Chứng cứ chính xác từ bản đồ cổ
Những ngày này khi cả nước đang hướng về Biển Đông, nơi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đang bị xâm phạm, hơn ai hết nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu vô cùng bức xúc. Ông bảo: Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam là một hành động trắng trợn, phủ nhận giá trị lịch sử tự nhiên vốn có của Việt Nam. Chúng ta có đủ cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đích thực đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Nói rồi, ông mở những tấm bản đồ cổ được bảo quản cẩn thận trong căn phòng riêng và giải thích tường tận cho chúng tôi những căn cứ chân thực từ 500 năm trước:
- Trung Quốc đã cố tình ngụy biện rằng, biển của Trung Quốc bao chiếm gần như toàn bộ Biển Đông. Họ công khai vẽ “đường lưỡi bò” như một sự xác lập chủ quyền vô căn cứ ở Biển Đông. Đây đích thực là dã tâm muốn độc chiếm Biển Đông, phớt lờ những bằng chứng được thể hiện trên bản đồ từ 500 năm trước… Từ xưa, các triều đại phong kiến Trung Quốc gọi nước ta với cái tên Giao Chỉ. Trong bộ bản đồ Võ bị chí, ghi lại cuộc hành trình của Trịnh Hòa từ năm 1405 đến năm 1433, đi từ Trung Quốc qua Ấn Độ Dương tới châu Phi có vẽ nước Giao Chỉ: Bắc giáp Khâm Châu (Trung Quốc), nam giáp nước Chiêm Thành, đông giáp biển cả mang tên Giao Chỉ dương - tức biển của nước Giao Chỉ. Đây là tư liệu cổ do chính Trung Hoa vẽ nước ta có cả vùng biển từ thế kỷ XV. Năm 1525, nhà hàng hải Bồ Đào Nha Diogo Ribeiro đã phát hiện quần đảo Pracel rất lớn, nằm giữa Biển Đông, thuộc chủ quyền nước Giao Chỉ. Đến thế kỷ XIX, người ta mới thấy rõ khối quần đảo Pracel là những hòn đảo nhỏ nằm rải rác từ Bắc xuống Nam. Ở Bắc gọi là quần đảo Hoàng Sa, ở Nam gọi là quần đảo Trường Sa. Cho nên, chưa cần xét chiều dài lịch sử xa hơn nữa thì cách đây ít nhất 500 năm, nước Giao Chỉ (Việt Nam ngày nay) đã bao gồm quần đảo Pracel, tức Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra, tôi đang có trong tay hàng trăm bản đồ khác, như: An Nam quốc đồ - Hồng Đức 1490; bản đồ An Nam do Alexandre Rhodes (vương quốc Anh) vẽ năm 1650; bản đồ Giao Chỉ quốc – 1621 (trong Võ bị chí)… Tất cả đều có một điểm chung là, dù với bất cứ tên gọi nào thì Hoàng Sa, Trường Sa vẫn thuộc Việt Nam. Ngay trong những bản đồ thế giới từ mấy trăm năm trước đã vẽ Việt Nam với đầy đủ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa dù chỉ bằng chấm nhỏ, ví dụ như bản đồ nước Giao Chỉ, do nhà họa đồ Jodocus Hondius (người Hà Lan) vẽ năm 1606.
Ngoài ra, còn hàng loạt bản đồ do chính Trung Quốc xuất bản cũng khắc vẽ bản đồ An Nam quốc với đường nét đúng kinh tuyến, vĩ tuyến rất rộng lớn. Ngoài khơi nước An Nam có ghi rõ Đông Nam hải, tức là biển Đông Nam. Như vậy, có thể thấy, hầu hết bản đồ cổ Việt Nam do các nước trên thế giới và Trung Hoa vẽ từ thế kỷ XV, thậm chí trước nữa cho tới đầu thế kỷ XX đều ghi tên vùng biển phía đông Việt Nam là “Giao Chỉ dương” hay “Đông Dương đại hải”, hoặc “Đông Nam hải”, có nghĩa là biển của Giao Chỉ - Việt Nam.
Cùng quan điểm với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, GS-TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch hội Sử học Việt Nam khẳng định: - Sau khi kết thúc thời Bắc thuộc, các vương triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn từng bước mở rộng cương giới xuống phía Nam, dần dần hình thành lãnh thổ, lãnh hải của nước Việt Nam thống nhất. Năm 1490, vua Lê Thánh Tông cho hoàn thành bộ “Hồng Đức bản đồ” gồm 13 xứ thừa tuyên, có vùng duyên hải chạy dài đến núi Thạch Bi (Khánh Hòa) và biển đảo tỏa ra Biển Đông. Đặc biệt, năm 1711, chúa Nguyễn Phúc Chu đã tổ chức khảo sát, đo, vẽ và quản lý Trường Sa hải chử (tức quần đảo Trường Sa ngày nay).
Và những dấu tích quản lý, văn hóa
Trong cuốn sách “Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu lần đầu tiên công bố, bao gồm 8 chương với những chứng liệu lịch sử khẳng định Việt Nam đã làm chủ đại bộ phận Biển Đông từ ngàn năm nay. Đây là những bằng chứng lịch sử thể hiện sự ghi nhận, xác định của các nước phương Tây, Trung Hoa xưa và Trung Quốc hiện đại về chủ quyền của Việt Nam đối với Biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa. Ngoài ra, nó còn chứng minh thực tế quản lý thực địa của bộ máy nhà nước thuộc các triều đại, các thời kỳ của Việt Nam đối với Biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa.
Với sự nghiên cứu địa lý, điền thổ, lịch sử, văn hóa tường tận suốt cả cuộc đời, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã đưa ra những cơ sở, lập luận khoa học, chính xác bác bỏ những yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông; đồng thời, khẳng định đanh thép chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa.
Lịch sử cũng đã ghi nhận, đến đầu thế kỷ XVIII, chủ quyền Việt Nam đã mở rộng tới tận Hà Tiên, mũi Cà Mau bao gồm các hải đảo ngoài Biển Đông và vịnh Thái Lan. Trực tiếp cai quản các hải đảo là đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải. Ở thời điểm đó chỉ có người Việt Nam làm chủ tại hai quần đảo này. Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã cho rằng, các hoạt động khai thác, quản lý Hoàng Sa, Trường Sa được duy trì đến đời Thiệu Trị, Tự Đức. Hai đội Hoàng Sa, Bắc Hải hoạt động hiệu quả dưới thời Gia Long cho đến những năm 20 của thế kỷ XIX mới sáp nhập vào đội thủy quân của triều đình Minh Mạng. Và, chính vua Minh Mạng đã đưa hoạt động chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa lên đỉnh cao nhất của thời quân chủ với nhiều hình thức và biện pháp như: vãng thám, kiểm tra, kiểm soát, khai thác hải sản, thu thuế, cứu hộ tàu bị nạn, vẽ bản đồ, lập bia chủ quyền và trồng cây xanh trên đảo…
Với những bằng chứng xác thực từ bản đồ cổ thì Pracel (Hoàng Sa, Trường Sa) đã được người Bồ Đào Nha phát hiện từ năm 1525 và xác nhận nó thuộc Việt Nam. Các triều đại phong kiến Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng Biển Đông nói chung.
Còn rất nhiều những tư liệu quý, những tấm bản đồ cổ chứng minh một cách chính xác nhất, khoa học nhất về chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa. Bởi vậy, cho dù Trung Quốc có ngang ngược, ngụy biện đến đâu cũng không thể thay đổi được lịch sử hiển nhiên rằng Hoàng Sa, Trường Sa đích thực của Việt Nam – điều mà cả thế giới công nhận.
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH