Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch WB Jim Yong Kim đã dành thời gian trao đổi về các vấn đề cải cách kinh tế, an ninh năng lượng, hỗ trợ người nghèo, thúc đẩy quan hệ hợp tác, định hướng sự trợ giúp của Ngân hàng Thế giới và triển khai các khoản vay ưu đãi dành cho Việt Nam trong giai đoạn tới. Chủ tịch WB đánh giá cao tình hình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, các định hướng chiến lược và giải pháp phát triển trong thời gian tới. Chủ tịch WB cho rằng để phát triển nhanh, bền vững, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thể chế, phát triển khu vực tư nhân, bảo đảm bình đẳng về cơ hội và hỗ trợ người nghèo để củng cố và nâng cao hơn nữa thành tựu xoá đói giảm nghèo đã đạt được trong những năm qua.
“Hôm nay, tôi rất vui mừng để khẳng định rằng Nhóm Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục mối quan hệ hợp tác với Việt Nam trong quá trình Việt Nam trở thành một nước công nghiệp trung bình. Những bài học của Việt Nam rất hữu ích cho các quốc gia khác và rất hữu ích với chúng tôi, giúp chúng tôi tài trợ để thực hiện mục tiêu chung là chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực và xây dựng nền thịnh vượng chung. Việt Nam là một điển hình thành công trong phát triển và câu chuyện của Việt Nam cần phải được chia sẻ với toàn thế giới” – Chủ tịch Jim Yong Kim phát biểu trong cuộc họp báo ngắn với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau cuộc tiếp.
Về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và WB, hai bên khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác cả về tư vấn chính sách, tài chính, hỗ trợ phát triển và hỗ trợ kỹ thuật.
Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch WB Jim Yong Kim và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã ký Hiệp định vay vốn ưu đãi cho 5 chương trình, dự án, với tổng trị giá là 876 triệu đô la Mỹ. Nguồn vốn này sẽ tài trợ cho các chương trình, dự án có đối tượng hưởng lợi là người dân và các doanh nghiệp ở hầu hết các địa phương trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là các dự án về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế; đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng điện; phát triển đô thị; tăng cường năng lực nguồn nhân lực ngành y tế và phòng chống biến đổi khí hậu.
“Chúng tôi rất mong đợi được cùng làm việc với Chính phủ Việt Nam để đảm bảo rằng tất cả những ưu tiên của Chính phủ và người dân Việt Nam đều được thực hiện” - Chủ tịch Jim Yong Kim nói.
Về phần mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đánh giá cao Ngân hàng Thế giới nói chung và cá nhân Chủ tịch Jim Yong Kim nói riêng đã ủng hộ và đồng ý phân bổ gần 4 tỷ đô la Mỹ từ nguồn vốn vay ưu đãi IDA cho Việt Nam cho giai đoạn 2014 - 2017. Như vậy, liên tục trong vòng 9 năm từ 2008 đến 2017, Việt Nam là nước được nhận nguồn vốn vay ưu đãi IDA lớn thứ hai trên thế giới.
“Điều này thể hiện sự ghi nhận, tin tưởng và ủng hộ của Ngân hàng Thế giới và cộng đồng quốc tế đối với tiến trình đổi mới của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam hết sức trân trọng và cam kết sẽ áp dụng mọi biện pháp để đảm bảo nguồn vốn vay quý báu này sẽ được triển khai nhanh và sử dụng hiệu quả nhất. Tôi tin tưởng rằng với sự nỗ lực của cả hai bên, quan hệ đối tác phát triển Việt Nam - Ngân hàng Thế giới sẽ phát triển lên tầm cao mới; Ngân hàng Thế giới sẽ luôn là người bạn đồng hành tin cậy của Việt Nam trong tiến trình phát triển” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Tại cuộc họp báo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch WB Jim Yong Kim đã thông báo về việc hai bên nhất trí phối hợp với sự trợ giúp của WB để xây dựng một báo cáo chiến lược mang tên Báo cáo Việt Nam 2030 nhằm giúp Việt Nam đưa ra định hướng phát triển dài hạn.
“Nhóm Ngân hàng Thế giới và Việt Nam đang chuẩn bị thực hiện một nghiên cứu rất quan trọng để xác định xem Việt Nam sẽ cần phải thực hiện những gì để trở thành một quốc gia công nghiệp hóa hiện đại trong một thế hệ” - Chủ tịch WB Jim Yong Kim cho biết.
Báo cáo Việt Nam 2030 sẽ tập trung vào các nội dung lớn, gồm: (i) Đổi mới tư duy và quan điểm phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; (ii) Cải cách toàn diện thể chế kinh tế kinh tế thị trường, phù hợp với điều kiện Việt Nam; (iii) Phân cấp Trung ương và địa phương trong quản lý và điều hành kinh tế; (iv) Đổi mới thể chế trong phát triển hệ thống tài chính nhằm huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực và đổi mới thể chế trong tổ chức và cung ứng dịch vụ công.
Hoàng Linh