Khai thác trái phép!
Ngày 19-6-2012, Bộ trưởng Bộ TNMT đã ký Giấy phép thăm dò số 887/GP-BTNMT cho phép Công ty CP Xi măng và xây dựng Quảng Ninh (Công ty Xi măng Quảng Ninh) thăm dò đá vôi làm nguyên liệu tại khu vực phường Phương Nam, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh để chuẩn bị nguyên liệu cho Dự án Nhà máy Xi măng Lam Thạch 2. Theo giấy phép diện tích thăm dò là 30,1ha, thời gian thăm dò trong vòng 12 tháng.
Tuy nhiên, dù hết thời hạn thăm dò, Bộ TNMT chưa cấp phép khai thác mới doanh nghiệp đã tiến hành nổ mìn lấy đá (Báo CCB Việt Nam đã đề cập).
Theo số liệu do ông Phạm Quốc Hùng-Phó TGĐ Công ty Xi măng Quảng Ninh nói, thì sản lượng khai thác đá tại mỏ đá Phương Nam 1 trong 3 năm qua (từ 2013 đến tháng 12-2015), lên tới hơn 2 triệu tấn. Tổng trữ lượng sau khi thăm dò khoảng hơn 9 triệu tấn.
Ngoài việc khai thác trái phép trên, tại mỏ đá Phương Nam 2 (hay gọi Mỏ núi Rùa), ngày 20-6-2011, Bộ TNMT cấp Giấy phép số 1168/GP-BTNMT cho phép Công ty Xi măng Quảng Ninh khai thác đá vôi với diện tích khai thác lên tới 15,37ha. Thời hạn khai thác là 15,5 năm, trữ lượng khai thác khoảng 14,2 triệu tấn (làm tròn). Đáng chú ý trong số 14,2 triệu tấn tại mỏ này còn có khoảng 3 triệu tấn đôlômit. Giấy phép của Bộ TNMT cấp cho doanh nghiệp không cho phép “sử dụng đôlômit tại mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường”. Thế nhưng, công ty này “bất chấp” yêu cầu của Bộ TNMT vẫn tiến hành khai thác lấy đôlômit trong những năm qua.
Khi PV đề nghị cho biết về khối lượng đôlômit đã khai thác, ông Hùng không trả lời được số liệu chính xác. Theo ông Hùng, việc khai thác do Công ty CP núi Rùa thực hiện nên ông không nắm rõ số liệu cụ thể. Ông Hùng hứa sẽ hỏi lại và cung cấp sau...
Theo kết luận Thanh tra của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam do Tổng cục trưởng Đỗ Cảnh Dương ký ngày 25-12-2015, Công ty Xi măng Quảng Ninh đã tiến hành ký hợp đồng giao thầu khai thác tại mỏ núi Rùa cho Công ty CP núi Rùa từ ngày 1-11-2013. Sản lượng dự kiến khai thác là 1.000.000m3/năm (trong đó: 650.000m3 cung cấp cho Nhà máy Xi măng Lam Thạch 2 và 350.000m3 chế biến thành đá xây dựng), thời hạn của hợp đồng giao thầu đến hết thời hạn của Giấy phép số 1168/GP-BTNMT ngày 20-6-2011.
Nói về khối lượng hơn 2 triệu tấn đá khai thác trái phép ở mỏ đá Phương Nam 1, ông Hùng cho biết: Sau khi phía Công ty hoàn thành công tác thăm dò đã gửi hồ sơ Báo cáo Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia thẩm định và cho ý kiến. Tuy vậy trong lúc chờ Bộ TNMT cấp phép khai thác, phía Công ty đã tiến hành khai thác.
“Việc làm này sai rồi. Vừa qua, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã thanh tra và ra quyết định xử phạt chúng tôi lỗi vi phạm ở mỏ núi Rùa là 110 triệu đồng; xử phạt lỗi vi phạm tại mỏ đá Phương Nam 1 là 390 triệu đồng” - ông Hùng cho biết tiếp.

Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng buông lỏng quản lý?
Sau một thời gian dài khai thác trái phép, vừa qua, ngày 16-12-2015, UBND tỉnh Quảng Ninh mới có Văn bản 7721/UBND-NLN3 gửi Sở TNMT, Sở Công thương, UBND TP. Uông Bí và Công ty Xi măng Quảng Ninh yêu cầu dừng việc khai thác đá vôi trái phép của Công ty xi măng Quảng Ninh tại mỏ đá Phương Nam 1 (thuộc núi số 2,3,5 chưa được Bộ TNMT cấp phép khai thác-PV), di dời toàn bộ tài sản còn lại của Công ty và của các bên liên quan ra khỏi khu vực khai thác.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng giao cho Sở Công thương kiểm tra, xử lý đối với việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không đúng vị trí quy định trong giấy phép sử dụng vật liệu nổ cấp cho Công ty Xi măng Quảng Ninh. Đồng thời giao cho UBND TP.Uông Bí giám sát việc dừng khai thác đá; quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên khoáng sản không để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.
Điều đáng nói, việc chỉ đạo dừng khai thác trái phép tại mỏ đá Phương Nam 1 theo đề xuất tại Văn bản 4457/TNMT-NKB ngày 2-12-2015 của Sở TNMT Quảng Ninh.
Như vậy từ chỉ đạo ở văn bản 7721, cho thấy, trong suốt thời gian dài doanh nghiệp âm thầm khai thác trái phép hơn 2 triệu tấn đá vôi mới bị phát giác?
Hiện từ sự vỡ lở này, dư luận cho là, trong 3 năm qua trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh về tài nguyên và khoáng sản ở đâu? Và liệu có hay không sự bao che của chính quyền địa phương, bao che của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh; có hay không “nhóm lợi ích” trong việc khai thác trái phép nên mới để xảy ra như thế?
Khi được hỏi ông Cao Văn Chiến-Phó giám đốc Sở TNMT vấn đề này, ông Chiến cho rằng: Năm 2015, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có chương trình thanh tra rồi nên phía Sở không kiểm tra. Những năm trước thì có Đoàn kiểm tra liên ngành do UBND tỉnh dẫn đầu... Riêng về phía Sở, do nội dung làm việc không có đề cập nên hôm nay rất tiếc không mời được Chánh tranh tra Sở tham dự cung cấp cho phóng viên?!
Trong khi đó ông Phạm Quốc Hùng thì lại cho biết: Năm nào Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Quảng Ninh cũng vào kiểm tra. Đến cuối mỗi năm, chúng tôi còn có báo cáo gửi cơ quan chức năng và chính quyền tỉnh Quảng Ninh về hoạt động của doanh nghiệp...
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Doanh Chính-Hoàng Thanh***Box:Chỉ cần thao tác gõ “bao nhiêu tiền một khối đá” trên trang mạng Google sẽ cho ra hàng loạt đơn giá về giá đá. Cụ thể, giá đá 1x2 có từ 300.000-470.000 đồng/khối; đá 4x6: 290.000-400.000 đồng/khối tùy chủng loại.
Như vậy với hơn 2 triệu tấn đá Công ty xi măng Quảng Ninh khai thác trái phép trong 3 năm qua, nếu sản xuất ra đá xây dựng, số tiền Công ty này thu lợi bất chính có thể lên tới vài trăm tỷ đồng?***