<!-- st1\:*{behavior:url(#ieooui) } -->   <!-- /* Style Definitions */ p.MsoNormal, li.MsoNormal, div.MsoNormal {mso-style-parent:""; margin:0cm; margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:12.0pt; font-family:"Times New Roman"; mso-fareast-font-family:"Times New Roman";} @page Section1 {size:612.0pt 792.0pt; margin:72.0pt 90.0pt 72.0pt 90.0pt; mso-header-margin:36.0pt; mso-footer-margin:36.0pt; mso-paper-source:0;} div.Section1 {page:Section1;} -->   <!-- /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman"; mso-ansi-language:#0400; mso-fareast-language:#0400; mso-bidi-language:#0400;} -->   Trái tim một chiến sĩ, một nhà báo, một nhà sử học quân sự đã ngừng đập nhưng di sản mà ông để lại vẫn mãi có giá trị, nêu một tấm gương sáng về sự cống hiến trọn đời mình cho quân đội.

Còn nhớ tháng 6-2008, ông đến Tòa soạn Báo CCB Việt Nam tìm tôi tặng cuốn hồi ký của ông vừa được NXB Chính trị quốc gia phát hành có tiêu đề "60 năm chiến đấu, làm báo và viết sử chiến tranh". Vẫn nhiệt huyết, sôi nổi và đầy sự lôi cuốn, ông trao đổi với tôi nhiều vấn đề thời sự nóng hổi của báo chí. Giữa năm 2009, Báo CCBVN tổ chức lễ trao giải cuộc thi viết "Sáng danh bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ", trao giải cuộc thi sáng tác mẫu măng-sét mới của Báo và xuất bản Phụ trương “Làm giầu”, tôi đến nhà mời ông tham dự thì lúc đó ông đã phải nằm điều trị căn bệnh ung thư vòm họng. Dù nằm trên giường bệnh, ông vẫn nói với tôi nhiều suy nghĩ sâu sắc về công việc làm báo thời nay. Tôi rất ấn tượng về ông bởi hơn 40 năm trước, giữa lúc cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước ở thời điểm quyết định, từ chiến trường Nam Khu 4, tôi được điều về công tác tại Báo QĐND mà ông là Tổng biên tập. Bảy năm công tác dưới quyền ông, tôi học hỏi được ông nhiều điều bổ ích. Từ năm 1978, ông được cấp trên điều đi công tác khác, tôi không có dịp được gần ông nhưng những đóng góp quan trọng của ông trong xây dựng và phát triển tờ báo chiến sĩ được nhiều thế hệ cán bộ, phóng viên Báo QĐND ghi nhận và đánh giá cao.

Hơn 60 năm trong quân ngũ, tiểu sử của Trung tướng Phó giáo sư Nguyễn Đình Ước được chia làm ba giai đoạn rõ rệt, cả ba đều được đánh dấu bằng những sự kiện nổi bật mà không phải một vị tướng - chiến sĩ nào của quân đội ta cũng may mắn có được. Sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước hiếu học ở xã Vũ Yển, huyện Thanh Ba, Phú Thọ, ông được cha mẹ hết lòng chăm sóc, được gửi về ăn học tại Hà Nội. Đầu năm 1945, vừa tròn 18 tuổi xuân, đang học trung học ở một trường danh tiếng ở Hà Nội thì xảy ra sự biến Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), ông đã bỏ học về quê, được giác ngộ cách mạng, tham gia cướp chính quyền ở quê ông - huyện Thanh Ba trong Cách mạng Tháng 8-1945. Ngay sau đó ông tham gia quân đội, đã trải qua nhiều nẻo đường chiến dịch, từ tiễu phỉ ở mặt trận Tây Bắc đầu năm 1946, đến các trận đánh nổi tiếng trong chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950, chiến dịch Hà Nam Ninh ở đồng bằng Bắc Bộ những năm 1951-1952 và đặc biệt là tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 1953-1954. Chín năm chiến đấu đi suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Pháp, 6 năm làm công tác xây dựng quân đội thời bình (1955-1961), ông đã nhanh chóng trưởng thành từ một chiến sĩ lên làm chính trị viên đại đội (năm 1946) rồi ở cán bộ cấp tiểu đoàn, trung đoàn, công tác ở nhiều đơn vị, trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh, sau đó về công tác tuyên huấn ở Bộ tư lệnh Pháo binh. Cuộc đời chiến đấu của ông là một trang sử đẹp. Những kinh nghiệm tích lũy được trong chặng đường này chính là nền tảng và tạo đà cho ông vươn tới đỉnh cao trong công tác ở hai thời khắc quan trọng: làm báo và viết sử chiến tranh.

Trung tướng Phó giáo sư Nguyễn Đình Ước có gần 20 năm làm báo. Năm 1961, ông được điều về làm Phó tổng biên tập Tạp chí QĐND (nay là Tạp chí Quốc phòng toàn dân). Bốn năm sau, ông được bổ nhiệm làm Phó rồi làm Tổng biên tập Báo QĐND, công tác liên tục 13 năm, để lại tấm gương về nhà báo chiến sĩ có tâm huyết, rất yêu nghề, tài năng và có tầm tư duy chiến lược. Báo QĐND do ông lãnh đạo đã có bước phát triển mới, từ tuần báo sang báo hằng ngày, từ tờ báo có số lượng phát hành còn hạn chế thành tờ báo chính trị - quân sự toàn quân, toàn quốc có uy tín và vị thế cao, đứng ở hàng đầu của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ông luôn đòi hỏi rất cao đối với cán bộ phóng viên, ông quan tâm và tạo điều kiện cho họ phát huy năng lực sáng tạo. Ông đã góp phần không nhỏ để có những bài báo đặc sắc, nổi bật như các bình luận chính trị, quân sự nổi tiếng ký dưới bút danh Chiến Binh, Chiến Thắng. Đây có thể coi là những bình luận báo chí mẫu mực. Để có những bài báo này, ông sáng tạo một cách làm độc đáo. Cuối giờ buổi chiều, sau khi xem tin tức sự kiện, ông quyết định đầu đề một bài bình luận và phác thảo đề cương. Sau đó ông mời một nhóm tác giả 4, 5 người, phân ra mỗi người viết một đoạn. Ông chắp nối, biên tập và viết thêm những đoạn cần thiết. Nhờ vậy mà chỉ sau vài giờ đã có một bình luận dài 5.000, 6.000 từ. Tôi nhớ các nhà báo Nghiêm Túc, Khắc Tiệp, Phan Hiền, Vũ Linh, Lê Kim, Duy Đức, Hồng Phương, Trần Khôi… cùng nhiều nhà báo khác đã tham gia vào nhiều bình luậân đặc sắc đó. Chú trọng cả tin tức, ảnh, điều tra, phóng sự, bút ký văn học và ngôn luận, Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước đã góp phần tạo nên phong cách làm báo rất sôi động và đầy hiệu quả ở Báo QĐND.

Năm 1978, ông được điều động đi đơn vị khiến nhiều cán bộ, phóng viên Báo QĐND nuối tiếc. Chia tay cơ quan, ông phát biểu những điều thốt ra tự đáy lòng. Hôm đó, ông rất xúc động, nhiều lần phải lấy khăn tay lau nước mắt. Nhưng ý thức kỷ luật của một cán bộ quân đội từng trải đã khiến ông vượt qua tình cảm, vươn lên với ý chí và nghị lực. Sau 5 năm làm Phó tư lệnh về chính trị Quân khu 4, một năm làm chủ biên công trình tổng kết công tác đảng, công tác chính trị trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Tổng cục Chính trị, ông được bổ nhiệm làm Phó viện trưởng, rồi Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam 15 năm (1984-1999). Tại đây, ông đã chuyên tâm lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp viết lịch sử quân sự, cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị thực tiễn và lý luận, góp vào kho tàng tổng kết lịch sử, nghệ thuật quân sự và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.

Là vị tướng chiến sĩ, nhà báo và nhà lịch sử quân sự, Trung tướng Phó giáo sư Nguyễn Đình Ước là nhân chứng và người trực tiếp tham gia vào nhiều sự kiện của đất nước, cả trong chiến tranh và xây dựng hòa bình, là một tên tuổi không chỉ nổi tiếng trong nước mà được nhiều chính khách, nhà quân sự nước ngoài biết đến và ngưỡng mộ. Ông đã tham gia nhiều hội thảo khoa học lịch sử ở trong nước và nước ngoài, đi thăm và trao đổi học vấn ở nhiều nơi, đặc biệt là Pháp và Hoa Kỳ, hai cường quốc từng gây hai cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Nếu không có thực tiễn và tầm nhìn xa rộng, hẳn ông không thể có những ứng phó sắc bén vào những tình huống khó xử. Chẳng hạn, năm 1999, Báo Thế giới - tờ báo danh tiếng hàng đầu thế giới của Pháp cử nhà bình luận nổi tiếng Jean Claude Pomonti sang Việt Nam gặp ông. Ông ta hỏi:

  • Có thể ví chiến thắng Điện Biên Phủ như các trận Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa được không?

Nguyễn Đình Ước trả lời:

  • Hoàn toàn được vì đây đều là những trận quyết chiến chiến lược.

Nhưng tiếp theo là câu hỏi khó:

  • Vậy tôi có thể ví Võ Nguyên Giáp như Trần Hưng Đạo, Quang Trung được không?

Nguyễn Đình Ước trả lời:

  • Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tài giỏi của Việt Nam có những đóng góp quyết định vào chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhưng muốn nói đến Điện Biên Phủ trước hết phải nói đến Hồ Chí Minh rồi mới đến Võ Nguyên Giáp…

Hoặc sau này, khi gặp Mắc Na-ma-ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời chiến tranh Việt Nam, cũng như nhiều chính khách, tướng lĩnh các nước, Nguyễn Đình Ước đều có những trả lời sắc bén, chính xác về các sự kiện ở Việt Nam. Không chỉ là một vị tướng tài năng, Trung tướng Phó giáo sư Nguyễn Đình Ước còn là một con người bình dị, giàu chất nhân văn. Đầu năm 1946, ông chiến đấu ở Tây Bắc bị sốt rét ác tính, được gửi vào nhà dân là bà giáo Bảo, ở bản Hủ, Tú Lệ, Nghĩa Lộ. Được bà chăm sóc tận tình, khỏi bệnh sau 15 ngày. Năm 1952, ông phụ trách một đơn vị pháo binh cùng Đại đoàn 308 đánh quân Pháp ở Nghĩa Lộ. Ngay trong đêm chiến thắng, ông về bản Hủ tìm ân nhân là bà giáo Bảo nhưng gia đình bà chuyển về Hà Nội. Suốt hơn 50 năm tìm kiếm, mãi đến năm 1999, ông mới tìm gặp được ông bà Đại, con bà giáo Hảo để tri ân.

60 năm, chiến đấu, làm báo và viết sử chiến tranh, Trung tướng Phó giáo sư Nguyễn Đình Ước là tấm gương cho nhiều đồng chí, bạn bè và thế hệ trẻ noi theo.

TRẦN NHUNG