Vừa qua, Bộ TN&MT đã tổ chức hội nghị tổng kết Đề án thí điểm kiện toàn văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành một cấp trực thuộc Sở TN&MT theo Quyết định số 447/QĐ-TTg, ngày 17 tháng 4 năm 2012, của Thủ tướng Chính phủ.
Qua thí điểm có thể khẳng định, ngoài việc đóng góp quan trọng đối với công tác quản lý Nhà nước về đất đai như đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, tăng cường hơn nữa việc theo dõi của các cơ quan chuyên môn cấp trên, cập nhật chỉnh lý hồ sơ địa chính của địa phương, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính… VPĐKĐĐ một cấp còn đóng vai trò quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính.
Cụ thể như sau: giảm từ 62 xuống còn 41 thủ tục; người dân, doanh nghiệp được lựa chọn nơi đăng ký, tạo sự cạnh tranh giữa các cơ quan đăng ký, góp phần giảm bớt tình trạng nhũng nhiễu trong giải quyết các thủ tục; việc có các chi nhánh sẽ góp phần giảm chi phí đi lại và thời gian cho người dân và doanh nghiệp; tính chuyên nghiệp trong việc thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận (GCN) giảm nhiều.
Tại Hà Nam, thời gian cấp GCN lần đầu từ 33 ngày giảm xuống chỉ còn 12 ngày (ở Đà Nẵng là 15 ngày), cấp GCN quyền sở hữu tài sản giảm từ 30 ngày xuống còn 8 ngày (ở Đà Nẵng còn 10 ngày) và cấp đổi GCN giảm từ 20 ngày xuống còn 7 ngày. Số lượng GCN được cấp nhiều hơn, Thành phố Đà Nẵng cấp gần 40 nghìn GCN, nâng tỷ lệ đất chuyên dùng có GCN được cấp từ 39% lên 88%, Tỉnh Đồng Nai cơ bản hoàn thành việc cấp GCN; thành phố Hải Phòng cấp được hơn 11,7 nghìn GCN, nâng tỷ lệ cấp GCN cho các loại đất chính của thành phố tăng từ 78% lên 91,2%.
Vẫn còn không ít hạn chế
Tuy nhiên, khi triển khai VPĐKĐĐ một cấp ở các địa phương, do thiếu Thông tư hướng dẫn nên vẫn còn những hạn chế như: Việc xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu địa chính ở các địa phương chậm, chưa hỗ trợ tích cực để nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình; chưa thực hiện việc phân cấp quản lý và sắp xếp lại hồ sơ địa chính theo mô hình mới, chưa thuận tiện cho tra cứu, cập nhật, chỉnh lý thường xuyên.
Về cơ cấu tài chính và biến chế nhân sự cũng gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Theo đại diện một số Sở TN&MT cho biết: căn cứ theo Nghị định 43 của Chính phủ để thành lập VPĐKĐĐ, nhưng khi triển khai gặp không ít khó khăn, bởi số lượng cán bộ, nhân viên được biến chế rất ít. Một số trường hợp trước khi bàn giao về đã là cán bộ trong biên chế, nhưng sau khi bàn giao, Sở Nội vụ giao chỉ tiêu biên chế ít hơn nhiều, điều này ảnh hưởng đến tư tưởng của cán bộ, làm cho nhiều người không yên tâm công tác. Trong khi đó, cơ chế tài chính chưa rõ ràng nên không có kinh phí để trả tiền lương và các chế độ cho nhân viên hợp đồng.
Bên cạnh đó, trang thiết bị làm việc còn thiếu gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc cập nhật hồ sơ đăng ký vào cơ sở dữ liệu. Phòng làm việc của các chi nhánh hiện nằm trong trụ sở UBND các huyện, thành phố, không thuận tiện cho người dân đến giao dịch.
Giám đốc VPĐK QSDĐ quận 12 TPHCM -Trần Thanh Ngoan, cho rằng: “một trong những nhiệm vụ quan trọng của VPĐKĐĐ là cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, dữ liệu địa chính. Bởi, thời gian qua, chúng ta thực hiện nhiều dự án đo đạc, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Nếu không cập nhật thì các số liệu này chỉ vài năm sau năm là bị lạc hậu, không dùng được, đồng nghĩa với số tiền không nhỏ đầu tư cho công tác này trở thành lãng phí. Ngoài ra, Thông tư hướng dẫn cần quy định rõ việc phối hợp giữa VPĐKĐĐ với UBND các cấp theo nguyên tắc: Văn phòng cung cấp số liệu phục vụ việc quản lý Nhà nước cho địa phương, đồng thời cũng giám sát việc quản lý đất đai của địa phương”.
Để đến 31-12-2014, mô hình VPĐKĐĐ một cấp sẽ được thành lập và hoạt động hiệu quả trên toàn quốc, Ngành TN&MT khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản, hành lang pháp lý để sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc xây dựng cơ chế hoạt động cho các VPĐKĐĐ.
Dũng Nguyên