Anh Hùng cũng vừa tốt nghiệp trung học thì xin đi bộ đội, nên chưa thể hết cái dáng dấp của tuổi học sinh; nhất là đôi má phính, cặp môi đỏ và nước da trắng mịn, càng làm cho anh "trẻ" hơn. Ở ít ngày nên quen, lại ở tuổi choai choai như nhau, nên lũ con gái chúng tôi rất hay trêu Hùng. Hằng ngày, anh thường cặm cụi lau chùi chiếc máy điện thoại màu nâu sẫm trông như cái hộp đồ nghề của ông thợ cắt tóc đầu xóm. Là một đứa con gái ở nông thôn mới lớn, lần đầu tiên thấy chiếc máy điện thoại, hơn nữa lại thấy Hùng như thế, tôi không sao nén nổi sự tò mò, nhất là những khi Hùng gọi máy, thưa máy nghe sao cứ dẻo quẹo, đến là hay. Tôi thường lân la tìm cách đến gần để nghe xem cái máy nó nói gì và một lần tôi thấy có cả tiếng con gái trong đó. Những người con gái ấy ở đâu mà lại gọi được nhau nhỉ? Liệu mình có gọi được như họ không? Những câu hỏi vẩn vơ ấy bám riết lấy tôi. Thế rồi một hôm tôi đang đứng ngắm nghía chiếc máy trong lúc Hùng ngồi lau súng ngoài sân, thì tiếng chuông trong máy reo lên, tôi giật mình chưa kịp lùi ra thì Hùng đã gọi với vào:
- Thanh ơi! Cầm máy nghe hộ với, tay mình dính dầu quá…
Tôi ngỡ mình nghe nhầm, người run lên vì hồi hộp, nhấc nhẹ cái ống nói đưa lên tai. Nhưng lạ thật, chẳng nghe thấy gì cả. Hùng nghe chừng sốt ruột chạy vào, vừa đón lấy tổ hợp trên tay tôi, đã cười phá lên:
- Ối giời ơi, sao mà ngốc thế. Cầm máy ngược thế này, lại không bấm công tắc thì gọi sao được…
Chuyện thế thôi mà thành kỷ niệm gắn bó.
Cho mãi đến một ngày hè, đang làm cỏ lúa ngoài đồng thì máy bay Mỹ ập tới. Chúng trút bom ngay xuống xóm tôi. Nhìn lửa khói bốc lên mù mịt, tôi chẳng còn biết sợ hãi gì nữa, mặc cho máy bay vẫn gào rít trên đầu, tôi chạy thẳng về nhà. Ngôi nhà đổ rẹo sang một bên, mái tranh tung toé. Một cảnh tượng đập vào mắt tôi khiến tôi sững người im bặt. Hùng nằm gục giữa nhà, một mảng lưng áo đẫm máu, tay phải giơ ra phía trước đang quờ quạng tìm kiếm một cái gì. Chiếc máy điện thoại thu dưới bụng đang rung lên từng hồi chuông gấp gáp:
- Anh Hùng, anh Hùng ơi, anh làm sao thế này?
Tôi sà xuống bên anh, vừa gọi lay vừa nức nở. Hùng từ từ mở mắt nhìn tôi, cười gắng gượng:
- Thanh, máy… nghe hộ máy…
Tôi chộp lấy ống nói, vừa đặt lên tai đã nghe thấy tiếng bên kia đang gọi hối hả:
- A lô! 101 đâu! Hùng đâu?
Tôi ngập ngừng giây lát rồi khẽ nói:
- A lô, Hùng đây ạ!
Tiếng bên kia gay gắt:
- Này, đồng chí ở tổng đài nào thế. Đùa cái gì, cho gặp ngay số máy 101, khẩn trương lên!
Không biết làm thế nào nữa, tôi đành nói:
- Dạ, em đây, em là chủ nhà anh Hùng ở đây. Anh Hùng bị thương rồi, nặng lắm. Anh cho xe cấp cứu xuống ngay nhé, không thì…
Tiếng máy bay lại ào đến, rít như xé vải. Một loạt bom nữa nổ tung phía cuối xóm. Tôi áp chặt ống nghe vào tai, nằm dán xuống đất: "A lô! A lô!". Không thấy tiếng bên kia nói nữa. Tôi cầm lấy tay quay, quay mạnh. Vòng quay nhẹ hẫng. Một ý nghĩ loé lên. Đúng rồi, sau cái lần cầm máy ngược, Hùng có hướng dẫn tôi chút ít và nói: "Dây mà đứt thì quay máy nhẹ, càng nhẹ đứt càng gần". Tôi vội vùng dậy chạy đi theo đường dây, dây đứt thật. Tôi hì hục nối, chẳng biết máy bay cút từ bao giờ nữa, không gian trở nên yên tĩnh lạ thường. Tôi về đến nhà đã thấy bà con hàng xóm đang ồn ào, xúm xít thu dọn. Chẳng kịp chào hỏi một ai, tôi lách đến chỗ chiếc máy, ôi bác Tam đã về đang cầm máy nói chuyện. Thấy tôi, bác Tam kêu lên:
- A, Thanh, cháu Thanh, cháu giỏi quá.
Tôi cúi đầu bẽn lẽn rồi hỏi bác:
- Bác ơi, anh Hùng bị thương có sao không hả bác?
Bác Tam đứng đến bên tôi khẽ xoa đầu:
- Không sao đâu, Hùng đi viện rồi! Cháu khá lắm, trở thành chiến sĩ thông tin rồi đấy!
Sau lần đó, tôi như lớn hẳn lên. Anh Hùng ra viện thì vừa lúc đơn vị vào chiến trường, anh cũng đi luôn. Tôi liền xin đi bộ đội, lại được vào đúng Binh chủng Thông tin, 8 năm sau gặp lại anh Hùng và chúng tôi cưới nhau. Vậy đấy, tình yêu, cuộc đời tôi… đều bắt đầu từ chiếc máy điện thoại.
NGUYỄN PHÚC ẤM