Như vậy, việc tăng thuế lên mức 25% từ mức 10% hiện nay đối với gói hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc sẽ được kéo dài thêm 90 ngày so với dự định ban đầu là ngày 1-1-2019 để hai bên có thời gian đàm phán. Với thông báo này, có thể hiểu rằng Trung Quốc đã nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại với Mỹ và chính quyền của ông Donald Trump đang nắm thế thắng trong cuộc chiến này.

Việc trì hoãn tăng thuế không có nghĩa cuộc chiến thương mại đã được giải quyết mà nó chỉ là một tín hiệu cho thấy hai bên đang có hướng để giải quyết nếu tiếp tục duy trì đàm phán và đáp ứng các điều kiện của nhau. Trong vòng 90 ngày, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận về các vấn đề thương mại như chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, đánh cắp công nghệ và nông nghiệp, thì Mỹ sẽ tăng mức thuế từ 10% sẽ lên 25% và khi đó cuộc chiến thương mại sẽ được đẩy lên ở mức cao hơn và có thể sẽ dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm khác.

Với kết quả được thông báo sau cuộc gặp, Trung Quốc đã đồng ý mua một lượng lớn hàng nông sản, năng lượng và các sản phẩm khác của Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại song phương. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ xem xét việc phê duyệt thỏa thuận mua lại NXP của nhà sản xuất chip Mỹ Qualcomm mà trước đây bị Trung Quốc không thông qua do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Như vậy, ngoài việc ép Trung Quốc phải nhượng bộ trước các yêu cầu về chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ…, vấn đề Mỹ quan tâm hơn là cân bằng cán cân thương mại với Trung Quốc, cụ thể là giảm mức nhập siêu khổng lồ từ Trung Quốc. Việc Bắc Kinh đồng ý mua hàng nông sản hay các sản phẩm khác từ Mỹ càng chứng tỏ ông Trump thêm thắng thế khi không những giảm được thâm hụt thương mại mà còn giải quyết được công ăn việc làm cho người dân Mỹ, củng cố uy tín của mình ở trong nước.

Thế thắng của ông Trump không chỉ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Trước thềm G20 lần này, Hiệp định thương mại mới của Mỹ với Mexico và Canada (USMCA), phiên bản mới của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với các điều khoản tốt hơn cho Mỹ đã được ký kết. Hơn thế, chưa cần ông Trump phải “nhắc khéo” khi gặp Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe ở Thủ đô Argentina về mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản là "lớn" và "khá đáng kể", Nhật Bản đã nêu ý định mua 100 máy bay chiến đấu thế hệ mới F-35 của Mỹ, mỗi chiếc có giá tới gần 90 triệu USD. Thế nhưng, dù Nhật Bản là đồng minh của Mỹ, ngành công nghiệp ô tô hay dịch vụ của Nhật Bản vẫn là đích ngắm của ông Trump để tránh thâm hụt thương mại với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.

Hơn thế, ông Trump còn đang có một lợi thế lớn khi Tuyên bố chung của Hội nghị G20 lần này ủng hộ việc cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Cải tổ WTO chắc chắn là theo hướng tốt cho Mỹ bởi chính Mỹ chứ không phải nước nào khác đưa ra đòi hỏi này nếu không sẽ rời khỏi WTO.

Cách làm “song phương” thay “đa phương”, “đập đi xây lại” theo quan điểm “nước Mỹ trên hết” của ông Trump đang thắng thế. Không chỉ riêng Mỹ, nước nào cũng phải bảo vệ lợi ích của mình. Đó là lẽ hiển nhiên. Nhưng vì lợi ích của mình mà không tính đến lợi ích của nước khác có thể dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Ngọc Hưng