Đồng chí Giàng Thị Hoa phát biểu mở đầu Tọa đàm.
Đó là ý kiến của các đại biểu trong Tọa đàm với chủ đề “Xây dựng Hội CCB Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng trong giai đoạn mới”, được tổ chức tại Hội CCB tỉnh Điện Biên - đầu mối đại diện cho Cụm Công tác số 1, là địa bàn “vùng sâu, vùng xa” phía Bắc, gồm 3 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La.
Giữ vững là lực lượng nòng cốt
Tuy là “vùng sâu, vùng xa” - đúng với cả nghĩa bóng và nghĩa đen, nhưng Điện Biên lại là đầu mối duy nhất trong Hội CCB cả nước đợt này tổ chức được cả hai hình thức: Trực tiếp (tại hội trường Tỉnh ủy) và trực tuyến đến 7/7 huyện thuộc tỉnh Điện Biên. Đã có 250 đại biểu tham gia tọa đàm.
Thiếu tướng, TS. Lưu Trong Lư - Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Hội CCB Việt Nam, Cụm trưởng Cụm Công tác số 1, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho chúng tôi biết: Thường trực Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm tới nội dung của Tọa đàm, đã chỉ đạo cho các ban, ngành của tỉnh khắc phục khó khăn để nối cầu truyền hình tới các huyện được tham gia tọa đàm trực tiếp.
Bám sát đề dẫn, do Đại tá Vũ Minh Thực - Phó ban Tuyên giáo T.Ư Hội CCB Việt Nam dự và trình bày, một trong những nội dung được các đại biểu tập trung làm rõ những vấn đề đặt ra trong công tác chính trị, tư tưởng với CCB ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Phát biểu tham luận, đồng chí Giàng Thị Hoa - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có tới 1.000 hội viên CCB tham gia cấp ủy, gần 400 hội viên trúng cử HĐND các cấp và có hơn 80% hoàn thành nhiệm vụ ở mức khá và tốt. Đây là những số liệu minh chứng sinh động,khẳng định CCB đã và luôn là lực lượng nòng cốt trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị TSVM, góp phần tăng cường khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của địa phương.
Còn Đại tá Lê Đức Nghĩa - Phó chính ủy BĐBP tỉnh Điện Biên, thì nhấn mạnh sự phối hợp hiệu quả giữa hai lực lượng thời gian qua trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới là rất hiệu quả; thực tế cho thấy, nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới không thể thiếu CCB. Điển hình như phối hợp phát động trong nhân dân được 81 tập thể và 3.398 hộ, 4.412 cá nhân đăng ký tự quản 408,616km đường biên giới, 146 cột mốc; 302 tổ/1.682 thành viên tự quản ANTT thôn, bản... Có thể nói, thật khó phân biệt rạch ròi đâu là công việc của hội CCB, đâu là công việc của BĐBP. Hai lực lượng như một. Thậm chí CCB có thuận lợi hơn cả BĐBP trong hiểu dân, “nắm” dân...
Các ý kiến đều cho rằng, Nghị quyết Hội CCB toàn quốc lần thứ VII (nhiệm kỳ 2022-2027) xác định khâu đột phá thứ nhất là “Xây dựng Hội CCB Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng” là rất trúng và rất đúng. Vì trước hết, trên hết cán bộ, hội viên CCB phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng mới tham gia xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN và bảo vệ nhân dân được; trong khi tình hình thì không ngừng thay đổi hằng ngày, hằng giờ, có khó khăn, có thuận lợi, đòi hỏi công tác chính trị, tư tưởng phải đi trước một bước mới theo kịp được thực tiễn.
Nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; còn nhiều phong tục, tập quán lạc hậu; thế lực thù địch “nhòm ngó” chống phá nhiều và thâm hiểm hơn ở các địa bàn khác. Đặc biệt là công tác phối hợp bảo vệ an ninh biên giới; giao lưu, hợp tác giữ mối quan hệ đoàn kết hữu nghị với các nước bạn, lại càng cần lực lượng CCB các cấp, phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, làm chỗ dựa tin cậy cho Đảng, chính quyền và nhân dân.
Đúng như Đại tá Tào Văn Khướn - nguyên Ủy viên T.Ư Hội CCB Việt Nam - nguyên Chủ tịch Hội CCB tỉnh Điện Biên xúc động nói: “Qua thực tiễn hơn 50 năm công tác, trải qua nhiều thử thách, có cả thử thách giữa sống và chết trong gang tấc, tôi rút ra bài học cho bản thân rằng: Không có nền tảng chính trị vững chắc, không có tư tưởng vững vàng thì không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, không thể vượt lên chính mình. Giai đoạn cách mạng mới, phía trước chúng ta, bên cạnh thời cơ còn nhiều thách thức không hề nhỏ, cả khách quan, cả chủ quan; thậm chí cả ở bên ngoài và bên trong mỗi con người chúng ta...”.
Một thực trạng khách quan
Đồng chí Giàng Thị Hoa, cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động CCB và nhân dân ở một số cấp Hội cơ sở còn chưa cao; cơ cấu cán bộ Hội còn chưa hợp lý, trình độ chưa đồng đều... Đây là căn cứ khoa học để đề xuất chủ trương, giải pháp xây dựng Hội CCB vững mạnh về chính trị, tư tưởng.
Làm rõ hơn ý kiến của đồng chí Phó chủ tịch HĐND, Đại tá Tào Văn Khướn nêu lên một thực tế, khoảng 20 năm đầu thanh lập Hội, hội viên là sĩ quan, đảng viên chiếm tỷ lệ cao, cán bộ Hội các cấp hầu hết là sĩ quan trải qua chiến đấu, có năng lực chỉ huy, lãnh đạo, gương mẫu, có sức vận động, thuyết phục. Vì vậy, mọi hoạt động của Hội diễn ra thuận lợi, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đạt hiệu quả cao, có sức lan tỏa trong xã hội. Hiện nay, cán bộ Hội, nhất là nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhiều nơi hầu hết là chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, trình độ, năng lực, uy tín hạn chế nên gặp không ít khó khăn...
Thượng tá Phạm Văn Diễn - Chủ tịch Hội CCB thị xã Mường Lay cũng cho biết, cán bộ Hội CCB cấp xã, chi hội trưởng ở một số bản, thậm chí huyện Mường Nhé đến nay vẫn thiếu Chủ tịch Hội CCB huyện... Toàn thị xã Mường Lay còn hơn 800 cựu quân nhân chưa kết nạp được vào Hội, 120 bản chưa có chi hội CCB... Năng lực công tác của cán bộ Hội cấp xã, bản, đặc biệt xã, bản vùng sâu, vùng xa, cũng như nhận thức của hội viên còn nhiều hạn chế, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ của Hội và địa phương...
Bồi dưỡng cán bộ vẫn là khâu then chốt của then chốt
Đại tá Lương Quang Châu - Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Sơn La bày tỏ không ngạc nhiên về những khó khăn khách quan trong công tác xây dựng tổ chức Hội ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Sơn La và có lẽ nhiều tỉnh vùng sâu, vùng xa trong cả nước cũng có những khó khăn tương tự như Điện Biên. Vấn đề là chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật đó để có giải pháp khắc phục. Và đây chắc chắn là nội dung sẽ được bàn thảo kỹ để đề ra được giải pháp khắc phục trong Nghị quyết chuyên đề sắp tới của T.Ư Hội.
Theo Đại tá Lương Quang Châu và ý kiến của nhiều đại biểu khác, phải nhận thức sâu sắc rằng, để xây dựng các cấp Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng thì trước hết phải có đội ngũ cán bộ thực sự tiêu biểu về phẩm chất, năng lực và phương pháp, tác phong công tác; là hạt nhân đoàn kết trong từng tổ chức Hội; có uy tín và là cầu nối giữa Hội CCB với các tổ chức trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, lãnh đạo các cấp từ T.Ư Hội đến cơ sở cần nắm chắc, hiểu nằm lòng quan điểm của Đảng và Hội về công tác cán bộ. Đồng thời phải có “con mắt tinh đời”, đánh giá đúng chất lượng đội ngũ cán bộ của cấp mình, kịp thời tham mưu, đề xuất, giới thiệu với cấp ủy đảng các cấp chủ trương, giải pháp lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ Hội vững mạnh.
Đồng thời tăng cường công tác quản lý, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ Hội thông qua hoạt động thực tiễn. Đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt, cán bộ phụ trách công tác tuyên truyền, giáo dục phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi phẩm chất, đạo đức và nâng cao năng lực, phương pháp, kinh nghiệm, tiến hành công tác chính trị , tư tưởng.
Một số ý kiến đề xuất T.Ư Hội cần có trường; mở lớp bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Hội thường xuyên; chú trọng về cơ sở; đầu tư cho cơ sở theo phương châm trọng tâm, trọng điểm - “Thiếu đâu đầu tư đấy” - không bao cấp, nhưng cũng không đầu tư dàn đều.
Huy Thiêm