Tổng thống Hàn Quốc - Yoon Suk-yeol (trái) và Thủ tướng Nhật Bản - Kishida Fumio tại cuộc gặp bên lề Khóa họp 77 Đại hội đồng Liên Hợp quốc ngày 21-9.

Chuyến công du nước ngoài thứ hai tới ba nước của Tổng thống Hàn Quốc - Yoon Suk-yeol vừa kết thúc, được đánh giá là thành công, thể hiện rõ chính sách đối ngoại của chính quyền mới của Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi ông mới trở về nước thì là thời điểm Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa. Một thế trận mới của Hàn Quốc đã được xác lập với các quốc gia đối tác, nhưng với Triều Tiên thì có vẻ chính quyền mới của Hàn Quốc chưa có cách tiếp cận mang tính đột phá.

Ông Yoon Suk-yeol đặt ra nhiều mục tiêu cho chuyến công du kéo dài 7 ngày tới Anh, Mỹ và Canada với mục tiêu chính là khẳng định vai trò và vị thế của Hàn Quốc như một quốc gia trọng tâm toàn cầu, với điểm nhấn là loạt hoạt động của ông tại Khóa họp lần thứ 77, Đại hội đồng Liên Hợp quốc (ĐHĐ LHQ) tại New York (Mỹ): Ông đã bày tỏ sẵn sàng đóng vai trò hàng đầu trong hợp tác quốc tế để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên tự do, đảm bảo quyền con người và pháp quyền. Theo đó, Hàn Quốc cam kết tích cực tham gia vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng cho các thế hệ tương lai.

Phát biểu trước ĐHĐ LHQ là “một tiếng giữa làng” nhưng quan trọng hơn với Hàn Quốc vẫn là mối quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ. Tiếp theo thỏa thuận thượng đỉnh Hàn - Mỹ hồi tháng 5, trong các cuộc tiếp xúc lần này, Tổng thống Yoon Suk-yeol và Tổng thống Mỹ - Joe Biden tái khẳng định cam kết đối với việc bảo vệ Hàn Quốc và thế trận phòng thủ liên hợp theo Hiệp ước Phòng thủ chung. Lãnh đạo hai nước cũng cam kết tăng cường phối hợp chính sách về các vấn đề an ninh kinh tế, bao gồm đảm bảo chuỗi cung ứng linh hoạt và thiết lập các chuẩn mực và quy tắc của trật tự kinh tế quốc tế mới. Hàn Quốc hiện đang trông đợi chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ - Kamala Harris tới Seoul vào cuối tháng này sẽ góp phần hơn nữa vào việc thúc đẩy phát triển quan hệ Hàn - Mỹ theo đúng tinh thần cam kết ở cấp thượng đỉnh.

Thực ra, cuộc gặp trực tiếp giữa nguyên thủ của Mỹ và Hàn Quốc lần này chỉ mang tính biểu tượng cho quan hệ song phương ngày càng nồng ấm. Thành công đáng kể trong chuyến thăm này phải kể đến cuộc gặp thượng đỉnh Nhật Bản - Hàn Quốc. Việc chọn tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Nhật đầu tiên sau 2 năm 10  tháng tại New York cho thấy sự cẩn trọng của cả hai phía, nhưng cũng thể hiện vai trò trung gian của Mỹ trong việc thúc đẩy hai đồng minh chiến lược cải thiện quan hệ đang ở mức thấp nhất vì các tranh cãi lịch sử. Cuộc gặp được chờ đợi dù không như kỳ vọng vì chỉ diễn ra trong 30 phút, nhưng hai nhà lãnh đạo đã nhất trí khôi phục mối quan hệ song phương lành mạnh, giải quyết những bất đồng về lịch sử và lãnh thổ, cũng như tăng cường hợp tác nhằm ứng phó với vấn đề tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Hai bên đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác song phương Hàn - Nhật và hợp tác ba bên Hàn - Nhật - Mỹ. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí xác định Nhật Bản và Hàn Quốc là láng giềng quan trọng của nhau trong môi trường chiến lược hiện nay. Điều đáng chú ý là sau nhiều lần trì hoãn, hai nhà lãnh đạo đã bảy tỏ quyết tâm phát triển quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc dựa trên “mối quan hệ hợp tác hữu nghị” song phương.

Tuyên bố trên là thành công lớn của chuyến công du, nhưng nỗi lo của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ vẫn là Triều Tiên. Vấn đề tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên cũng là một chủ đề lớn trong chuyến công du lần này của Tổng thống Yoon Suk-yeol. Tuy nhiên, tại ĐHĐ LHQ, ông chỉ đề cập vấn đề này trong các cuộc gặp song phương, thể hiện cách tiếp cận được cho là có tính toán của Seoul. Hợp tác ba bên Hàn - Nhật - Mỹ đã được nhấn mạnh như giải pháp để duy trì hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Bắc Á và giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Thế nhưng, khi ngay ngày trở về của ông Yoon Suk-yeol lại được “chào đón” bằng các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, quốc gia mới tháng trước tuyên bố đã trở thành quốc gia hạt nhân, thì thách thức với ông Yoon Suk-yeol không phải là nhỏ. Vậy nên, cho dù Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã củng cố được thế trận mới sau các cuộc gặp vửa qua, việc cải thiện quan hệ liên Triều vẫn là một trong những mục tiêu chính của bất kỳ chính quyền nào ở Hàn Quốc.

Thanh Huyền