Lực lượng biên phòng Quảng Bình đưa ca nô đến vùng lũ để hỗ trợ người dân di chuyển.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến nay, mưa lũ đã làm 4 người chết (ông Phan Khoái, sinh năm 1946 ở Thừa Thiên Huế bị trượt chân ngã khi chằng chống nhà; ông Lê Văn Bân sinh năm 1964, ở Hà Tĩnh bị đuối nước tại hồ Bình Sơn; bà Lý Thị Thanh, 42 tuổi, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái và cháu Trần Tiến Duy, 2 tuổi ở Quảng Bình bị nước cuốn trôi), 1 người mất tích tại Quảng Bình; 15.281 nhà bị ngập; sơ tán tại chỗ 3.760 hộ; 12.574 ha lúa bị ngập; 928 điểm trường không tổ chức khai giảng được.

Ngoài ra, mưa lũ cũng gây ra tình trạng ngập lụt trên diện rộng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại và sinh hoạt của người dân.

Ngập lụt và chia cắt ở nhiều tỉnh

Tại tỉnh Quảng Trị, có 4 xã thuộc huyện Đắkrông, 3 xã thuộc huyện Hướng Hóa bị ngập lụt chia cắt nhiều điểm. Nhiều tuyến đường bị ngập gây chia cắt 14 xã; nhánh Tây đường Hồ Chí Minh sạt lở tại Km 265, 287. Hiện các địa phương trong tỉnh tập trung huy động lực lượng, khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, với phương châm nước rút đến đâu khắc phục đến đó.

Tại thị trấn Lao Bảo, huyện miền núi Hướng Hóa - địa phương bị ngập lụt nghiêm trọng nhất tỉnh Quảng Trị trong những ngày qua, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo đã huy động lực lượng, túc trực 24/24 giờ giúp người dân trở về nhà, vận chuyển đồ dùng, thu dọn bùn đất, rác và vệ sinh nhà cửa; khắc phục sạt lở trên các tuyến đường ở tỉnh Quảng Trị....

Lực lượng quản lý đường bộ, cảnh sát giao thông đã cử người túc trực, hướng dẫn, cảnh báo cho người và phương tiện qua lại tại các vị trí sạt lở nghiêm trọng; đặt biển cảnh báo nguy hiểm và rào chắn tại các vị trí sạt lở để bảo đảm an toàn cho phương tiện lưu thông trên tuyến quốc lộ này. Đến nay, các điểm sạt lở cơ bản đã được khắc phục, tạo thuận lợi cho người dân và phương tiện lưu thông.

Tại Quảng Bình, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, những ngày qua, nhiều nơi bị mưa lũ nhấn chìm trong biển nước, gây thiệt hại đáng kể. Hơn 5.000 nhà dân bị ngập lụt, cô lập và sập, chủ yếu ở các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch …Hơn 200 trường học trên địa bàn không thể tổ chức lễ khai giảng năm học mới do mưa lũ. Nhiều bản và các tuyến Quốc lộ bị nước lũ chia cắt. Hàng trăm héc ta rau màu, cây trồng của người dân ngập úng, lồng bè nuôi trồng thủy sản của người dân cũng bị hư hại nặng...

Tại Hà Tĩnh, mưa lũ làm một số khu vực thấp trũng bị ngập tại các xã Hương Lâm, Hương Vĩnh, Hương Liên, 25 xã giao thông bị chia cắt.

Tại Kon Tum, mưa bão đã làm 4 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Mưa lũ gây sạt lở, bồi lấp khoảng hàng nghìn m2 lúa. Đặc biệt, mưa lũ đã gây ảnh hưởng lớn đối với các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh, khiến giao thông đi lại khó khăn…

Tại lưu vực sông Ô Lâu (huyện Phong Điền), tỉnh Thừa Thiên - Huế do mưa to trên diện rộng, mực nước sông tăng lên, khiến nhiều tuyến đường quốc lộ và tuyến đường liên thôn, liên xã bị ngập. Các tuyến đường dọc sông Ô Lâu vẫn còn bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn. Hơn 2.500 học sinh ở các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương (huyện Phong Điền) phải nghỉ học để bảo đảm an toàn. Dự kiến, số học sinh vùng lũ này sẽ tập trung khai giảng vào ngày 9-9.

Người dân xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa đang tập thu hoạch những ha lúa còn sử dụng được sau khi ruộng lúa bị ngập nước.

Nhiều sự cố

Khoảng 8 giờ 30 ngày 5-9, Đoàn công tác của UBND huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đã đi kiểm tra tình hình mưa lũ và thăm hỏi người dân vùng lũ ven sông Gianh. Chiếc thuyền máy chở Đoàn bất ngờ vướng phải vật cản khiến thuyền bị lật, các thành viên trong đoàn bị nước lũ cuốn trôi hơn 1km.

Tổ công tác 6 người di chuyển bằng thuyền máy xuất phát từ xã Đức Hóa, men theo sông Gianh đi kiểm tra, thăm hỏi tình hình bà còn vùng lũ. Khi vừa tới địa bàn xã Phong Hóa, nước lũ chảy xiết và dâng cao kèm theo mưa to, nước sông đục ngầu khó phát hiện các vật cản đã làm chiếc thuyền máy chao đảo và lật úp xuống sông. Toàn bộ số người trên thuyền bị rơi xuống sông và bị trôi dạt gần 1km. Khoảng một giờ sau, người dân địa phương đã phát hiện, cứu vớt và đưa toàn bộ số người gặp nạn lên bờ an toàn.

Phó Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Hoàng Ngọc Hoài Quang tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đến chiều 5-9, lưới điện 22KV và các trạm phân phối, lưới điện hạ thế đã được khôi phục hoàn toàn cấp điện trở lại trên địa bàn tỉnh. Công ty Điện lực tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tập trung sửa chữa, khắc phục sự cố mất điện; phối hợp với địa phương chặt tỉa cành cây ngoài hành lang lưới điện tại các khu công nghiệp như Phú Bài, Phong Điền, La Sơn,... nhằm không để cành cây gãy đổ vào đường dây gây mất điện.

Liên quan đến vụ tàu QNa 91928TS có 44 thuyền viên bị chìm ngày 2-9 ở khu vực quần đảo Trường Sa, hiện đã cứu vớt được 41 thuyền viên; còn 3 thuyền viên mất tích; các lực lượng chức năng đã huy động 9 tàu Quảng Nam và tàu KN 420 tiếp tục tổ chức tìm kiếm.

TTXVN