CCB Vũ Thanh Quang đang hàn sản phẩm cho khách hàng.
Chuyện CCB Vũ Thanh Quang vừa cho 3 hộ có hoàn cảnh khó khăn mượn 3 căn nhà cấp 4, mỗi nhà hơn 40m2 của ông ở lâu dài miễn phí đang trở thành câu chuyện tình nghĩa lan đi khắp làng trên, xóm dưới xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.
Ba gia đình được ông giúp là gia đình cụ Nguyễn Thị Ngọc Quyên (90 tuổi); bà Phan Thị Sô (69 tuôi) và gia đình anh Vũ Đức Huy mới lập gia đình, chưa có nhà ở. Cả 3 gia đình đều là người cùng xã Bàu Năng với ông Quang.
Cụ Quyên rơm rớm nước mắt nói với tôi: “Nếu không có ông Quang giúp đỡ cho ở nhờ nhà thì không biết giờ này tôi ở đâu, chứ nói chi đến sắm sửa Tết”. Đỡ lời cụ Quyên, ông Đặng Công Thanh - Chủ tịch Hội CCB xã Bàu Năng nói: “Anh Quang vừa làm kinh tế giỏi, vừa là hội viên làm việc nghĩa mẫu mực nhất của Hội CCB xã chúng tôi đấy. Cứ ai khó khăn là anh ấy giúp. Nhất là giúp đồng đội xóa đói giảm nghèo thì “mát tay” lắm”
Ông Thanh kể: Hội CCB xã có 2 hội viên là Đặng Văn Rãy (SN 1963) và Cao Phước Thọ (SN 1962) phấn đấu mãi mà vẫn chưa thoát được nghèo; mà nguyên nhân là do không nghề, không vốn, lại thiếu ruộng sản xuất. Ông Quang thấy thế, xung phong giúp 2 hội viên thoát nghèo bằng cách cho mỗi người vay 20 triệu đồng không tính lãi, thời hạn 3 năm để mua bò cái sinh sản, mỗi người 1 con giá 15 triệu đồng. Có bò sinh sản, cả 2 ông chịu khó chăm sóc nên sau 3 năm vừa trả được ông Quang tiền gốc, vừa trang trải được nợ lại có thêm mỗi người 1 bò con nữa.
Hiện nay cả 2 hội viên không những thoát nghèo mà còn trở nên khá giả. Từ tiền bán bò gia đình, CCB Cao Phước Thọ mở nghề thu mua sắt phế thải. Còn CCB Đặng Văn Rẫy thì phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Không giấu nổi xúc động, ông Rẫy nói: “Để có được cuộc sống như ngày hôm nay, gia đình tôi vô cùng cảm ơn ông Quang”.
Không chỉ giúp người nghèo, CCB Vũ Thanh Quang còn tạo kinh phí hoạt động cho Hội CCB xã bằng cách cho Hội mượn lâu dài 1,6 công đất (mỗi công 1.000m2) để trồng sắn (mỳ) ngắn ngày và trồng xen cây cà na, mỗi vụ bán quả thu cho quỹ Hội từ 10 đến 15 triệu đồng, vừa để chi tiêu trong hội họp, vừa thăm hỏi hội viên ốm đau...
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, CCB Vũ Thanh Quang vốn là hội viên rất nghèo. Sau khi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam về xuất ngũ (năm 1989), ông lập gia đình cũng không vốn liếng, không nghề nghiệp, thậm chí không có cả đất làm nhà. Hai vợ chồng ở với ba má rồi phải đi làm mướn kiếm sống qua ngày.
Ông Quang xin vừa học nghề, vừa làm thợ cho một hiệu hàn. Đến năm 1996, sau 9 năm học nghề, lao động cần cù ông vay mượn tiền của anh em, họ hàng mua đất, cất căn nhà tạm vừa để ở, vừa mở hiệu hàn hơi. Nhờ tay nghề giỏi, chịu khó làm ăn trung thực, hiệu hàn của ông càng ngày càng đông khách. Từ một hiệu hàn nhỏ, nay ông mở rộng, quy mô lớn, có tiếng trong địa phương. Cuộc sống gia đình ngày càng khá giả.
Ông Quang chia sẻ: “Tôi may mắn hơn nhiều đồng chí, đồng đội, được trở về nguyên vẹn từ nơi bom đạn. Đi lên từ đói nghèo, nay có của ăn, của để, tôi luôn tâm niệm việc gì có thể giúp cho người nghèo; giúp đồng chí, đồng đội tôi sẽ cố gắng hết sức, hết lòng”.
Bài và ảnh: Thanh Hà