Sự thay đổi thất thường của thời tiết đang làm cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng “khát” nước. Mực nước thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đang thấp hơn cả chục mét so với bình thường, lượng nước ở các hồ chứa lớn đều đang thiếu hụt so với trung bình nhiều năm… Miền Bắc đang đứng trước nguy cơ hạn hán trầm trọng.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương, đến hết năm 2010, dòng chảy các sông Bắc Bộ từ thượng lưu đến hạ lưu giảm nhanh, có khả năng nhỏ hơn mức trung bình hàng năm 20-40%, dòng chảy hạ lưu sông Hồng và Thái Bình thấp hơn mức trung bình hàng năm khoảng 19-34%, trong đó, tháng 12-2010 và những tháng cuối mùa cạn (tháng 3 và 4-2011) thiếu hụt khoảng 25-39%... Trên sông Hồng tại Hà Nội, lưu lượng trung bình mùa cạn (từ tháng 12-2010 đến tháng 4-2011) ở mức 580- 800 m3/s. Lượng mưa cũng thiếu hụt, ngoài địa bàn miền núi phía Bắc, các tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Hồng trong mùa mưa vừa qua mưa rất ít và hầu như chưa có trận mưa lớn nào, trong mùa khô năm nay lượng mưa càng ít hơn, nguy cơ thiếu nước và khô hạn nghiêm trọng trên diện rộng ở Đông Bắc, miền núi phía Bắc và trung du Bắc Bộ rất lớn, các hồ chứa thuỷ điện lớn không tích nước được đầy hồ, gây khó khăn lớn cho sản xuất thuỷ điện và nước tưới cho nông nghiệp.

Bên cạnh những nguyên nhân do thời tiết gây nên, chuyện thiếu nước, thiếu điện còn có nguyên nhân lớn nữa do sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp và nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn của người dân. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã lập kế hoạch sản xuất và phương thức vận hành hệ thống điện trong mùa khô năm nay, cụ thể, tốc độ tăng phụ tải mùa khô năm 2011 là 18,3%, bình quân cả năm 2011 là 16,34%, huy động các nhà máy điện sử dụng dầu trong các tháng cuối năm 2010 ở mức cao (khoảng 457 triệu kwh). Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, tổng sản lượng điện thiếu hụt khoảng 3,1 tỷ kwh, gây khó khăn cho việc đảm bảo điện cho sản xuất và sinh hoạt người dân và ảnh hưởng không nhỏ đến việc xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là những khó khăn, thử thách lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành và mỗi người dân cùng phải cố gắng vượt qua.

Cùng với việc tăng cường sản xuất điện từ các nguồn… thì vấn đề tiết kiệm và sử dụng hiệu quả điện, nước là điều cấp thiết đặt ra cho các đơn vị, cơ quan và mỗi người dân chúng ta. Trong nông nghiệp, vấn đề hiện nay là nạo vét kênh mương, tu sửa các trạm bơm, khi có nguồn trữ nước vào các ao hồ, tận dụng tối đa nguồn nước điều tiết từ nhà máy thuỷ điện để phục vụ sản xuất nông nghiệp, cho việc cày cấy kịp thời vụ. Trong công nghiệp, việc tăng cường cho các nhà máy, xí nghiệp hoạt động ca ba là cần thiết để giảm tiêu thụ điện vào giờ cao điểm, thay thế các loại máy móc cũ, lạc hậu tiêu thụ nhiều điện năng bằng các loại máy móc hiện đại, năng suất cao và tiêu thụ điện ít hơn. Trong cuộc sống sinh hoạt của người dân, vấn đề tiết kiệm điện, nước lại đang đặt ra những yêu cầu cấp bách hơn, cần tắt bỏ những bóng đèn, thiết bị điện khi không cần dùng đến, vừa tiết kiệm điện cho xã hội, vừa tiết kiệm chi tiêu cho mỗi gia đình, nhất là khi từ ngày 1-3 giá điện tăng cao. Đó là những việc cấp thiết của mỗi người chúng ta hiện nay để thiết thực cùng toàn xã hội vượt qua giai đoạn khó khăn thiếu nước, thiếu điện gây ra. Tiết kiệm điện, tiết kiệm nước - vấn đề không chỉ của riêng ai.

Bài và ảnh: Quốc Huy