Toàn cảnh Hội nghị

Sáng 10/11, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài trung ương, địa phương, các báo cáo viên tại TP.HCM.

Tại Hội nghị, Ông Lê Thanh Hải, đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cung cấp nhiều thông tin quan trọng về tác hại và thực trạng sử dụng thuốc lá (thuốc lá nung nóng, thuốc lá mới, các hình thức tiếp cận...) trong thời gian gần đây tại Việt Nam; cập nhật tình hình hoạt động và một số vấn đề ưu tiên trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam; làm rõ một số hiểu lầm về tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Thạc sĩ Đào Thái Sơn, Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu (Vital Strategies) cho biết, các nhóm sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) chứa nhiều chất độc, nguy cơ gây ra nhiều các bệnh mãn tĩnh: suy hô hấp, tim mạch, ung thư, bệnh về răng miệng, bệnh tiêu hóa như thuốc lá thông thường; thuốc lá điện tử làm tăng nguy cơ hút thuốc lá truyền thống, nguy cơ sử dụng ma túy với thuốc lá điện tử. Theo điều tra tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở Việt Nam người trưởng thành PGATS 2020: 52% người trong độ tuổi 15-24 từng nghe tới thuốc lá điện tử; 7,3% người trong độ tuổi 15-24 hiện đang sư dụng thuốc lá điện tử; nơi mua thuốc lá điện tử nhiều nhất là trên internet (25%).

Các sản phẩm thuốc lá mới thực chất vẫn chỉ là những sản phẩm độc hại mới, nếu không ngăn chặn sớm thì sẽ tạo ra một đại dịch mới đối với thế hệ thanh niên mới, tạo ra một đại dịch kép, tạo ra gánh nặng rất lớn cho Việt Nam.

Tham luận của Ths Nguyễn Hạnh Nguyên, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hạnh Nguyên, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam Các sản phẩm thuốc lá mới (TLĐT/TLNN) có chứa các chất độc hại, gây bệnh tật, tử vong, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người hút và người xung quanh, gây ra các tác hại về xã hội, kinh tế và môi trường; tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (TLĐT/TLNN) trong thanh thiếu niên Việt Nam đã gia tăng gần đây, đặc biệt ở học sinh nữ (năm 2019 học sinh từ 13-17 tuổi: Nam 3,6%, nữ 1,5% theo điều tra WHO-2019; năm 2021-2022 học sinh từ 13-15 tuổi: Nam 4,3%, nữ 2,8%  điều tra của Bộ Y tế; đặc biệt ở các thành phố lớn:Nam 12,39%, nữ 4,8% điều tra tại Hà Nội của Viện chiến lược và chính sách y tê năm 2000).

Việt Nam cần tăng cường các quy định về chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm TLĐT/TLNN để ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong thanh, thiếu niên. Cần ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng tại Việt Nam theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Trịnh Quốc Khánh