CCB Nguyễn Ngọc Sương (thứ hai, trái sang) tại Lễ công bố kết quả giám định AND xác định danh tính liệt sĩ (ảnh trái); CCB Nguyễn Ngọc Sương bên mộ đồng đội (ảnh phải).
“CCB Nguyễn Ngọc Sương là nguồn “tư liệu sống” giúp các cơ quan chức năng tìm thấy hàng trăm hài cốt liệt sĩ (HCLS) của Trung đoàn 25 Bộ binh cơ động thuộc Bộ Tư lệnh B3 - Quân khu 5” - chị Nguyễn Kim Oanh - Phó trưởng phòng Hồ sơ - Thông tin liệt sĩ, Cục Người có công, Bộ LĐTBXH đã nói về ông trong buổi làm việc với Ban Tổ chức - Chính sách, Hội CCB Việt Nam.
Năm 1972, Trung đoàn 400 sáp nhập với một số đơn vị khác để thành lập Trung đoàn 25 đóng quân tại vùng hậu cứ H5 - Đắk Lắk, ông Nguyễn Ngọc Sương được phân công làm trợ lý chính sách và trợ lý cán bộ của Trung đoàn 25. Công tác của người trợ lý chính sách trong thời chiến có nhiệm vụ tổng hợp các tin báo từ chiến trường về số lượng binh sĩ tử trận, bị thương và ghi chép chi tiết tên tuổi, quê quán, cấp bậc, địa điểm hy sinh, tọa độ mai táng để có thông tin báo tử về địa phương, gia đình. Sau khi nghỉ hưu, đối với ông Sương cuốn sổ ghi danh các đồng đội là sản quý nhất của mình, trong đó có 483 liệt sĩ.
Từng trang cuốn sổ cũ ghi chép cẩn thận, tỷ mỷ về thông tin các liệt sĩ đã tìm được và chưa tìm được, những chi tiết mà ông thu thập được sau mỗi chuyến đi đến các nghĩa trang của các tỉnh nơi Trung đoàn 25 từng chiến đấu. Sau những lần về chiến trường xưa, thăm gia đình các đồng đội, nghe những người mẹ già liệt sĩ luôn mong mỏi được đón con trở về quê hương, ông đã gác lại việc riêng để trực tiếp tham gia công tác tìm kiếm HCLS. Là người lính, ông hiểu rằng khi người lính ngã xuống đều chỉ được chôn cất đơn giản, có khi vừa chôn xuống lại bị bom đạn xóa mất dấu vết đánh dấu, nhiều nơi bị cày xới liên tục nên chỉ có những đồng đội trực tiếp chôn cất hoặc từng trải qua chiến đấu mới tìm ra được hài cốt. Nỗi day dứt luôn đau đáu, thôi thúc ông tiếp tục thực hiện tâm nguyện của mình bởi mới chỉ 295 HCLS của Trung đoàn được đưa về các nghĩa trang, mà trong số này có nhiều mộ chưa rõ tên. Sau nhiều năm tham gia công tác tìm kiếm HCLS, CCB Nguyễn Ngọc Sương và các đồng đội đã tìm, đưa hàng chục HCLS quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ.
Có những cuộc tìm kiếm hài cốt kéo dài nhiều ngày không thành công do cảnh vật đã đổi thay, do công tác di dời HCLS quy tập về các nghĩa trang, ông Sương vẫn kiên trì thu thập thông tin, thậm chí ghi chép lại cả những giấc mơ của mình. Hầu hết các chiến sĩ Trung đoàn 25 là người miền Bắc, còn ông vốn quê ở Nam Định nhưng đang sinh sống tại T.P Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), nên việc liên hệ với các gia đình liệt sĩ cũng gặp không ít khó khăn. Việc lấy mẫu thân nhân không đơn giản là có hồ sơ thì tiến hành được, bởi sau gần nửa thế kỷ, ở các địa phương có nhiều thay đổi. Nhiều tỉnh tách ra, nhiều tỉnh nhập vào, nhiều gia đình đã chuyển đến nơi khác sinh sống...
Để tiến hành tìm kiếm nguồn gen phù hợp với các liệt sĩ, ngoài việc liên hệ với Sở LĐTBXH các tỉnh, ông trực tiếp đến một số gia đình thân nhân liệt sĩ, gọi hàng trăm nghìn cuộc điện thoại... Tất cả chi phí ấy ông bỏ tiền túi để làm.
Trăn trở sau những cuộc tìm kiếm không thành công, ông đã tìm ra được một giải pháp “giám định tập thể” để tăng độ chính xác trong quá trình lấy mẫu giám định ADN đối chiếu với thân nhân, vừa tiết kiệm thời gian cũng như chi phí. Đề xuất của ông đã được Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk hoan nghênh và nhiệt tình hỗ trợ. Thay vì chọn lấy mẫu sinh phẩm của từng liệt sĩ, ông đề nghị lấy mẫu sinh phẩm của tất cả hơn 100 mộ liệt sĩ chưa có thông tin tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk đưa về Viện Pháp y Quân đội giám định. Về phần mình, ông nhận trách nhiệm kết nối với gia đình liệt sĩ đến lấy mẫu sinh phẩm để đối chứng. Có 70 gia đình đã đến Viện Pháp y Quân đội để lấy mẫu, nhưng chỉ có 45 trường hợp lấy mẫu đạt chất lượng. Niềm vui như vỡ òa khi ông nhận được tin: “Kết quả đã xác định thành công danh tính liệt sĩ cho 34/45 gia đình”. Ông đang tiếp tục liên hệ với những gia đình liệt sĩ còn lại tham gia lấy mẫu sinh phẩm.
“Hiện nay, còn khoảng 80 liệt sĩ của Trung đoàn 25 chưa được tìm thấy. Tôi vẫn tiếp tục hành trình “trả lại” tên cho các anh cho đến khi nào sức khỏe không cho phép. Tôi mong có thể hoàn thành trọng trách của mình cho trọn vẹn nghĩa tình đồng đội” - CCB Nguyễn Ngọc Sương xúc động nói.
Hồ Thanh Hương