“Khó kết luận...”?
Ngày 10-3-2015, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định số 30/QĐ-TTr về việc xác minh nội dung đơn tố cáo của công dân đối với ông Nguyễn Văn Thực-nguyên Tổng giám đốc và ông Hoàng Quang Hùng-nguyên Phó giám đốc Công ty CP Môi trường và dịch vụ đô thị Vĩnh Yên (Công ty MTĐT Vĩnh Yên).
Theo nội dung tố cáo, hai ông này trong suốt thời gian làm lãnh đạo (từ năm 2005 đến tháng 12-2014) có dấu hiệu ăn chặn tiền ăn ca, tiền làm thêm thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ tết, tiền phụ cấp... của công nhân. Cụ thể, người tố cáo phát hiện tại phiếu chi số 317, ngày 30-11-2012 của Công ty MTĐT Vĩnh Yên (thời điểm này ông Nguyễn Văn Thực đang là Tổng giám đốc) thể hiện nội dung chi là: “Thanh toán tiền ăn ca tháng 11-2012” với số tiền hơn 145 triệu đồng. Kèm theo phiếu chi này là danh sách cán bộ công nhân viên của các phòng ban của Công ty. Tuy nhiên, không hiểu sao trong danh sách nhận tiền, phần ký nhận tiền thể hiện có một vài người thực hiện, thậm chí một người ký cho nhiều người khác.
Ngoài nội dung bị tố ăn chặn tiền chế độ, ông Hùng và ông Thực còn bị tố trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2013 đã điều nhiều công nhân đi làm ngoài giờ ở một số dự án: trồng cây, làm điện chiếu sáng quốc lộ 2B Vĩnh Yên đi Tam Đảo, trồng cây xanh trên địa bàn TP. Vĩnh Yên; làm điện nước ở công trình khách sạn Trung Du (phường Khai Quang, TP. Vĩnh Yên), khách sạn Thắng Lợi (Tam Đảo)... sau đó hợp thức chứng từ thanh toán vào công trình rồi rút ra bỏ túi.
Dù tố cáo của người dân được gửi đến cơ quan chức năng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản giao cho Thanh tra tỉnh làm rõ nhưng đến nay đã hơn 9 tháng, cơ quan Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa ban hành được kết luận thanh tra.

“Không làm việc qua điện thoại”
Về sự việc trên, ngày 4-12-2015, PV Báo CCB Việt Nam điện thoại trao đổi với ông Nguyễn Văn Bắc-Chánh thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc về kết quả thanh tra. Tuy nhiên ông Bắc cho biết: “Không làm việc qua điện thoại”. Ông Bắc đề nghị có văn bản gửi trước để ông bố trí thời gian làm việc...
Theo đề nghị của ông Bắc, PV Báo CCB Việt Nam đã gửi nội dung làm việc qua địa chỉ email của Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc (địa chỉ: thanhtra@vinhphuc.gov.vn) hẹn đầu giờ chiều thứ hai, ngày 7-12-2015 trao đổi thông tin. Nhưng khi đến đúng hẹn, được phía Văn phòng cho biết ông Bắc đi tiếp xúc cử tri, không có mặt cơ quan.
Đề cập đến nội dung PV đã thông báo trước, vị Chánh văn phòng Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc nói là không nhận được kế hoạch. Vị này thông tin cho biết sẽ báo cáo lại nội dung làm việc cho ông Bắc ngay khi ông này đi họp cử tri về. Nhưng sau đó, nhiều lần PV liên lạc đến ông Bắc không thấy ông này bắt máy...
Vi phạm Luật Tố cáo?
Về diễn biến giải quyết tố cáo, theo Luật sư Đào Thị Liên-Công ty Luật Tiền Phong Hà Nội cho biết: Điều 21 Luật Tố cáo năm 2011 quy định về thời hạn giải quyết tố cáo:
1- Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo.
2- Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn thời hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày.
Đối chiếu với quy định của pháp luật về tố cáo, như vậy Cơ quan Thanh Tra tỉnh Vĩnh Phúc xem xét giải quyết từ tháng 3-2015 tới nay vẫn chưa ra được kết luận là vi phạm về thời gian giải quyết tố cáo.
Ở tình tiết khác, giả sử nếu cơ quan Thanh tra đã ban hành kết luận tố cáo, quyết định xử lý vi phạm hành chính... nhưng những người lao động trong công ty, người tố cáo không được biết kết quả giải quyết như thế nào, tố cáo đúng, đúng một phần, hay tố cáo sai... không thấy được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Theo Điều 11 Nghị định 76/2012/NĐ-CP ngày 3-10-2012 của Chính phủ, cho thấy cơ quan này vi phạm quy định về công khai-luật sư Liên nhìn nhận.
Thiết nghĩ, đã thụ lý giải quyết đơn tố cáo cần phải tuân theo quy định của pháp luật. Và liệu có gì bất thường dùng dằng trong việc kéo dài thời gian ở đây? Có phải là né tránh, dung túng bao che cho những sai phạm? hay đơn thuần kéo dài thời gian để tìm cách xử lý “nhẹ nhàng” vụ việc này? Báo CCB Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Bài và ảnh: Chính Nhi-Lê Thanh***Box: Năm 1988, Công ty MTĐT Vĩnh Yên thành lập với tên gọi ban đầu là Công ty Quản lý-Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên, đến năm 2003, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định số 1988/QĐ-UB đổi tên thành “Công ty Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên”. Thực hiện lộ trình của cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ đến ngày 10-3-2011, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định số 630/QĐ-CT, chuyển Công ty Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên thành Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên. Theo lộ trình cổ phần hóa, chủ trương bán một phần vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp và Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối.
Đến thời điểm hiện tại Công ty có khoảng 524 cán bộ, công nhân viên và được chia thành các xí nghiệp, đội sản xuất để thực hiện nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải, chăm sóc cây xanh, thoát nước, quản lý hệ thống lưới điện đô thị… của TP. Vĩnh Yên và các vùng lân cận. ***