Bác Hồ với thanh niên.

Mùa xuân cũng là nguồn cảm hứng thi ca bất tận của các thi sĩ. Tuổi trẻ là tuổi đẹp nhất trong một đời người. Sức trẻ cũng là nguồn cảm xúc vô biên của thi ca, của cái đẹp, rạo rực thanh xuân với bao cung bậc tâm trạng.  

Bác Hồ kính yêu đã ra đi tìm đường cứu nước khi tuổi đang xuân. Trong quá trình hoạt động cách mạng, nhiều lúc thi hứng đến với Người và Người đã viết nhiều bài thơ lấy cảm hứng từ xuân để nói về sự chuyển dịch thời gian và phát triển xã hội. Tâm hồn thi nhân của Bác hòa trong thiên nhiên, thật trẻ trung với cách nhìn biện chứng luôn hướng về tương lai tươi đẹp. Trong bài thơ “Nguyên tiêu” (Rằm tháng Giêng), Bác viết: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”. Con thuyền cách mạng chở đầy ánh trăng xuân thật đẹp, thật trẻ trung và tươi sáng biết bao.  

Nhà thơ Tố Hữu, lá cờ đầu của thơ ca cách mạng cũng là người rất tài tình khi kết hợp sức xuân và sức trẻ trong cảm hứng thi ca của mình. Nhà thơ đã gửi gắm trong mùa xuân những nỗi niềm sâu kín, hình tượng nghệ thuật đẹp đẽ, phong phú. Đó là mạch thơ cuộn chảy, khi nói về xuân song hành cùng hình ảnh hào hùng của người chiến sĩ Giải phóng quân: “Ai đến kia, rộn rã cùng xuân/ Hoan hô anh Giải phóng quân/ Kính chào anh con người đẹp nhất!/ Lịch sử hôn anh, chàng trai chân đất/ Sống hiên ngang, bất khuất trên đời”.

Với Tố Hữu, mùa xuân luôn mang ý nghĩa biểu trưng, biểu tượng cho cái đẹp, cho sức mạnh tuổi trẻ, cho tương lai của dân tộc, của đất nước, cho những con người anh dũng kiên trung, cho niềm vui ngập tràn hạnh phúc. Thật đẹp đẽ biết bao khi ông ngợi ca sức trẻ trong bài thơ “Xuân sớm”: “Ôi những nàng xuân rất dịu dàng/ Hát câu quan họ chuyến đò ngang/ Nhẹ nhàng tay cấy bên sông ấy/ Súng khoác trên lưng, chẳng ngỡ ngàng”. Ông cũng đã từng viết một câu thơ rất tài hoa, tưởng phi lý mà lại rất hợp lý tâm trạng của cô dân quân: “Trưa hè đứng gác giữa ngày xuân”. Vô lý bởi trong một khoảnh khắc sao lại có cả mùa hè và mùa xuân. Nhưng lại rất hợp lý bởi cô dân quân ấy tuổi đang xuân, đang dào dạt sức sống, át đi cái nắng chói chang khắc nghiệt của ngày hè bởi vẻ đẹp tình yêu Tổ quốc luôn rạo rực trong tim.

Cũng một cái nhìn rất độc đáo và bất ngờ thăng hoa ấy, nhà thơ Huy Cận khi thấy những cột buồm gỗ khô và lá buồm màu nâu đã thổi vào đó luồng sinh khí, một chất sống mới hồi sinh tươi trẻ trong bài thơ “Mưa xuân trên biển”: “Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm”. Cây buồm lộng gió phơi phới biểu trưng cho sức trẻ vượt qua sóng gió bão táp lại rất dịu mềm, tươi tắn trong làn mưa xuân.

Nhà thơ Nguyễn Bính, người luôn hát lên những khúc ca dân dã thấm đượm hồn quê, tình người cũng đã thổi vào hơi xuân một sức trẻ hồn nhiên mà sâu lắng cội nguồn dân tộc. Có khi đó là một tin xuân, một ý xuân phấp phỏng, phơi phới trong lòng người con gái thôn quê: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/ Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay”. Một không gian xuân, một âm hưởng xuân, một sức trẻ xuân, đó chính là hồn cốt, hơi thở dân gian của làng quê. Kể cả lúc từ hy vọng đến thất vọng trong tình yêu thì Nguyễn Bính cũng tìm được cách nói thổn thức đến nao lòng: “Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn/ Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng”. Một lời trách khéo khá ẩn ý nhưng bao dung nhân ái biết bao.

“Ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu đã hóa thân vào mùa xuân để đưa ra những hình ảnh so sánh táo bạo mà chỉ có người trẻ, con mắt, tâm hồn trẻ đang yêu say đắm trong không gian mùa xuân mới có câu thơ thần tình này: “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”. Nhà thơ dùng “tháng Giêng” như một khái niệm vừa để chỉ thời gian mùa xuân đẹp và thuần khiết khi được đối sánh với “cặp môi gần” của người thiếu nữ.

Có một “Mùa xuân chín”, chín trong lòng người, chín trong sự tròn đầy khao khát trong thơ Hàn Mặc Tử:  Khi có sự luyến tiếc viễn cảnh của đồng nội gắn với sức sống của người con gái thôn quê lãng mạn và đôn hậu: “Khách xa gặp lúc mùa xuân chín/ Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng/ Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”. Phải chăng, cái nắng chang chang này cũng chính là sức xuân, sức trẻ làm ấm lòng thêm, gắn bó thêm tình người, tình xuân.

Sức sống mùa xuân của thiên nhiên và tâm hồn của tuổi trẻ trong phút giao hòa đã trở thành sức sống bất diệt của cuộc đời không chỉ cho mỗi người mà cho cả đất nước, cả dân tộc. Nhà thơ Thanh Hải trong những năm chống Mỹ, cứu nước ác liệt, đã có con mắt xanh, tâm hồn xanh khi nhận ra: “Mùa xuân người cầm súng/ Lộc giắt đầy trên lưng/ Mùa xuân người ra đồng/ Lộc trải dài nương mạ/ Tất cả như hối hả/ Tất cả như xôn xao”. Một nữ thi sĩ rất trẻ - Vũ Dã Phương, khi lên chùa để hái lộc xuân nhưng cái phút lưỡng lự và quyết định sau cùng của cô thật nhân hậu và vị tha biết bao: “Đưa tay định ngắt mấy lần/ Thấy xuân mơn mởn trong ngần lại thôi”.  

Có một tượng đài mùa xuân tuổi trẻ mà nhà thơ Lê Anh Xuân đã dựng lên với một vẻ đẹp vĩnh cửu: Đó là hình ảnh vô cùng hiên ngang của người chiến sĩ Giải phóng quân: “Và anh chết trong khi đang đứng bắn/ Máu anh phun theo lửa đạn cầu  vồng”. Dáng đứng ấy biểu trưng cho dáng đứng dân tộc Việt Nam qua bao cuộc chiến tranh chống quân xâm lược, qua bao thử thách chống bão lũ cuồng phong. Dáng đứng ấy mang trong mình một thế hệ trẻ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trải qua hành trình 90 năm với bao cam go thử thách; bao lớp trẻ lên đường ra trận với khí thế: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu). Đó chính là dáng đứng của tuổi trẻ Việt Nam: “Từ dáng đứng giữa đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” (Lê Anh Xuân).

Nguyễn Ngọc Phú