Binh sĩ Ukraine sử dụng tên lửa chống tăng do NATO cung cấp.

Hơn hai tháng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ và đồng minh đã liên tục áp thêm các lệnh trừng phạt khắt khe nhằm cô lập và suy yếu nước Nga. Hơn thế, số lượng và chủng loại vũ khí các quốc gia này cung cấp cho Ukraine còn khiến dư luận quan ngại về một cuộc chiến kéo dài, thậm chí dẫn đến nguy cơ bùng nổ một cuộc thế chiến mới.

Trước thềm cuộc họp ngày 26-4-2002 giữa Mỹ và các đồng minh về việc gia tăng viện trợ vũ khí cho Ukraine, Nga đã cảnh báo nguy cơ “thực sự” về chiến tranh thế giới thứ ba. Nga nói với thế giới rằng đừng đánh giá thấp những nguy cơ thực sự của chiến tranh hạt nhân và cảnh báo rằng các vũ khí thông thường của phương Tây là mục tiêu hợp pháp ở Ukraine, nơi các trận chiến đang diễn ra ở miền Đông. Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói: “Những nguy cơ hiện nay là có thật. Tôi không muốn thổi phồng một cách giả tạo những nguy cơ đó. Và chúng ta không được đánh giá thấp nó”.

Lời cảnh báo của Nga không ngăn được nỗ lực Mỹ và đồng minh. Ngày 26-4, Mỹ triệu tập 40 đồng minh để tiếp tục cung cấp vũ khí và trang thiết bị cho Ukraine trong tương lai, với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến lâu dài với Nga, để Nga bị mắc kẹt trong “vũng lầy chiến tranh”, từ đó đạt được mục tiêu “làm suy yếu hoàn toàn nước Nga”. Trên thực tế, thiết bị viện trợ quân sự được nâng cấp hóa. Kể từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, vũ khí và trang thiết bị mà Mỹ và các đồng minh cung cấp cho Ukraine đã liên tục được nâng cấp, từ tên lửa phòng không và tên lửa chống tăng cá nhân ban đầu đã từng bước được nâng cấp lên xe tăng T-72, xe bọc thép chở quân, tên lửa phòng không S-300. Hiện tại, viện trợ quân sự cho quân đội Ukraine đã có bước nhảy vọt với thiết bị công nghệ cao mới nhất - máy bay không người lái vũ trang, cùng nhiều vũ khí công nghệ cao mới nhất. Ngoài ra, Mỹ cũng phối hợp các nước châu Âu cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí tấn công như pháo hạng nặng, tên lửa chống hạm và máy bay trực thăng... Ví dụ mới nhất là việc Hà Lan đã viện trợ cho Ukraine loại lựu pháo tự hành PzH 2000-NL do Đức sản xuất.

Bên cạnh việc tiếp nhận vũ khí từ Mỹ và đồng minh, quân đội Ukraine đã bắt đầu cử người sang các nước láng giềng để học hỏi và huấn luyện sử dụng các loại vũ khí này, thậm chí một số loại vũ khí thuộc trang bị mới vừa được đưa vào sử dụng tại các nước thành viên NATO. Vũ khí công nghệ cao viện trợ cho Ukraine cùng quá trình “tiêu chuẩn NATO hóa” trang thiết bị quân sự của Ukraine đang từng bước được hoàn thiện, cho thấy mong muốn của Mỹ và phương Tây trong việc đánh bại Nga qua tay Ukraine.

Như vậy, thế trận đã ngày càng rõ. Cho dù Mỹ đã đánh tiếng có thể chấp nhận việc Ukraine không vào NATO nhưng vũ khí và trang thiết bị quân sự mà Kiev sử dụng hiện nay trong cuộc xung đột với Moscow đã chủ yếu là “hàng” do NATO sản xuất và theo chuẩn NATO. Các cam kết về tài chính kỷ lục của Mỹ và đồng minh cho Ukraine cùng với lượng vũ khí hạng nặng, hiện đại đổ vào quốc gia này đã thực sự làm tăng sức nóng trên các chiến trường.

Lẽ dĩ nhiên, kéo dài cuộc xung đột và mượn tay Ukraine để khiến Nga thất bại trên mọi lĩnh vực, kể cả quân sự không nằm ngoài toan tính của Mỹ và phương Tây. Nếu vậy, một nước Nga dù hùng mạnh đến đâu cũng không đủ sức chọi lại với hàng chục quốc gia giàu có với tiềm năng công nghệ và quân sự. Câu hỏi đặt ra là Nga có chấp nhận kịch bản này không? Câu trả lời là không. Một cuộc chiến kéo dài không chỉ có nghĩa là một cuộc chiến tiêu hao và thương vong lớn cho Nga và Ukraine, mà còn có thể dẫn đến nhiều rủi ro lan tỏa hơn. Vậy nên, với sức ép mà NATO gây ra đối với Nga qua việc gián tiếp chiến đấu với Nga ở Ukraine, một khi xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát, một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba có nguy cơ sẽ nổ ra như Nga đã cảnh báo.

Thanh Huyền