“Hổ chết để da, người chết để tiếng”, đó là câu thành ngữ đúc kết kinh nghiệm dân gian về lẽ sống ở đời. Thay vì tranh giành chức tước, bổng lộc, tài sản để lại cho con cái, hãy sống sao cho tiếng thơm còn mãi, đó là “tài sản thừa kế” quý giá nhất mà thế hệ con cháu được thừa hưởng từ một con người.

Ông Lê Kiên Thành, con trai Tổng Bí thư Lê Duẩn từng có lần kể rằng, khi mất, ông dặn các con: “Ba mất đi, chẳng để lại cho các con tài sản gì cả. Có chăng, cha để lại cho các con cái tiếng của ba”. Cái tiếng mà Tổng Bí thư Lê Duẩn để lại là tiếng thơm truyền mãi về tấm gương một nhà lãnh đạo đã hy sinh cả cuộc đời mình cho Đảng, cho dân, cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Hiện nay, trong giới cán bộ có chức, có quyền (mà dân gian quen gọi là quan chức) lưu truyền câu “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Tức là bố may mắn chiếm được “quyền cao, chức trọng”, thế là mạnh tay vơ vét, dù biết rằng “lưỡi gươm” pháp luật treo lơ lửng bên đầu, có thể bị khởi tố, tù tội như thường. Đến lúc “quan bố” bị lộ, khối tài sản kếch xù mà đời cha vơ vét được đã kịp phân tán thành tài sản của vợ, con, người thân. Gia đình sẽ dành một khoản kha khá để chạy cho “ông quan tham” này khỏi tội chết, coi như hy sinh danh dự đời bố, còn các con thì có một gia tài để lập thân, lập nghiệp. Ví dụ điển hình nhất cho suy nghĩ này, có thể là trường hợp ông Nguyễn Bắc Son - cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhận hối lộ một lúc 3 triệu USD, ông Son thậm chí phải đem tiền ra ban công để giấu, rồi (như lời ông khai), để cô con gái mang dần về làm của riêng...

Từ câu chuyện của ông Nguyễn Bắc Son cho thấy, đã một thời chúng ta tuyên truyền chống “chủ nghĩa lý lịch” là sai lầm. Con của các vị quan tham nhất định cần được đưa vào lý lịch và có các quy định cấm con cái các vị quan tham tham gia vào các cơ quan công quyền, chỉ có như vậy pháp luật mới nghiêm và răn đe được thói “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.

“Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa” - quả đúng như vậy. Nhiều vị quan tham khi nghỉ hưu tưởng rằng mình đã “hạ cánh an toàn” nên lên mặt dạy đời, quay sang phán xét, chỉ trỏ, nói ngược. Họ quên mất một điều mà dân gian vẫn thường truyền khẩu: “Muốn giữ bí mật điều gì thì tốt nhất là đừng làm”. Đằng này, họ vênh vang, ba hoa ra vẻ ta đây “sạch sẽ” lắm mà không biết rằng, người dân có hàng triệu đôi mắt, hàng triệu cái tai, hàng triệu cái mồm...

Cuộc đời gian tham của các vị quan tham, dù nhất thời che mắt được các cơ quan thi hành luật pháp thì cũng không thể nào che được “mắt” nhân dân. Chúng ta đã từng chứng kiến một “ông quan” Đinh La Thăng “hét ra lửa” khi là bộ trưởng hoặc Bí thư Thành ủy T.P Hồ Chí Minh. Ngay từ lúc ông này trên đỉnh cao quyền lực, nhưng tin tức về những chỉ đạo làm ăn khuất tất, “coi trời bằng vung” của ông này lan ra trong giới báo chí. Tuy nhiên, ông này có tài “cả vú lấp miệng em”, khi đương chức, đi đâu ông ta cũng biết nói những lời có cánh để cánh nhà báo “rút tít”. Thời kỳ ông ta làm Bí thư Thành ủy, có những cuộc đi công tác của ông mà cánh nhà báo bám theo đưa tin chật kín cả... hai xe ca. Nhưng ngay từ những lúc đó, những phóng viên tin vào lẽ phải như chúng tôi luôn tin rằng, rồi tất cả những chiêu trò mị dân, những khuất tất trong cuộc đời của ông ta sẽ được đưa ra trước ánh sáng công lý. Và không ngờ, với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước, những vi phạm, khuyết điểm của ông Đinh La Thăng đã được xử lý thấu tình, đạt lý như chính lời thú nhận của ông ta.

Tất nhiên, những hiện tượng như Đinh La Thăng ở cấp độ thấp hơn trong xã hội chúng ta còn rất nhiều. Cuộc trường chinh chống lại “tham quan ô lại” của đất nước, của nhân dân ta chưa biết bao giờ mới thu được ca khúc khải hoàn.

Nhắc lại lời dạy “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa” vào lúc này như một lời cổ vũ, động viên tất cả mọi thành viên trong xã hội tin tưởng vào lẽ phải, sống vì chính nghĩa để tiếp tục đồng hành vì “Chân - Thiện - Mỹ” của dân tộc.

Nguyễn Hồng