Vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo.
“Tiền nhiều để làm gì?” là câu hỏi “nóng” nhất trên các diễn đàn báo chí, trên mạng xã hội và cả trong câu chuyện của mỗi gia đình Việt Nam hiện nay.
Người thốt ra câu hỏi đó là Đặng Lê Nguyên Vũ - “vua cà phê” Trung Nguyên, trong phiên tòa ly hôn giữa ông và vợ, nữ doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo.
Gác lại câu chuyện tranh chấp của vợ chồng “vua cà phê” thì “tiền nhiều để làm gì” đúng là câu chuyện nóng hổi tính thời sự ở Việt Nam hiện nay. Kinh tế Việt Nam đang đứng trước thời cơ “hóa rồng”, “hóa hổ”. Chính phủ đã công khai chiến lược phát triển để phấn đấu đến 2045, Việt Nam thực sự trở thành một nước phát triển. Nhìn trên bình diện xã hội, số lượng tỷ phú đô la ở Việt Nam ngày càng tăng lên, số gia đình có thu nhập khá tăng cao... Nhưng đạo đức xã hội thì có nhiều biểu hiện đi xuống. Một nhà xã hội học từng nói: “Mỗi bước tiến của văn minh là một bước thụt lùi tương đối của đạo đức” đang có phần đúng với xã hội chúng ta.
Vì vậy, câu hỏi “tiền nhiều để làm gì?” thốt ra từ miệng một tỷ phú, đặt ra cho xã hội Việt Nam một vấn đề: Định hướng cách tiêu tiền cho các tỷ phú. Các tỷ phú sẽ chiếm vai trò ngày càng quan trọng trong xã hội, cách tiêu tiền của họ cũng tác động rất lớn đến xã hội. Nếu xã hội nhiều trọc phú, họ sẽ ăn chơi sa đọa, sẽ phơi bày những bộ mặt thiếu văn hóa của xã hội, đồng thời trực tiếp tạo ra bất công, bất mãn trong xã hội. Hiện nay, những trò lố lăng, khoe của trong xã hội ta đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều, đó cũng là một nỗi lo.
Trên thế giới, những tỷ phú hàng đầu như Bill Gates, Warren Buffet, Mark Zuckerberb... nổi tiếng với lối sống giản dị và tiết kiệm. Bill Gates hằng ngày vẫn tự tay dọn dẹp nhà cửa, rửa bát, mua hàng giảm giá, thậm chí đi dự hội nghị, ông đã đánh xe lòng vòng để chọn điểm gửi xe có giá rẻ. Warren Buffet thì vẫn sống trong ngôi nhà từ thuở hàn vi năm 1958, giá trị ngôi nhà chỉ tương đương với thu nhập mà ông kiếm được trong... 2 phút. Mark Zuckerberb - ông chủ mạng xã hội Facebook giàu có như vậy nhưng không đi siêu xe, thường xuyên mặc áo thun, quần jeans... Đặc biệt, cả ba tỷ phú trên đều công bố sẽ dùng phần lớn tài sản của mình để làm từ thiện. Trong đó, Bill Gates từ nhiều năm nay đã rút khỏi việc điều hành hãng Microsoft để lo điều hành quỹ từ thiện mang tên vợ chồng ông. Ông cũng công khai rằng, chỉ di chúc để lại cho các con rất ít tiền, còn lại thì làm từ thiện hết bởi “Để lại cho con cái quá nhiều tiền chỉ làm con cái mất động lực phấn đấu”.
Ứng xử với tiền khi đã trở thành tỷ phú cũng là mối quan tâm của các tỷ phú. Tỷ phú Jack Ma, Chủ tịch Alibaba Group đã nói: "Nếu bạn có ít hơn 1 triệu đô la, bạn biết cách dùng số tiền đó. Nhưng nếu có 1 tỷ đô la, đó không phải tiền của bạn... Số tiền tôi có được ngày hôm nay là trách nhiệm. Đó là niềm tin của mọi người dành cho tôi". Tỷ phú Bill Gates thì chia sẻ: “Tôi có thể hiểu được mong muốn kiếm được hàng triệu đô la, số tiền đó sẽ giúp bạn có một sự tự do nhất định. Nhưng một khi bạn kiếm được nhiều hơn số tiền đó, tôi phải nói với bạn, nó cũng chẳng khác nhiều”.
Ở Việt Nam, sau 30 năm mở cửa, phát triển kinh tế thị trường, mặt trái của nó là đồng tiền bắt đầu thâm nhập sâu vào các quan hệ xã hội. Vì tiền, vì lợi ích cá nhân, người ta sẵn sàng hy sinh lợi ích xã hội, bất chấp luân thường đạo lý. Tình trạng thương mại hoá đã thâm nhập sâu vào những lĩnh vực vốn xưa kia là mảnh đất nuôi dưỡng những hành vi đạo đức, như giáo dục - đào tạo và y tế. Kinh tế thị trường có mặt tích cực là kích thích mọi sự suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo; nhưng cũng có mặt tiêu cực là tạo ra tham vọng làm giàu bằng mọi cách và tâm lý chạy theo đồng tiền. Nó kích thích thói ích kỷ, tự tư tự lợi, đặt lợi ích của cá nhân và gia đình lên trên lợi ích của tập thể và xã hội. Nó dung dưỡng thói dối trá và lối sống hưởng lạc, sa đọa. Bởi vậy, mới nảy sinh bi kịch trong những gia đình giàu có: Tiền nhiều lên nhưng đạo đức thì biến mất!
Đương nhiên, sẽ là duy ý chí khi chúng ta đòi hỏi các tỷ phú phải sống giản dị và phải để dành tiền vào các công việc thiện nguyện. Vì thỏa mãn nhu cầu vật chất, tinh thần của cá nhân chính là động lực lớn nhất kích thích con người trở thành tỷ phú. Nhưng trong một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta hoàn toàn có thể nghiêm túc bàn đến việc xây dựng những thể chế, thiết chế, giải pháp để khiến cho việc tiêu dùng của các tỷ phú thực sự có văn hóa và không gây ra những hiệu ứng xấu cho xã hội. Chúng ta đã có những quy định về lối sống cho cán bộ, công chức thì tại sao lại không nghĩ đến điều này đối với người giàu?
Câu chuyện “tiền nhiều để làm gì?” là câu chuyện quản lý một xã hội đang giàu lên, kèm theo một xu hướng không thể nào không thừa nhận là khoảng cách chênh lệch giàu nghèo trong xã hội đang ngày càng doãng ra. Chủ động nhận biết nó, xử lý nó là điều kiện bảo đảm cho sự phát triển bền vững của xã hội.
Nguyễn Hồng