Tết thường có hai phần: Cúng tết và ăn tết. Cúng lễ gia thần, gia tiên, những vị thần thánh được thờ phụng. Ăn uống để bù cho những ngày làm lụng vất vả. Ngoài ra còn có kết hợp chơi tết với những hoạt động vui chơi, giải trí.
Dân tộc Kinh cúng tết Cơm mới vào trung tuần tháng Mười, có nơi cúng vào ngày mùng mười đúng vào ngày tết Trùng thập (10 tháng Mười). Cũng có nơi cúng đúng ngày tết Hạ nguyên (15 tháng Mười), lại có nơi cúng chậm hơn vào ngày 20 tháng Mười.
Tết Cơm mới còn gọi là tết Thường tân, diễn ra sau khi mùa màng đã thu hoạch xong. Theo truyền thống canh tác nông nghiệp xưa, một năm có hai vụ lúa chính là chiêm và mùa, vụ chiêm thu hoạch vào tháng Năm, vụ mùa thu hoạch vào tháng Mười, đây là vụ quan trọng nhất trong năm. Vào dịp này, các gia đình nông dân sau khi gặt lúa về, phơi khô, xay, giã lấy gạo mới thổi cơm cúng trời, tổ tiên để tạ ơn trời đất cho mùa màng bội thu, tổ tiên phù hộ con cháu sức khỏe, chăm chỉ làm ăn có thành quả mới. Đây cũng là bữa đầu tiên được ăn cơm mới, sau tháng giáp hạt khó khăn.
Nhân tết này, con cháu đã ra ở riêng thường mang gạo mới biếu ông bà, cha mẹ. Ở nông thôn Việt Nam, người ta thường làm các món như bánh dày, chè kho để cúng gia tiên rồi đem biếu người thân thuộc. Ở các đình làng, dân chúng cũng làm lễ cúng Thành hoàng.
Thu Thảo