Cái ranh giới của 1000 Thăng Long chắc chắn phải 1000 năm sau con cháu chúng ta mới có cơ hội được thăng hoa, cảm xúc ngất ngây ngấm vào trong từng li ti huyết quản như năm 2010 vừa qua. Mới hay, thời hiện đại, chúng ta đọc lại Chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn cách đây 1000 năm thấy thật ngắn gọn, súc tích, trong sáng, đầy ắp hồn người chỉ chứa vẻn vẹn trong 216 chữ. Thông điệp ấy từ cố đô Hoa Lư cất cánh suốt một ngàn năm qua và tiếp tục thăng hoa trong nghìn năm tới, cùng Tổ quốc Việt Nam rẽ sóng vượt trùng dương tới bến bờ hạnh phúc.

Với Hội CCB Việt Nam, mùa xuân này bước sang tuổi hai mươi hai – cái tuổi thanh niên mạnh mẽ, lòng đầy nhiệt huyết của hơn hai triệu hội viên sống trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đấy là nói về tuổi của Hội. Còn tuổi của từng hội viên, lớp người kháng chiến chống thực dân Pháp đều ở độ bát tuần trở lên. Lớp bộ đội chống Mỹ cũng ở độ ngũ, lục, thất tuần mái đầu nhuốm bạc như đám mây mà hạ “vắt sang thu”. Thông điệp của “Bộ đội Cụ Hồ” thời chiến tranh kéo dài suốt 30 năm là gì vậy? Tôi hỏi đồng chí, đồng đội và tôi cũng tự hỏi tôi về bức thông điệp ấy. Hóa ra, câu trả lời, thật giản dị là ở ngay cách nghĩ, việc làm hằng ngày của CCB chúng mình đấy thôi!

Người lính cụ Hồ trở về sau chiến tranh trên mình còn đầy thương tích nhưng gia tài quý giá của họ là tâm hồn trong sáng, là tình yêu Tổ quốc thì tròn đầy như vàng vừa qua thử lửa? Thông điệp của họ được gửi vào tờ báo CCB Việt Nam yêu quý xuất bản hằng tuần mà đến hôm nay, tờ báo ấy cũng tròn tuổi 20, cũng trẻ trung như tuổi của Hội ta.

Mỗi lần mở tờ báo mới, đọc trang “Mặt trận mới, chiến công mới”, ai cũng thấy bồi hồi như được gặp lại đồng đội trên mỗi lá thư. Tờ báo CCB Việt Nam quả thật giống một bức thư ngỏ của Hội CCB Việt Nam gửi đi rất đúng hẹn vào ngày thứ năm hàng tuần. Bức thông điệp này lại giống một cuộc nói chuyện thời sự, một cuộc giao ban thời còn trong quân ngũ, thân thiết, gắn bó, mến yêu, thiếu nó cảm như trống vắng, khiến nhiều đồng chí mãi “nghiện” Báo CCB Việt Nam.

Ta hãy đọc bức thư gửi về Tòa soạn của một hội viên tên là Nguyễn Văn Trợ, 61 tuổi ở bản Máy Đường, xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La: Tôi là người “nghiện” Báo CCB Việt Nam từ lâu rồi. Mặc dù không phải là nhà văn, nhà báo, nhà thơ, chỉ là con nhà lính nghỉ hưu làm nhà nông, chúng tôi có phong trào “Đọc và làm theo Báo CCB Việt Nam” hiệu quả lắm. Nhờ chăm đọc báo nhà nên năm 2004 tôi tham gia cuộc thi “Tìm hiểu 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” được giải cao, được Tỉnh ủy và Hội CCB Sơn La tặng Bằng khen. Sau đó, tôi dự thi tìm hiểu phẩm chất “Bộ đôïi Cụ Hồ” nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-2004) được giải nhất. Tôi có lời cảm ơn Báo CCB Việt Nam và xin tình nguyện viết tin, viết bài gửi về cộng tác với Báo nhà. Nhân đây, tôi xin gửi kèm về một bài “Chuyện một CCB” từ hai bàn tay trắng trở thành giám đốc doanh nghiệp sản xuất rau sạch, hoa quả ở tỉnh Sơn La đạt hiệu quả cao và mở rộng quy mô lên thành hai cơ sở nữa ở tỉnh Điện Biên và TP Đà Nẵng...”.

Từ một người “nghiện” Báo CCB Việt Nam rồi tiến lên viết bài cộng tác, trong suốt 20 năm qua, đội ngũ cộng tác viên của Tòa soạn có tới hàng trăm người như thế. Nhờ vậy, tuy số cán bộ, phóng viên, biên tập viên chỉ có trên dưới 20 người mà ấn phẩm vẫn ra đều đều, lượng tin bài không thiếu, mang hơi thở và sức sống từ cơ sở, làm ấm lòng bạn đọc gần xa. Từ lúc xuất bản đầu tiên chỉ có 8 trang, năm 2005 tăng lên 12 trang và nay Báo CCB Việt Nam dày dặn 16 trang in màu mát mắt. Hướng về cơ sở, Báo CCB Việt Nam đang cùng hành quân hơn hai triệu “Bộ đội Cụ Hồ” từng một thời mũ nan, dép lốp làm nên Điện Biên Phủ oai hùng; từng một thời xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ để có ngày ca khúc khải hoàn, Đại thắng mùa xuân 30-4-1975 lịch sử. Đội quân râu tóc bạc phơ ấy vẫn mãi mãi là anh “Bộ đội Cụ Hồ” mang tâm hồn trẻ trung, tự tin và dũng cảm mãi tuổi 20.

Sắp đến ngày khai mạc Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam (từ ngày 11 đến 19-1-2011), lòng chúng ta lại dâng trào bao tình cảm kính yêu, tự hào và tin tưởng. Trong những ngày vui này, tôi xin được chép ra đây một thông điệp cực kỳ quý giá, một bức thư “gửi người đang sống” của ba chiến sĩ Quân giải phóng miền Nam viết vào năm 1966. Bức thư này được tìm thấy trong một chuyến khảo sát để quy hoạch cơ sở sản xuất của đoàn cán bộ, Nông trường Giải Phóng năm 1984 tại tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương). Họ ngược thượng nguồn sông Đồng Nai tới một vùng rừng nguyên sinh, bỗng bàng hoàng gặp ba chiếc võng dù cùng cột chụm đầu vào một thân cây. Trên võng là ba bộ hài cốt của chiến sĩ quân giải phóng. Cạnh mỗi bộ xương là một khẩu AK han rỉ, một đôi dép cao su. Trên đầu võng của một người có một bức thư gói bọc kỹ càng trong túi ni lông. Với những dòng chữ nguệch ngoạc run rẩy, thư viết: “Chúng tôi: 1. Lê Hoàng Vũ, quê Thái Bình; 2. Nguyễn Chí, quê Quảng Ngãi; 3. Trần Viết Dũng, quê thành phố Sài Gòn, chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1, Trung đội “Ký Con”, Trung đoàn BG (Bình Giã), Quân giải phóng miền Nam... Sau nhiều ngày “đói quay, đói quắt” “Khát như khô cháy cả ruột gan...” chúng tôi dừng lại, chọn khu rừng đẹp đẽ này làm nơi an nghỉ cuối cùng... Quyết định rồi, chúng tôi tự thấy khoan khoái lạ thường. Sáng suốt hẳn lên... Dừng lại ở đây với một ít sức lực còn lại viết một tường trình cuộc chiến đấu gửi cho ai đó tìm được... Mỗi người đứng trước cái chết của mình cố gắng dùng một chút sức còn lại, quả thật rất ít ỏi để thay nhau chấp bút. Chúng tôi đã chọn cây gỗ to còn sống lâu này làm trụ, giúp nhau mắc võng cho từng người, thống nhất nhau tư thế nằm trên võng, sắp xếp vài đồ vật còn lại... Chúng tôi sẽ chết ung dung thư thái như đã sống mãnh liệt mà thư thái với công việc mà chúng tôi đã làm...

... Nhưng rồi các bạn giục kết thúc lá thư đi thôi. Thời gian không cho chúng tôi nữa. Chúng tôi cảm thấy sắp đến giờ phải giã từ cõi đời này rồi. Trước khi ra đi, thư phải được bảo quản cẩn thận để tránh thời gian mưa nắng phũ phàng. Thư phải về tới tay những người đang sống...

Nếu lá thư này được về với đồng đội chúng tôi trong trung đoàn BG Quân giải phóng miền Nam hay một đơn vị bạn nào đó qua đây, xin chuyển lên giùm cấp trên.

Tiểu đội Quân giải phóng chúng tôi trong Trung đội “Ký Con” đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi mong được ghi nhận rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn.

Còn như chúng tôi được phát hiện muộn sau 5 năm - 10 năm - tự do quý giá, thì xin cho chúng tôi - gửi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa. Các bạn đang lao động quên mình cũng như chúng tôi đã chiến đấu quên mình cho đất nước ta ngày nay tươi đẹp, cho dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, cho xã hội ta ngày càng dân chủ, công bằng.

Hay trong trường hợp đến 50 - 100 năm sau, thư này mới tới những người, có thể gọi là thế hệ mai sau, thì cho phép chúng tôi gửi lời chào XHCN, cho phép chúng tôi bày tỏ vui mừng tuyệt diệu vì hạnh phúc và hòa bình đang tràn ngập hành tinh chúng ta mà chúng tôi trở thành hạt bụi có ích - Và hơn thế nữa nếu được, cho chúng tôi gửi lời chào niềm nở nhất đến những con người ở những vì sao xa xôi, những người bạn mới giữa các hành tinh”.

Mùa xuân giữa rừng miền Đông Nam Bộ

Vũ – Chí – Dũng

Ghi chú: Vũ và Chí của tôi đều đã đi rồi khi tôi viết những dòng cuối cùng này. Trước khi ký ba chữ Vũ – Chí – Dũng, tôi nhìn lên mặt hai bạn: Một vẻ bình thản thần diệu, đẹp như mặt nước hồ thu trong trẻo êm đềm và bầu trời cao xanh sáng tuyệt vời, nét mặt của các bạn tươi thắm như mỉm cười; tựa các thiên thần trong giấc ngủ. Nó đã động viên tôi hoàn thành việc bảo quản bản viết với chút sức tàn gắng gượng. Rồi tôi sẽ nằm ngay ngắn trên võng y như các bạn, noi gương các bạn, lòng thanh thản và tự hào đi vào cõi mông lung vô tận...”.

“Giải mã” từ bức thư này, được biết, đó là trận tập kích của Trung đoàn Bình Giã và một số đơn vị khác thuộc Bộ tư lệnh Quân giải phóng Miền Nam, tiêu diệt một lực lượng lớn quân Mỹ - ngụy ở Bông Trang – Nhà Đỏ (thuộc tỉnh Thủ Dầu Một), tháng 2 – 1966. Trên đường rút quân về hậu cứ, Trung đoàn BG đã bố trí một tiểu đội 11 người, trong đó có Vũ – Chí – Dũng; tiểu đội được trang bị máy thông tin “sắm” vai “một trung đoàn” đang hành quân về hậu cứ sau trận đánh thắng lợi để đại quân ta rút theo hướng khác an toàn. Sau nhiều ngày băng rừng, lội suối, dưới bom B52 rải thảm, có 8/11 chiến sĩ của tiểu đội hy sinh. Ba người sống sót, do đói khát, trên mình đầy thương tích, không thể đi tiếp, không còn phương tiện thông tin liên lạc, đành chấp nhận sự ra đi trên cánh võng...

Bức thư này đã in trong tập sách “Kết thúc chiến tranh 30 năm” của Thượng tướng Trần Văn Trà, do Nhà xuất bản QĐND ấn hành nhân kỷ niệm 30 năm ngày toàn thắng (30-4-1975 - 30-4-2005)

Bức thư viết cách đây hơn 40 năm, tôi đọc vẫn thấy tươi mới, đầy xúc cảm. Đó là thông điệp của “Bộ đội Cụ Hồ” gửi tới người hôm nay và người của mai sau. Ba anh Vũ - Chí - Dũng kính yêu, ngàn lần thương, ngàn lần quý, ngàn lần là tấm gương trong sáng! Cho chúng tôi được thắp nén hương trầm thơm nhất, cúi đầu trước linh hồn các anh để tưởng niệm, để soi xét lại mình trước thềm một năm mới đầy tự hào và hy vọng như tâm nguyện của các anh đã viết trong Thông điệp mùa xuân.

Lê Minh Huệ