Tháng 12-2006, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành ban hành Quyết định số 3868 về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Trưng. Quyết định kết luận: ông Nguyễn Tấn Trưng sử dụng hợp pháp diện tích rừng và đất rừng, giao cho Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện phối hợp với Chủ tịch UBND xã Tam Nghĩa rà soát quỹ đất để lập thủ tục trình UBND huyện xem xét hoán đổi đất rừng cho ông Trưng.Ông Nguyễn Tấn Trưng.

Theo ông Trưng, sau đó UBND xã Tam Nghĩa có mời ông lên và dẫn ông đến xem một lô đất để hoán đổi diện tích đất mà ông bị thu hồi. Phát hiện lô đất trên đã có chủ sử dụng, ông Trưng không đồng ý nhận, đồng thời có đơn xin hoán đổi đất ở vị trí khác. “Tôi đi lại nhiều lần nhưng chính quyền im re không chịu giải quyết. Họ bảo tôi cứ kiện ra tòa, tòa tuyên thế nào thì họ sẽ giải quyết theo tòa” - ông Trưng bức xúc.

Đầu năm 2016, ông Trưng khởi kiện ra tòa. Ngày 28-8-2017, TAND huyện Núi Thành tuyên xử ông Trưng thắng kiện, buộc UBND huyện Núi Thành phải giao 6,7ha rừng và đất rừng cho ông Trưng.

UBND huyện Núi Thành kháng cáo. Ngày 15-12-2017, tại phiên xét xử phúc thẩm, sau khi nghị án, Hội đồng xét xử thông báo tạm ngừng tuyên án. Ngày 16-1-2018, phiên tòa được mở lại, nhưng với lý do UBND huyện Núi Thành đang có tờ trình xin ý kiến của UBND tỉnh Quảng Nam về vụ việc, nên Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án để chờ ý kiến của tỉnh.

Vì sao vụ việc của ông Trưng để quá lâu không giải quyết? Trả lời câu hỏi này, một vị Phó phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Núi Thành cho rằng có một phần thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. “Đáng ra tại thời điểm đó, cơ quan chức năng ở địa phương phải rà soát quỹ đất, báo cáo có còn đất hay không để giải quyết cho ông Trưng. Bây giờ quỹ đất ở địa phương đã hết, không còn đất để hoán đổi cho ông Trưng nữa”.

Các chuyên gia pháp luật cho rằng trong trường hợp này, UBND huyện Núi Thành phải bồi thường cho ông Nguyễn Tấn Trưng theo đúng quy định. Sai thì phải sửa, không nên để người dân bức xúc kéo dài như vậy.

Hữu Khá