Phối cảnh Dự án tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên và các Dự án phụ trợ mà Công ty Vĩnh Hưng xin đầu tư.

Dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5 theo hình thức hợp đồng BT, triển khai với kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho phía Đông nam Thủ đô, góp phần phát triển kinh tế - xã hội mạnh thêm. Tuy nhiên, thời hạn hoàn thành đã cận kề nhưng hiện tại vẫn chưa thể thực hiện. Đằng sau Dự án BT nghìn tỷ này là hàng loạt “lùm xùm” khó hiểu đến từ chính quyền sở tại và nhà đầu tư là Công ty CP Phát triển đầu tư hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng (Cty Vĩnh Hưng). Dư luận đặt ra câu hỏi, liệu dự án BT “khủng” này có tiếp tục bị đem ra “làm xiếc”?

"Gán" gần 60 ha đất “vàng” để… làm một con đường?

Ngày 28-7-2015, Cty Vĩnh Hưng có văn bản xin được giao triển khai thực hiện Dự án Xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường 2,5 gắn liền với đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở hai bên tuyến đường thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng và quận Hoàng Mai theo hình thức hợp đồng BT. Ngày 13-2-2017, UBND T.P Hà Nội có Quyết định số 1082/QĐ-UBND phê duyệt Dự án cho Cty Vĩnh Hưng. Theo quyết định quy mô dự án có tổng chiều dài khoảng 1.650m, mặt cắt ngang 40m-:-47,5m. Điểm đầu tuyến giao với đường Minh Khai, điểm cuối tuyến giao với đường vành đai 2,5. Các hạng mục đầu tư gồm nền mặt đường, vỉa hè, thoát nước, cấp nước, hệ thống hào cáp kỹ thuật, chiếu sáng, cây xanh, hệ thống biển báo an toàn giao thông. Dự kiến tổng vốn đầu tư cho dự án này khoảng 1.574,2 tỷ đồng. Nguồn vốn chủ sở hữu nhà đầu tư và nguồn vốn huy động khác.

Thế nhưng, theo quyết định UBND T.P Hà Nội thì Cty Vĩnh Hưng được khai thác gần 60ha để lập 5 dự án bán thu hồi vốn làm con đường. Cụ thể các khu đất sau: Dự án Khu nhà ở Ao Mơ với quy mô diện tích khoảng 22,9ha; Dự án xây dựng đồng bộ kỹ thuật khu di dân tổ 24, 25 với quy mô diện tích 11,29ha; Dự án ao Cây Dừa, diện tích khoảng 0,52ha; Dự án Khu sinh thái Vĩnh Hưng 11,9ha và Dự án khu chức năng đô thị Vĩnh Hưng - Thanh Trì  khoảng 13ha.

Quyết định 1082 cũng thể hiện thời gian thực hiện con đường từ quý I-2016 đến tháng 6-2019. Cty Vĩnh Hưng với tư cách nhà đầu tư chính sẽ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện Dự án một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, đến nay Dự án này vẫn chỉ là “vẽ” trên giấy dù thời gian hoàn thành dự án sắp đến…

Nhà đầu tư có “vấn đề” hay do…cơ chế?

Được biết, Dự án tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đã được UBND TP.Hà Nội chỉ đạo triển khai đầu tư từ năm 2004, gắn với dự án xây dựng nhà ở Ao Mơ (bao gồm khu đô thị và một phần đoạn tuyến đường qua dự án khoảng 954,9m) và dự án xây dựng phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật dân cư tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy (đoạn đường qua dự án khoảng 292,2m).

Thời điểm năm 2004, Dự án đầu tư xây dựng khu Ao Mơ được thành phố giao cho Công ty đầu tư Xây dựng Phát triển nhà số 7 Hà Nội (Handico 7), thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) làm chủ đầu tư.

Còn Dự án xây dựng phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật dân cư tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy, năm 2005, T.P Hà Nội giao Ban quản lý Dự án quận Hai Bà Trưng làm chủ đầu tư.

Khi chuyển chủ đầu tư, tại văn bản số 3132/KH&ĐT-ĐT ngày 24-9-2015 của Sở KHĐT Hà Nội đã có những cảnh báo nhiều vấn đề về Dự án mà như nhận định của một số người, thì dường như nhà đầu tư được hưởng lợi nhiều hơn, còn Nhà nước và hộ dân trong phạm vi giải tỏa Dự án sẽ bị “thiệt đơn thiệt kép”. Bởi, theo tờ trình của Cty Vĩnh Hưng thì ngoài xin đầu tư Dự án Xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, chủ đầu tư này còn xin đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở khu nhà ở Ao Mơ và khu dân cư tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy; đầu tư 2 tuyến đường phía bắc và phía nam Khu sinh thái Vĩnh Hưng để kết nối với khu nhà ở Ao Mơ. Tổng đầu tư của 3 Dự án này khoảng 3.127 tỷ đồng.

Trong khi đó tại Quyết định 1082 T.P Hà Nội phê duyệt cho Chủ đầu tư triển khai xây dựng tuyến đường hơn 1,6km, đổi lại chủ đầu tư được khai thác gần 60ha đất để hoàn vốn. Đã có ý kiến lo ngại cho rằng, 2 dự án như đề xuất còn lại trong tổng số 3 dự án của Cty Vĩnh Hưng nêu trên sẽ được cân đối ra sao?

Đáng chú ý, theo tìm hiểu của PV, trước và sau khi có Quyết định 1082 của Ủy ban Thành phố,

Cty Vĩnh Hưng đã dùng toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ dự án Đầu tư xây dựng đồng bộ kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở trên tuyến Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên (Dự án Ao Mơ) để đổi lại được khoản vay lớn từ Ngân hàng TMCP Việt Á chi nhánh Hà Nội. Đồng thời Cty Vĩnh Hưng cũng “cắm” toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ dự án “Đầu tư xây dựng phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy” cho ngân hàng này…

Theo quyết định và lộ trình kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành vào tháng 6-2019. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Dự án vẫn còn ngổn ngang! Cũng cần lưu ý thêm rằng, các khu đất dự kiến đối ứng cho nhà đầu tư để thực hiện các hoạt động khai thác thu hồi vốn được xem là đất “vàng” có giá “khủng” nằm tại các quận trung tâm thành phố. Dù được “ưu ái” khai thác các khu đất như vậy nhưng Cty Vĩnh Hưng vẫn không thể hoàn thành Dự án BT như quyết định phê duyệt? Liệu có gì uẩn khúc đối với một chủ đầu tư tầm cỡ như Cty Vĩnh Hưng ở dự án này?

Hoàng Thanh