Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.

Ngày 4-3, Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo.

Theo báo cáo của Cục Thú y - Bộ NNPTNT, từ ngày 1-2 đến 3-3, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 202 hộ chăn nuôi, ở 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Nam. Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy 4.231 con, tổng trọng lượng lợn tiêu hủy hơn 297 tấn. Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, Cục Thú y đã phối hợp với  chính quyền các địa phương tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, phun tiêu độc khử trùng, lấy mẫu xét nghiệm, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn nhằm ngăn ngừa dịch lây lan. Kết quả, phần lớn số mẫu xét nghiệm đối với các hộ chăn nuôi xung quanh ổ dịch âm tính. Kết quả giải trình tự gien vi rút DTLCP do cơ quan thú y tiến hành đối với vi-rút gây bệnh trên lợn tại Việt Nam giống 100% chủng vi-rút DTLCP gây bệnh trên lợn tại Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Dịch bệnh DTLCP đang lây lan nhanh nhưng hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh. Khi nhiễm vi-rút, tỷ lệ chết trên đàn lợn rất cao lên tới 100%. Dịch bệnh này không lây cho người, chỉ lây lan làm lợn chết. Trong khi đó, ngành chăn nuôi lợn chiếm vị trí quan trọng của ngành nông nghiệp khi cung cấp 70% thực phẩm.

Về những hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho hay: Giá hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy với mức 38.000 đồng/kg, thấp hơn so với giá thị trường, thậm chí có địa phương chỉ hỗ trợ 27.000 đồng/kg. Mặt khác, thủ tục hành chính, việc hỗ trợ chậm, dẫn đến tình trạng các hộ chăn nuôi không khai báo dịch bệnh, giấu dịch. Từ cuối năm 2018, nhiều địa phương đã thực hiện việc sáp nhập cơ quan thú y cấp tỉnh, thành phố, trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp; cơ quan thú y được sáp nhập thành trung tâm dịch vụ phòng, chống dịch bệnh nên chưa chủ động giám sát, kịp thời nắm bắt thông tin và báo cáo tình hình dịch bệnh, nhân lực... khiến công tác phòng, chống dịch gặp khó khăn.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chúng ta phải làm kịp thời, quyết liệt, nếu không có biện pháp mạnh thì dịch bệnh sẽ tiếp tục lây lan. Khi dịch lây lan nhanh, rộng làm ảnh hưởng đến chăn nuôi, đến môi trường sống của người dân. Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương và các cấp, bộ, ngành và cả hệ thống chính trị phải “xắn tay áo” vào để phòng, chống dịch có hiệu quả. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố T.Ư phải chịu trước pháp luật và trước Thủ tướng Chính phủ về hiệu quả của việc phòng, chống dịch. Đối với những địa phương chưa có dịch càng phải phòng dịch mạnh mẽ hơn. Bộ Tài chính cần có hướng dẫn chính sách hỗ trợ chống dịch cho người chăn nuôi.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý: Chúng ta khẩn trương, kịp thời, quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả nhưng không được “quay lưng” với thịt lợn, gây ảnh hưởng đến người chăn nuôi. Để làm điều này rất cần các cơ quan truyền thông vào cuộc để người chăn nuôi nâng cao ý thức, thực hiện đầy đủ biện pháp chống dịch, không giấu dịch; người tiêu dùng nhận thức, hiểu biết đầy đủ về dịch bệnh này, để không “quay lưng” với sản phẩm thịt lợn không nhiễm bệnh, thịt lợn sạch, thịt lợn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Kiểm soát tốt việc vận chuyển lợn giữa các vùng để vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch vừa không ảnh hưởng đến tiêu thụ và thị trường sản phẩm thịt lợn. Thủ tướng yêu cầu các địa phương, các bộ, ngành cần phải phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi, cung cấp đầy đủ hóa chất cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Công tác phòng chống bệnh DTLCP phải nêu cao tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực trong chống tác phòng chống dịch bệnh, tránh thất thoát, lãng phí. Vai trò này cần có sự tham gia tích cực của MTTQ các cấp.

PV