Ngày 12-11, tại Hà Nội, Hội CCB Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tổ chức toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Sửa đổi Luật Dầu khí để góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc”.

Tham dự Toạ đàm có các đồng chí Lê Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn; Nguyễn Hùng Dũng - Thành viên HĐTV Tập đoàn, Chủ nhiệm CLB Dầu khí Trường Sa; Phạm Quang Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Hội CCB Việt Nam, Ủy viên BTV Đảng ủy, Chủ tịch Hội CCB Tập đoàn; Trần Quang Dũng - Ủy viên BTV Đảng ủy, Trưởng ban Truyền thông và Văn hoá doanh nghiệp Tập đoàn; Nghiêm Thùy Lan - Ủy viên BTV Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam; Mai Thị Nhật Lan - Quyền Trưởng ban Ban Pháp chế và Kiểm tra Tập đoàn cùng các đồng chí lãnh đạo Hội CCB Việt Nam và Hội CCB các cơ quan Ban, Bộ, Ngành Trung ương.

Đồng chí Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Hội CCB Tập đoàn phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, đồng chí Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Hội CCB Tập đoàn cho biết đây là một trong những hoạt động thiết thực hướng đến kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống Ngành Dầu khí Việt Nam (27-11-1961 – 27-11-2021). Tọa đàm được tổ chức nhằm tuyên truyền, giới thiệu, những nội dung cơ bản về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Thông qua buổi toạ đàm, các đại biểu sẽ cùng đánh giá, trao đổi về các nội dung quan trọng của dự thảo Luật Dầu khí và đề xuất các ý kiến, quan điểm của mình, đóng góp thiết thực vào việc sửa đổi Luật Dầu khí, tạo điều kiện cho ngành Dầu khí có những đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Lê Ngọc Sơn phát biểu tại buổi toạ đàm

Tại buổi Toạ đàm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Lê Ngọc Sơn chia sẻ, trải qua 60 năm hình thành và phát triển, đến nay, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò khai thác – phát triển công nghiệp khí – điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng. Bên cạnh đó, Tập đoàn đã hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, có đóng góp to lớn cho ngân sách Nhà nước, cho phát triển kinh tế - xã hội, tích cực phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên Biển Đông. Thông qua buổi Toạ đàm hôm nay, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam mong muốn được đón nhận nhiều ý kiến, quan điểm xây dựng của các nhà khoa học, các chuyên gia, đại biểu là các CCB về xây dựng Luật Dầu khí sửa đổi.

Trao đổi, thảo luận tại tọa đàm, các đại biểu đều cho rằng, Luật Dầu khí ra đời năm 1993 là mốc quan trọng đánh dấu sự hình thành của hệ thống các văn bản pháp lý về dầu khí. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế và trong nước đã có nhiều thay đổi, tác động lớn đến sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam. Các hoạt động dầu khí đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc chưa được điều chỉnh. Đặc biệt, với đặc thù lĩnh vực dầu khí, không thể áp dụng những quy định chung chung, cần có quy định, cơ chế đặc thù. Vì vậy, việc xây dựng Luật Dầu khí cho phù hợp với bối cảnh mới để loại bỏ các bất cập, vướng mắc phát sinh, đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí là cần thiết. Thông qua thảo luận, các đại biểu đã có nhiều đóng góp thiết thực về các vấn đề quan trọng trong quá trình xây dựng Luật Dầu khí sửa đổi như về quy định phù hợp cho việc tiếp nhận tài sản sau khi nhà thầu chuyển giao cho nước chủ nhà vào thời điểm kết thúc hợp đồng dầu khí để có thể khai thác tận thu tối đa nguồn tài nguyên trong thời gian còn lại; Quy định về thời hạn hợp đồng, gia hạn của hợp đồng dầu khí; cơ chế xử lý các vấn đề rủi ro, đặc biệt trong hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí…

Hoàng Linh