Với sự kiện vịnh Bắc Bộ vào đầu tháng 8-1964, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đã mở rộng ra cả nước. Chuyện Không quân Việt Nam dùng máy bay MiG 17, MiG 19 bắn hạ những máy bay hiện đại của không quân Mỹ như F4, F6, B52… là chuyện “thần kỳ” của không quân nhiều nước.
Cuối năm 1964, Triều Tiên cử 384 chuyên gia quân sự, binh sĩ; trong đó có 96 phi công, nhân viên kỹ thuật không quân sang Việt Nam học hỏi.
Các chiến sĩ Không quân nhân dân Triều Tiên được Không quân Việt Nam tận tình chỉ bảo, truyền đạt tỷ mỷ những kỹ thuật lái máy bay MiG 17, MiG 19, chiến thuật tiêm kích trên không... Trong đó, có đặc điểm nổi trội của chiến tranh Việt Nam mà những binh sĩ Triều Tiên học hỏi được là nghệ thuật đánh du kích và khả năng lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, phản ứng nhanh trong những hoàn cảnh gian khó…
Khóa huấn luyện đạt được những kết quả tốt đẹp. Do đó, ngay trong năm 1965, khi không quân Mỹ đang bắn phá điên cuồng ở miền Bắc, các chiến sĩ không quân Triều Tiên đã xung phong ra trận, như những bài thực hành đích thực.
Được sống và tập luyện cùng bộ đội Việt Nam, thấu hiểu tinh thần yêu nước của dân tộc ta, chính vì thế, những binh sĩ Triều Tiên cũng đã bộc lộ lòng căm thù đối với đế quốc Mỹ. Họ ra trận chiến đấu mà không nghĩ hy sinh có thể xảy ra với mình.
Ngày 24-9-1965, trong trận đánh chặn cuộc oanh tạc của đế quốc Mỹ ở sân bay Kép (Bắc Giang), Ươn-hông-xang, 19 tuổi đã anh dũng hy sinh. Đó là trận đầu tiên được xuất kích của phi công trẻ kể từ khi sang Việt Nam học tập, chiến đấu. Ươn-hông-xang hy sinh khi mới xuất kích vì bị trúng tên lửa của đối phương.
Theo một số tài liệu, khi sang Việt Nam huấn luyện và chiến đấu, Ươn-hông-xang chưa có vợ. Sự hy sinh đầy quả cảm của anh càng thôi thúc tinh thần chiến đấu mạnh mẽ cho những người đồng đội khác… Trong 3 năm (1966-1968), các phi công Không quân Triều Tiên xuất kích, chiến đấu bên cạnh Không quân Việt Nam và có 14 binh sĩ hy sinh, đều giữ được hài cốt và được chôn cất chu đáo theo nghi thức nước bạn.
Để ghi nhớ công lao của những binh sĩ Triều Tiên, Nhà nước ta đã công nhận họ là những liệt sĩ ngay trong thời kỳ 1965-1969. Phía Việt Nam trao toàn bộ quyền tìm nơi đặt hài cốt liệt sĩ cho bên phía nước bạn.
Ông Dương Văn Dậu nhớ lại:
- Năm 1968, đích thân vị Tham tán Đại sứ quán Triều Tiên đi chọn nhiều nơi, qua mấy tỉnh, mới về quyết định đặt phần mộ cho 14 liệt sĩ tại thôn Tân Văn, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Ông Dậu dẫn chúng tôi ra nghĩa trang viếng các liệt sĩ Triều Tiên rộng khoảng 300m2, trên đỉnh đồi rừng Hoàng, cổng quay về hướng đông bắc, cách nhà ông Dậu chừng 1km. Chúng tôi nghiêng mình trước linh hồn các liệt sĩ bộ đội Triều Tiên. Còn người quản trang già, thương binh hạng 2/4 - Dương Văn Dậu thì lặng lẽ, quét dọn, nhổ cỏ, thắp hương. Rồi ông kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện mà ông chứng kiến trong những ngày mai táng các liệt sĩ Triều Tiên: - Khi mai táng, bên cạnh mỗi quan tài của liệt sĩ đều được Nhà nước Triều Tiên đặt một con cá chép hồng và một con chó đen. Dân làng tò mò hỏi, thì được bạn giải thích, đó là phong tục truyền thống trong mai táng của dân tộc Triều Tiên, nhất là với người hy sinh nơi đất khách...
Sau này ông Dậu và những người trong làng mới hiểu việc đặt cá chép hồng vào trong quan tài có ý nghĩa rằng khi mất đi họ sẽ được siêu thoát, con cá chép ấy sẽ theo sông ra biển lớn và đưa linh hồn họ về với đất mẹ.
Ngày đó, việc mua được 14 con cá chép hồng thật không đơn giản. Ở quanh khu vực, chỉ có ông Nguyễn Văn Đức quen đánh cá trên sông Thương mới tìm được loại cá chép hồng này. Cứ như được các liệt sĩ Triều Tiên phù hộ, từ sau ngày bán cá chép hồng cho bộ đội Triều Tiên chôn cất theo liệt sĩ, gia đình ông Đức làm ăn khấm khá hẳn lên. Ông đã thoát được cảnh sông nước, lên bờ dựng nhà, lập nghiệp.
Nhất là năm 1972, bom Mỹ ném vào khu vực sân bay Kép, nhà ông Đức đã bị trúng bom. Nhưng thật kỳ lạ và may mắn, đúng lúc đó cả 7 thành viên trong gia đình ông đều ở ngoài vườn nên thoát chết. Những năm sau này, ghi nhớ sự phù hộ và mách bảo của những linh hồn liệt sĩ Triều Tiên, năm nào ông Đức cũng đến viếng nghĩa trang và đứng lặng hàng giờ bên những hàng bia mộ.
Năm 2003, UBND tỉnh Bắc Giang đầu tư 100 triệu đồng xây dựng khu tưởng niệm, lư hương; ốp gạch, đá cho 14 ngôi mộ và ngày ngày CCB già Dương Văn Dậu không quản mưa nắng, rét mướt, tự nguyện quét dọn, thắp hương, chăm sóc cho các phần mộ liệt sĩ.
Ông nói: - Gia đình tôi ở gần nghĩa trang, nên tôi tự nguyện ra đây trông nom, quét dọn cho khu nghĩa trang. Tôi làm việc này như bất kỳ người Việt Nam nào để tưởng nhớ những chiến sĩ quân đội Triều Tiên đã hy sinh trên Tổ quốc ta...
Bài và ảnh: Dương Văn Hải