải ảnh chụp giấy xác nhận đã tiêm vaccine phòng COVID-19 với loại vaccine Pfizer - BioNTech lên Facebook cá nhân.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cô gái nói trên tên là L.T.C.H (26 tuổi, trú tại phường An Phú, quận Ninh Kiều). H tiêm vaccine mũi 1 vào ngày 11/8, mũi 2 vào ngày 6/9 tại đơn vị tiêm Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Ninh KiềuNguyễn Ngọc Ánh, quận có cho chủ trương ưu tiên tiêm vaccine cho người nhà của các cán bộ trực tiếp làm công tác truy vết trong cộng đồng, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp F0, F1. Việc làm này giúp họ yên tâm làm nhiệm vụ. Theo đó, H. nằm trong danh sách do phường An Phú gửi lên quận.

Sau khi nắm thông tin liên quan đến H., UBND quận đã yêu cầu lãnh đạo UBND phường An Phú làm báo cáo. Tuy nhiên, do báo cáo chưa đạt, UBND quận Ninh Kiều đã yêu cầu làm lại, xác minh rõ hơn mối quan hệ nhân thân.

TTXVN