CCB Phan Văn Thường (bên trái) - Chi hội trưởng Hội CCB xóm Phúc Điền vẫn nhiệt tình với công việc tại cơ sở dù không nhận được tiền hỗ trợ.

Trước đây, Chi hội trưởng Hội CCB ở Nghệ An được hưởng hỗ trợ hằng tháng. Từ ngày 1-1-2020, mức hỗ trợ này được thay bằng mức bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia công việc khối, xóm theo Quyết định số 14/2020/QĐ-UB của UBND tỉnh Nghệ An (Quyết định 14). Tuy nhiên, nhiều người không đồng ý với nội dung Quyết định 14 quy định việc chấm công cho cán bộ Chi hội và quy trình thực hiện chi bồi dưỡng quá rườm rà. Hiện, nhiều xã ở Nghệ An lúng túng chưa biết làm thế nào để giải ngân khoản tiền này.

8 tháng không được nhận tiền bồi dưỡng

Theo Quyết định 14 của UBND tỉnh Nghệ An, mức bồi dưỡng khi tham gia công việc ở cơ sở của Chi hội trưởng Hội CCB và các Chi hội trưởng đoàn thể cấp xóm ở Nghệ An nằm trong tổng số kinh phí 23 hoặc 25 triệu đồng/xóm/năm. Mức chi bồi dưỡng cho Chi hội trưởng Hội CCB khi trực tiếp tham gia công việc ở khối, xóm từ 50.000-100.000 đồng/người/ngày huy động làm việc.

Ông Phan Văn Thường - Chi hội trưởng Chi Hội CCB xóm Phúc Điền, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên đã 8 tháng nay vẫn chưa một lần được nhận tiền hỗ trợ như trước đây. Sau khi tìm hiểu, ông mới mới biết, mức hỗ trợ của ông như trước đây đã được thay bằng mức chi bồi dưỡng theo ngày tham gia công việc tại cơ sở theo Quyết định 14 của UBND tỉnh Nghệ An. Ông Thường tỏ ra không đồng tình: “Mức bồi dưỡng ít hay nhiều, tôi không thắc mắc. Nhưng phải chấm công rồi trả tiền bồi dưỡng là không hợp lý. Quy định này không sát với thực tế, chúng tôi làm việc là do các hội viên tín nhiệm bầu ra. Không lẽ giờ cứ đi đâu, làm việc gì đột xuất cũng phải báo cáo để được chấm công”.

Ông Lê Văn Minh - Chủ tịch Hội CCB xã Hưng Tây trăn trở: “Việc trả tiền bồi dưỡng theo ngày công không phát huy được trách nhiệm của nhiều Chi hội trưởng. Vì sẽ có tư tưởng làm thì lấy tiền công, không làm thì thôi và không gắn được trách nhiệm với tổ chức. Trong khi đó, nhân sự chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới của các Chi hội CCB ở các xóm đang thiếu nhiều”.

Trước tâm tư của nhiều cán bộ cấp cơ sở, Thiếu tướng Nguyễn Đình Minh - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Nghệ An cho rằng: “Từ năm 2014 đến 2019, các Chi hội trưởng đều có chế độ hỗ trợ từ 350.000 đến 400.000 đồng/tháng, số tiền đó tuy không lớn nhưng động viên anh em làm việc. Chi hội trưởng là người trực tiếp đưa chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân, nhưng lại đi chấm công cho họ là điều không nên. Không nên áp dụng bồi dưỡng theo ngày và chấm công cho các đoàn thể chính trị - xã hội sẽ làm hạn chế hoạt động, sức thu hút của CCB đối với công việc”.

Nhiêu khê quy trình thực hiện

Theo Quyết định 14 của UBND tỉnh Nghệ An, UBND xã sẽ hướng dẫn các xóm xây dựng phương án chi tiêu nội bộ đảm bảo công khai, minh bạch có xác nhận của Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm, Trưởng ban công tác mặt trận, rồi gửi UBND xã để đưa vào dự toán ngân sách xã hằng năm. Căn cứ dự toán được giao và phương án chi tiêu nội bộ đã được bộ phận tài chính, kế toán xã thẩm định, UBND xã ra quyết định phê duyệt phương án chi tiêu nội bộ cho từng xóm để tổ chức thực hiện, đồng thời gửi Kho bạc nhà nước để kiểm soát chi. Sau đó, UBND xã thực hiện rút dự toán tại Kho bạc đối với nội dung mức khoán bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia công việc của xóm. Chính quyền xã còn phải giám sát việc thực hiện phương án chi tiêu nội bộ của xóm.

Như vậy, để các Chi hội trưởng CCB nhận được tiền bồi dưỡng công tác, phải qua rất nhiều thủ tục rườm rà, nhiêu khê. Đến nay, nhiều xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An không biết triển khai như thế nào. Ông Hoàng Văn Long - Chủ tịch UBND xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên cho biết: Việc giải ngân khoản tài chính này rất khó vì sợ làm sai quy định. Hiện nay, UBND xã mới giao cho tài chính nắm tình hình các xã khác xem làm thế nào rồi mới dám triển khai.

Ông Trần Quốc Chung - Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An lý giải: Đối với trưởng các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở hiện nay không được hưởng phụ cấp mà sẽ hưởng mức bồi dưỡng trực tiếp theo ngày công lao động, kinh phí lấy từ nguồn hội phí và các nguồn quỹ khác. Ở đây, không phải trả theo ngày công mà bồi dưỡng cho người tham gia công tác vì đây là những người tự nguyện, được tín nhiệm, có thời gian làm việc không liên tục. Mức này trên cơ sở tổng mức hỗ trợ trước đây theo quy định của HĐND tỉnh Nghệ An và tham khảo các tỉnh khác. Thủ tục thanh toán phải làm dự toán bảng kê, chấm công…; quy trình này đã được Quyết định 14 hướng dẫn cụ thể.

Thiếu tướng Nguyễn Đình Minh cho rằng: “Chế độ chính sách mà lãnh đạo tỉnh dành cho cán bộ cơ sở là rất quý. Nhưng, vướng mắc thì phải sửa để dưới cơ sở triển khai thuận lợi. Việc chấm công để trả tiền bồi dưỡng rất khó vì nhiều trường hợp phải huy động cán bộ Chi hội làm cả đêm, dân gọi điện thoại là đi thì làm sao mà chấm công được. Vướng mắc này không giải quyết được thì sẽ không động viên được cán bộ Chi hội, đích cuối cùng là hiệu quả công việc chứ không phải số tiền là bao nhiêu”.

Liên quan đến vấn đề này, vừa qua, tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, bà Cao Thị Hiền - Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An kết luận: Việc thực hiện Quyết định 14 của UBND tỉnh Nghệ An ở cơ sở có nhiều vướng mắc, nên HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh này và các sở, ngành liên quan phối hợp với các địa phương để xem xét, đánh giá lại trên cơ sở quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn để thể tháo gỡ vướng mắc cho cơ sở khi thực hiện.

Thiết nghĩ, UBND tỉnh Nghệ An cần xem xét lại Quyết định số 14/2020/QĐ-UB để phù hợp hơn với thực tiễn với công việc và đặc thù của các Chi hội trưởng Hội CCB như hiện nay. Không để thủ tục hành chính làm ảnh hưởng đến chính sách tốt đẹp đối với CCB; làm giảm đi sự nhiệt huyết của các CCB khi tham gia các phong trào tại cơ sở.

Bài và ảnh:  Cao Sơn