Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) vừa xây dựng kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.

Đồng thời, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững.

6 nhiệm vụ

Kế hoạch đặt ra 6 nhiệm vụ gồm:

1- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam đã được quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử; tổng hợp, đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để có kế hoạch đấu tranh, giải pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

2- Tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở để hoàn thiện cơ chế, chính sách thích ứng với pháp lý và tập quán quốc tế về hoạt động thương mại điện tử.

3- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thương mại điện tử, về các hành vi, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; xây dựng các kế hoạch tuyên truyền theo các chuyên đề để phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, tạo sức lan tỏa sâu, rộng để người dân tích cực, chủ động tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

4- Chú trọng nghiên cứu, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, thường xuyên bổ sung kiến thức nghiệp vụ, cập nhật các xu hướng phát triển công nghệ thông tin, nền tảng công nghệ mới cho các lực lượng chức năng đáp ứng yêu cầu, nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng, chống các đối tượng sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử.

5- Tăng cường công tác hợp tác quốc tế với các tổ chức có liên quan để phối hợp điều tra, xử lý đối với các tên miền, các website, mạng xã hội đối tượng ở nước ngoài và đối tượng sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng do nước ngoài cung cấp xuyên biên giới để hoạt động thương mại điện tử vi phạm pháp luật nước Việt Nam.

6- Khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; phát hiện, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có hành vi bao che, tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật.

Xử nghiêm hành vi lợi dụng thương mại điện tử để vi phạm pháp luật

Trong đó, Kế hoạch nêu rõ, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng khác tăng cường công tác rà soát, thanh tra, kiểm tra phát hiện xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ.

Đồng thời, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng, ngừng, tạm ngừng, thu hồi giấy phép trang thông tin điện tử, mạng xã hội, tên miền quốc gia Việt Nam “.VN” vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin ngăn chặn tên miền, địa chỉ IP quốc tế được sử dụng để vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử.

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ, lực lượng Công an các địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng khác chủ động nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu, chủ động phát hiện, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân; tổ chức đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm, tập trung điều tra, kết luận, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, những vụ việc phức tạp, nổi cộm trong việc lợi dụng thương mại điện tử để vi phạm pháp luật; tiếp nhận, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự do cơ quan chức năng khác chuyển đến.

VPCP