Nhiều lao động tự do cần được hỗ trợ các chính sách về an sinh xã hội.

Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội. Công tác chăm lo chính sách xã hội có bước tiến bộ, đạt nhiều kết quả tích cực, hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu thiên niên kỷ; cải thiện chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao phúc lợi xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Hệ thống an sinh xã hội là "xương sống" của chính sách xã hội bao gồm 4 trụ cột (nhóm chính sách) chính: Nhóm chính sách việc làm và giảm nghèo; nhóm chính sách bảo hiểm xã hội; nhóm chính sách trợ giúp xã hội; nhóm chính sách dịch vụ xã hội cơ bản. Hiện nay, cả nước đang có hơn 1,3 triệu Người có công hưởng trợ cấp hằng tháng; bình quân mỗi năm giải quyết chế độ trợ cấp cho từ 6.000-8.000 trường hợp, đưa hơn 580.000 lượt người có công đi điều dưỡng định kỳ. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thực hiện hiệu quả. Theo đó, mặc dù điều chỉnh nâng chuẩn nghèo nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn liên tục giảm từ 7,9% năm 2016 xuống còn 2,23 % vào năm 2021...

Tuy nhiên, việc thực hiện một số chính sách xã hội còn có những hạn chế, bất cập. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện bằng các công cụ pháp lý độc lập, chưa đồng bộ và còn chồng chéo, thiếu tính liên kết. Trong đó, lao động trong khu vực phi chính thức và thường không được bao phủ bởi các chính sách an sinh xã hội, nhất là Bảo hiểm xã hội và các chính sách trợ giúp trong trường hợp gặp rủi ro về sức khoẻ, giảm thu nhập, thất nghiệp, nghèo khó... Đặc biệt, đại dịch Covid -19 trong hơn 2 năm qua đã làm bộc lộ những yếu kém, tồn tại trong chính sách xã hội như vấn đề nhà ở cho người lao động thu nhập thấp ở đô thị, người dân di cư, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất; vấn đề bao phủ các đối tượng khó khăn do dịch bệnh kịp thời, đúng đối tượng; vấn đề tiếp cận và chất lượng dịch vụ y tế, năng lực và điều kiện phục vụ của y tế cơ sở còn nhiều hạn chế…

Theo TS. Bùi Sỹ Lợi - chuyên gia cao cấp của Bộ LĐTBXH, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội, các chính sách xã hội hiện nay còn phân tán, phân mảng, thiếu kết nối và phối hợp, nhưng việc tích tích hợp các chính sách xã hội không có nghĩa là tổng hợp các chính sách vào một văn bản mà là liên kết các chính sách sao cho thống nhất, tránh chồng chéo và tập trung nguồn lực. Bên cạnh đó cần tập trung nhận diện các nhóm đối tượng chưa được bao phủ về an sinh xã hội.

Việc phát triển khung chính sách chiến lược về an sinh xã hội, hướng tới các chính sách này trong dài hạn vào lao động trong khu vực phi chính thức, đóng góp cả cho nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng và phát triển kinh tế lẫn để đạt mục tiêu mở rộng an sinh xã hội toàn dân… đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội. Ngoài ra, tăng cường phối hợp và liên kết giữa các chính sách an sinh xã hội khác nhau, giữa chính sách an sinh xã hội với các chính sách kinh tế, chính sách việc làm, chính sách tiền lương và thu nhập, thực hiện  các chương trình hỗ trợ tích cực, các chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững... để đảm bảo sự mở rộng bao trùm và hỗ trợ một cách toàn diện và bền vững cho hệ thống an sinh xã hội. Đặc biệt, cần hiện đại hóa hệ thống quản lý, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách xã hội, trong đó, chú trọng tích hợp, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu an sinh xã hội ở nhiều lĩnh vực như lao động, việc làm, trẻ em, bảo trợ xã hội, giảm nghèo…

Việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân tập trung vào việc lấy con người là trung tâm, đảm bảo để chính sách xã hội được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế, trong đó tăng cường công tác rà soát, tích hợp chính sách, giảm chồng chéo, trùng lắp trong thực hiện chính sách an sinh xã hội sẽ góp phần hạn chế những tác động tiêu cực đến cuộc sống và sinh kế của người dân.

Mai Phương