Đồng chí Lò Văn Thẩm (bên phải) - Chủ tịch Hội CCB huyện Mai Châu và các hội viên CCB HTX Chiềng Châu đưa mô hình dệt thổ cẩm về với đồng bào Hang Kia - Pà Cò.

Những năm trước đây, khi nói đến địa danh hai xã Hang Kia - Pà Cò thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, người ta nghĩ ngay đến nơi “chảo lửa” với nạn mua bán, vận chuyển ma túy. Già làng Sùng A Sa - nguyên Chủ tịch UBND xã Pà Cò cho biết: “Hiện tại diện tích đất trồng mận trồng đào bao nhiêu thì đó là diện tích trước kia người dân trồng cây thuốc phiện. Bạt ngàn, mênh mông”… Bình yên nay đã trở lại. Cây mận, cây đào, cây ngô theo chân người phủ xanh vùng đất này, mang sức sống mới về Hang Kia - Pà Cò..

Nằm cách trung tâm huyện Mai Châu hơn 30km, xã Hang Kia có 557 hộ, hơn 3.000 khẩu; xã Pà Cò có 577 hộ, 2855  khẩu với 100% là đồng bào dân tộc Mông. Với sự giúp sức của các cấp, các ngành, bộ mặt KTXH hai xã Hang Kia, Pà Cò đang thay da đổi thịt từng ngày. Điện, đường được xây dựng, nâng cấp. Trường học, trạm y tế xây dựng khang trang, mạng viễn thông phủ sóng, đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể cùng chung tay xây dựng cuộc sống mới cho người dân hai xã Hang Kia - Pà Cò, giúp đưa số hộ nghèo giảm 20% trong vòng 10 năm trở lại đây. Với không khí trong lành, mát mẻ quanh năm, thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa “bản địa”    đặc sắc, Hang Kia - Pà Cò chứa đựng nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng với những điểm đến còn mang nguyên vẹn nét đẹp hoang sơ như đồi chè, vườn mận khu Tà Xông A, khu Tà Xồ, Thung Ảng, khu Cổng Trời; nét văn hóa, nghề truyền thống đặc trưng của đồng bào như nghề dệt thổ cẩm, nhuộm chàm, vẽ sáp ong; hương vị ẩm thực vùng cao như: rượu ngô, thắng cố, bánh dầy giã tay, mèn mén, cải mèo, gà bản, măng rừng ăn cùng mắc khén như níu chân du khách...

Qua nhiều năm phát triển, Ngành Du lịch huyện Mai Châu phát triển mạnh mô hình du lịch cộng đồng tại bản Lác, bản Pom Coọng thu hút nhiều du khách, nhất là khách đến từ châu Âu. Năm 2018, Mai Châu đón  332.000 lượt khách. Gần đây, du khách bắt đầu biết đến và dành tình cảm cho Hang Kia và Pà Cò. Theo thống kê, năm 2018, lượng khách đến hai xã Pà Cò, Hang Kia là 5.000 và 6.000 lượt người. Tuy nhiên, bà con làm du lịch mới là tự phát, chưa có kỹ năng làm du lịch, chưa có kinh nghiệm làm du lịch và đang rất cần vốn… Tiếp sức cho người dân hai xã, những ngày cuối tháng 7-2019, tại xã Hang Kia, UBND tỉnh Hòa Bình phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch với 8 tổ chức, tập đoàn, nhà đầu tư về hợp tác phát triển du lịch tại hai xã Hang Kia - Pà Cò, góp phần đưa hai xã từ một “vùng nóng” thành "vùng mát", chia sẻ những khó khăn của người dân nơi đây. Đến tận nơi, các doanh nghiệp đánh giá cao tiềm năng cùng dư địa để đầu tư, phát triển du lịch tại Hòa Bình nói chung và Hang Kia, Pà Cò nói riêng và ký kết xây dựng dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp tại bản Chà Đáy, xã Pà Cò và khu du lịch sinh thái Cổng Trời ở xã Hang Kia, góp phần hiện thực hóa 5 dự án Du lịch sinh thái ở đây. Các cấp, các ngành ở Hòa Bình đang cùng vào cuộc, Nhà nước và người dân cùng làm, khuyến khích người dân phát triển loại hình dịch vụ homestay theo mô hình du lịch cộng đồng đang hoạt động là homestay Y Múa (xã Hang Kia) và homestay A Páo (xã Pà Cò). Các hộ còn lại được vận động sản xuất nông nghiệp sạch để phục vụ du lịch, từ đó từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ làm nông nghiệp hoàn toàn sang du lịch, dịch vụ, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc vốn dựa hoàn toàn vào nông nghiệp. Được biết, hai xã Hang Kia và Pà Có, tổ chức Hội CCB đang phát huy tốt vai trò, vị trí của mình, nhất là trong công tác đảm bào an ninh trật tự ở địa phương, điển hình có hội viên CCB Phàng A Páo ở xã Pà Cò đi đầu trong xây dựng mô hình homestay, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương.

Với sự chung tay, tiếp sức của các cấp, các ngành, từ “điểm nóng” về ma túy, Hang Kia - Pà Có đang từng bước trở thành “điểm mát” về du lịch; cuộc sống người dân ngày càng vui hơn, no ấm hơn.

Quốc Huy