Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Đồng Tháp.

Trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 trong nước ghi nhận ngày 17/9 có tới 11.521 ca F0. Trong 7 ngày qua, trung bình số ca nhiễm mới trong nước là 11.090 ca/ngày.

TP Hồ Chí Minh và Bình Dương tiếp tục tăng cao số ca F0  

Số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.024 ca so với ngày 16/9, trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng 237 ca, Bình Dương tăng 1.015 ca, Đồng Nai giảm 222 ca, Long An giảm 8 ca, Kiên Giang giảm 18 ca. Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 667.650 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.786 ca nhiễm).  

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 663.232 ca, trong đó có 430.691 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 14/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình. Có bốn tỉnh không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai.  

Năm tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là Thành phố Hồ Chí Minh (326.795 ca), Bình Dương (173.086 ca), Đồng Nai (38.081 ca), Long An (29.843 ca), Tiền Giang (12.760 ca).

Trong ngày 17/9, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 9.914 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 433.465 ca. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.505 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ 3.507 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC 972 ca; Thở máy không xâm lấn 131 ca; Thở máy xâm lấn 862 ca; ECMO 33 ca.  

Số liệu từ các Sở Y tế công bố cho thấy, trong ngày 17/9 có 212 ca tử vong, trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh (166 ca), Bình Dương (28 ca), Đồng Tháp (4 ca), Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Đà Nẵng (mỗi địa phương 2 ca), Cà Mau, Khánh Hòa, Bình Thuận, Cần Thơ, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu (mỗi địa phương 1 ca).  

Trong 7 ngày qua, trung bình số tử vong ghi nhận là 250 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 16.637 ca, chiếm 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).  

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 218.322 xét nghiệm cho 795.175 lượt người; từ ngày 27/4/2021 đến nay đã xét nghiệm 16.178.305 mẫu cho 47.492.652 lượt người.  Trong ngày 16/9 có 630.323 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 33.006.632 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 26.821.906 liều, tiêm mũi 2 là 6.184.726 liều.  

Đồng Tháp kiến nghị Trung ương tiếp tục phân bổ 500.000 liều vaccine phòng COVID-19  

Chiều 17/9, Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Đồng Tháp. Tính đến ngày 16/9, Đồng Tháp ghi nhận 8.051 ca mắc COVID-19. Trong đó, 1.062 bệnh nhân đang điều trị; 6.793 bệnh nhân đã xuất viện; 191 ca tử vong có liên quan COVID-19. Với nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và thực hiện nhiều giải pháp mạnh, đến nay số ca mắc giảm mạnh, nhất là ca phát hiện trong cộng đồng.

Hiện 4/12 huyện, thành phố của tỉnh tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; 8 huyện, thành phố còn lại thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg ở mức cao. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ 500.000 liều vaccine phòng COVID-19 trong tháng 9/2021 để kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế. Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể các tiêu chí theo Quyết định 3989/QĐ-BYT, đặc biệt là các tiêu chí xác định chuỗi, chùm ca mắc ngoài cộng đồng, đánh giá nhóm tiêu chí nguy cơ; hướng dẫn về việc quản lý các trường hợp F0 đã xuất viện, tái dương tính được phát hiện khi tầm soát trong cộng đồng.  

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, so với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp là địa phương phát hiện ca mắc sớm, thời gian chống dịch kéo dài và rất vất vả. Với sự quyết liệt, nghiêm túc trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch, đến nay tình hình đang dần tốt lên, số ca mắc COVID-19 có xu hướng giảm dần, cả trong khu cách ly tập trung, khu phong tỏa và đặc biệt là trong cộng đồng.  

Nhấn mạnh nhiệm vụ thời gian tới của Đồng Tháp là tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch, giảm sâu tỷ lệ tử vong; tận dụng thời gian giãn cách xã hội để tầm soát và tách F0; kiểm tra chặt chẽ người từ vùng dịch về Đồng Tháp, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, yêu cầu tất cả người về từ vùng dịch phải khai báo; tuyệt đối không để phát sinh ổ dịch mới. Cùng với đó, tỉnh cần tổ chức lại các khu cách ly tập trung, đã đưa vào cách ly là phải an toàn, không để lây nhiễm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.  

Đối với các khu vực phong tỏa, Phó Thủ tướng lưu ý địa phương cần sáng tạo hơn trong công tác xét nghiệm; khoanh hẹp nhất có thể, trường hợp không thể khoanh hẹp thì tạm thời khoanh rộng nhưng phải thần tốc truy vết, ngay sau đó thì thu hẹp vùng khoanh lại. Cần tập trung xét nghiệm bằng test nhanh trong 5 ngày đầu, “chà đi xát lại” nhiều lần để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất và triệt để.    

Địa phương cần thận trọng, dần mở lại các hoạt động tại các “vùng xanh” phải chắc chắn, an toàn. Tinh thần chung là phải quyết đoán, trách nhiệm; sẵn sàng chuẩn bị trực chiến cho tình huống khi mở lại các hoạt động, dịch có thể quay lại bất cứ lúc nào. Phương châm là phát hiện thật nhanh, khoanh vùng, dập dịch ngay từ ban đầu, Phó Thủ tướng nói.  

Phó Thủ tướng lưu ý, địa phương cần quán triệt tinh thần sẵn sàng của hệ thống chính trị và hệ thống chống dịch; truyên truyền, nhắc nhở, nâng cao ý thức phòng, chống dịch trong nhân dân, dù ở khu vực “vùng xanh” nhưng vẫn phải tuân thủ 5K; sẵn sàng năng lực xét nghiệm tầm soát định kỳ trong cộng đồng, nhất là tại các nhà máy, xí nghiệp, công sở, khu vực chợ, khu đông dân cư và những nơi có nguy cơ với tần suất hợp lý.  

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong khẳng định sẽ rà soát, chấn chỉnh những mặt còn hạn chế trong thời gian qua, đồng thời có sự chuẩn bị tốt cho việc thích ứng với diễn biến dịch để khôi phục sản xuất; tiếp tục nỗ lực để sau ngày 30/9, tỉnh sẽ kiểm soát được dịch bệnh.  

Hà Nội tiếp nhận tiền và hiện vật trị giá hơn 182 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch  

Chiều 17/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức chương trình tiếp nhận tiền và hiện vật trị giá hơn 182 tỷ đồng của các địa phương, doanh nghiệp, cá nhân, ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố Hà Nội.  

Cụ thể, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tiếp nhận 1 triệu bộ kít xét nghiệm RealtimeRT- PCR trị giá 6 triệu Euro tương đương khoảng 162 tỷ đồng do Tập đoàn T&T trao tặng. Số kít xét nghiệm RealtimeRT- PCR này được tập đoàn T&T ký hợp đồng mua từ đối tác Tây Ban Nha. Ông Nguyễn Tất Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoạn T&T cho biết, Tập đoàn T&T hy vọng 1 triệu bộ kít xét nghiệm RealtimeRT- PCR này sẽ góp phần bổ sung kịp thời nguồn lực, tăng cường năng lực xét nghiệm cho ngành y tế Thủ đô, giúp nhanh chóng phát hiện, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, sớm kiểm soát và khống chế thành công dịch bệnh.  

Ngay tại chương trình, 1 triệu bộ kit xét nghiệm RealtimeRT- PCR đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội chuyển giao cho Sở Y tế Hà Nội, phục vụ công tác phòng, chống dịch.  

Cũng trong chiều 17/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tiếp nhận 20,6 tỷ đồng của nhân dân và cán bộ huyện Mê Linh ủng hộ Quỹ vaccine của thành phố và quà tặng trị giá 50 triệu đồng của gia đình Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, dành tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Trung thu.  

Bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn nghĩa cử cao đẹp của các doanh nghiệp, địa phương, nhà hảo tâm theo phương châm “Người có của góp của, người có công góp công; có nhiều góp nhiều, có ít góp ít”, chung tay cùng thành phố phòng, chống, đẩy lùi dịch COVID-19, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương khẳng định: Các nguồn lực ủng hộ công tác phòng, chống dịch và chăm lo an sinh xã hội luôn được mặt trận quản lý, phân bổ minh bạch, hiệu quả, góp phần cùng thành phố sớm đẩy lùi dịch bệnh, đưa Hà Nội trở lại trạng thái bình thường mới.

Sáng cùng ngày, với quyết tâm không để người nào khó khăn mà không được quan tâm hỗ trợ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương dẫn đầu đoàn công tác của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã đến thăm và trao quà hỗ trợ nhóm thợ xây 14 người, đang gặp hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội). Những hành động sẻ chia này là thông điệp lan tỏa tinh thần đoàn kết, quyết tâm chiến thắng đại dịch của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.  

Hỗ trợ thiết bị y tế điều trị bệnh nhân nặng tại Bình Dương  

Chiều 17/9, tại buổi lễ trao tặng trực tuyến thiết bị y tế, Tập đoàn Sembcorp Industries (Sembcorp) công bố sẽ hỗ trợ Việt Nam 1 triệu đô la Singapore trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, với trọng tâm cung cấp các thiết bị y tế cho hai bệnh viện lớn của Bình Dương. Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng; Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam, cùng lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã tham dự buổi lễ trực tuyến.  

Theo đó, Sembcorp cung cấp một hệ thống xét nghiệm RT-PCR và 12 máy thở BIPAP cao cấp cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương và 65 thiết bị theo dõi bệnh nhân cho Bệnh viện Quốc tế Becamex (Bình Dương); trong đó, lô hàng đầu tiên sẽ được chuyển giao vào ngày 17/9, để các bệnh viện triển khai cho việc chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị ở tầng 3.  

Ông Wong Kim Yin, Chủ tịch Tập đoàn kiêm Giám đốc Điều hành của Sembcorp Industries cho biết: “Sembcorp đã và đang phát triển sâu sắc mối quan hệ với cộng đồng tại Việt Nam thông qua các hoạt động kinh doanh như năng lượng và các giải pháp đô thị tại các địa phương. Chúng tôi đồng lòng đoàn kết cùng nhân dân Việt Nam khi các bạn đang phải đối mặt với cuộc chiến toàn cầu là đại dịch COVID-19 và hy vọng tình hình sẽ nhanh chóng được ổn định”.  

Nhằm chung tay đẩy lùi dịch bệnh tại Bình Dương, thời gian qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận gần 600 tỷ đồng tiền và hàng hóa, trang thiết bị y tế của nhiều doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.  

Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, Bình Dương ghi nhận 169.073 ca mắc COVID-19; trong đó, có 128.668 người khỏi bệnh xuất viện, 1.549 bệnh nhân tử vong vì COVID-19.

Báo Tin tức