(Báo tháng 7) -Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

Đã từ lâu, ổn định Trung Đông luôn là mục tiêu số một của các đời Tổng thống Mỹ và chính công việc đầy gian nan khó khăn này cũng là thử thách cân não nhất dành cho những ông chủ của toà Bạch Ốc.

Từ nhiêu năm nay, bằng đủ các chính sách quân sự lẫn kinh tế, nước Mỹ đã “bẻ” dần những cái gai trong chiến lược “hoà bình Trung Đông”, mà gần đây nhất là hạ bệ Tổng thống Iraq Saddam Hussein, cuối năm 2006 để từng bước xây dựng lực lượng đồng minh tại khu vực này.

Tuy nhiên Iran vẫn còn là cái gai dường như khó bẻ nhất của Mỹ, vì Iran có “thế mạnh” địa chính trị và tiềm lực quận sự, kinh tế khác hẳn với các nước trong khu vực.    

Global Fire Power (GFP), tổ chức có trụ sở tại Mỹ chuyên đánh giá sức mạnh quân sự các nước, cho biết Iran có  lực lượng vũ trang xếp thứ 14 thế giới, với 523.000 quân thường trực;  250.000 binh sĩ dự bị. Không quân biên chế khoảng 509 máy bay, trong đó có 142 máy bay tiêm kích và 165 máy bay cường kích. Đây là nước duy nhất ngoài Mỹ sở hữu tiêm kích hạng nặng F-14A,  đánh trúng mục tiêu ở cự ly 190km…  

Với diện tích 1.648.000 km2, dân số khoảng 83 triệu người, lại có chung đường biên giới với nhiều nước đồng minh của Mỹ đang cho quân Mỹ đồn trú, như Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Afghanistan…  Nếu Mỹ tấn công Iran, cuộc chiến sẽ nhanh chóng lan ra khắp Trung Đông, do lực lượng ủy nhiệm của Iran được xây dựng ở hầu khắp các nước trong khu vực và cũng là “anh em sinh đôi”  của nhiều nhóm vũ trang như Hezbollah ở Lebanon.

Lực lượng này sẽ trở nên rất nguy hiểm, nếu được Iran trang bị rocket, pháo và tên lửa dẫn đường – mà mục tiêu tấn công đầu tiên chắc chắn sẽ là những nước thân Mỹ, như Israel chẳng hạn. Báo cáo của Lầu Năm Góc hồi tháng 4 năm nay cho biết ít nhất 608 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của dân quân thân Iran trong giai đoạn 2003-2011.

Đó là chưa nói, Tehran còn có quan hệ chặt chẽ với Moskva và Bắc Kinh, khiến giới chuyên gia không loại trừ khả năng hai cường quốc sẽ can thiệp nếu xung đột nổ ra.  

Chiến tranh Mỹ - Iran nếu nổ ra cũng tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh năng lượng, tác động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu, vì eo biển Hormuz - nơi mà 40% lượng dầu mỏ thế giới được chuyên chở qua đây bị Iran phong tỏa. Có thể nói đây là hiểm yếu mà Tehran sẽ tận dụng để mặc cả với  Washington nói riêng và cộng đồng Quốc tế nói chung. Một khi tuyến hàng hải này bị vô hiệu hóa, nguồn cung dầu cho thế giới sẽ sụt giảm mạnh và làm giá cả leo thang…

Quân đội Iran khó lòng đánh bại Mỹ trong chiến tranh - Hơn ai hết Tehran hiểu rõ điều này nên đã mạnh tay đầu tư vào năng lực chống xâm nhập/chống tiếp cận khu vực (A2/AD) với mục đích gây tổn thất nặng nề cho Washington từ xa. Điển hình như loại tên lửa Ghadir và Qader - vũ khí  diệt hạm hiện đại nhất của Tehran, vừa có tầm bắn xa tới 330 km, vừa có khả năng “ẩn mình” và cơ động cao. Tuy không thể đánh chìm tàu sân bay của quân đội Mỹ, nhưng tên lửa diệt hạm  của Iran thừa sức "khóa chết" eo biển Hormuz và hạn chế đáng kể khả năng tác chiến của Mỹ. Đây cũng là điều khiến Washington phải tính toán kỹ trước khi gây chiến.

Bên cạnh đó, các tên lửa hành trình đối đất Soumar và tên lửa đạn đạo Shahab-3 có tầm bắn tới 2.500 km, đủ sức bao trùm toàn bộ Trung Đông và một phần châu Âu. Chúng hoàn toàn có thể được triển khai để hủy diệt nhiều căn cứ chủ chốt, gây thương vong lớn và ảnh hưởng tới đồng minh, chiến lược của Mỹ.

Iran cũng có thể dùng lực lượng ủy nhiệm để tấn công lính Mỹ tại Iraq và Syria, gây nhiều hao tổn và buộc Mỹ dàn trải lực lượng trên nhiều mặt trận, thay vì chỉ tập trung vào quốc gia duy nhất như đợt tấn công Iraq năm 2003.

Vốn là Tổng thống không theo chủ nghĩa hiếu chiến và diều hâu và hơn hết kì tranh cử Tổng thống năm 2020 đang tới rất gần, Tổng thống Donald Trump có lẽ không thể mạo hiểm tiến hành một cuộc chiến tranh (ít nhất là giai đoạn này)  như người tiền nhiệm G. Bush của mình đã làm vào năm 2003 ở Iraq.

Một cuộc chiến như vậy sẽ là tự sát trên cả phương diện kinh tế lẫn chính trị đối với nước Mỹ. Tổng thống Obama trước đây cũng tính toán hết mọi phương án để “xử lí” Iran nhưng đều thấy bất khả thi, cuối cùng  đã phải tìm đến biện pháp “mua chuộc” Iran bằng cách kí kết một hiệp định “bất bình đẳng”: Mỹ trao cho Iran 150 tỉ USD để tái thiết kinh tế, nhưng lại không có bất cứ cam kết nào của Iran về việc gỡ bỏ vũ khí hạt nhân.

Khi tranh cử và nhậm chức, Tổng thống Trump là người chỉ trích thoả thuận trên một cách mạnh mẽ nhất.  Ông Trump đã từng nổi giận và hứa với cử tri Mỹ, sẽ có những biện pháp phù hợp để xử lí Iran một cách ổn thoả và êm đẹp… Nghĩa là, chắc ông chỉ dừng lại ở bao vây cấm vận kinh tế Iran.

Tuy nhiên có một thực tế rằng, ngày nào chế độ Hồi giáo chống Mỹ của Iran còn tồn tại, thì ngày đó vẫn còn là một thách thức nền an ninh chính trị của Mỹ nói riêng, các nước đồng minh của Mỹ trong  khu vực nói chung.

Quả thực Iran đúng là bài toán khó giải - làm đau đầu nhiều đời Tổng thống Mỹ.

TS. Nguyễn Hà