Các chiến sĩ chuẩn bị xuất ngũ tìm hiểu truyền thống tại Phòng truyền thống Trung đoàn 31, Sư đoàn 309.

Đầu tháng 1-2023, những chiến sĩ sau 2 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự được xuất ngũ, trở về địa phương. Nguyện vọng - cũng là nhu cầu chính đáng của mọi người, là sau khi xuất ngũ sẽ sớm có việc làm để ổn định cuộc sống. Nắm bắt được nguyện vọng đó, Sư đoàn 309, Quân đoàn 4 đã tổ chức nhiều hoạt động hướng nghiệp cho chiến sĩ nghĩa vụ.

Trước khi nhập ngũ vào Trung đoàn 31, Sư đoàn 309, chiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm tốt nghiệp Trung học phổ thông. Anh được xuất ngũ trở về địa phương đầu tháng 1-2023. Trong thời gian trước khi anh em xuất ngũ, đơn vị tổ chức các buổi sinh hoạt, tọa đàm định hướng nghề nghiệp cho chiến sĩ. Được tham gia các buổi sinh hoạt như vậy, chiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm đã cơ bản định hình cho mình công việc cần làm sau khi xuất ngũ: “Sau khi được hướng nghiệp thì cũng có nhiều nghề, nhiều trường để định hướng cho bản thân em. Em cũng đang phân loại và tìm một cái nghề phù hợp với bản thân, năng lực của mình”.

Theo Thượng úy Nguyễn Văn Đệ - Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 7 thì trong số hơn 100 chiến sĩ sắp xuất ngũ của đơn vị, có chiến sĩ đã tốt nghiệp đại học hoặc đã từng làm công nhân trong các khu công nghiệp, lại có chiến sĩ trước khi nhập ngũ là lao động tự do. Ai cũng có những dự định riêng sau khi xuất ngũ. Trong thời gian tại ngũ, khi có các công việc của đơn vị, cán bộ đại đội và trung đội đều phân công cho các chiến sĩ có nghề nghiệp và sở trường phù hợp với tính chất công việc. Đó cũng là biện pháp để bộ đội giữ được nghề trong thời gian tại ngũ: “Nhiều đồng chí biết hàn thì chúng tôi sử dụng vào làm các học cụ đầu năm. Còn đối với các đồng chí có năng khiếu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thì chúng tôi đưa vào các đội văn nghệ của đơn vị. Những đồng chí biết xây thì đơn vị sử dụng các đồng chí này làm công việc liên quan như làm mô hình chậu cảnh”.

Cũng với cách làm như Thượng úy Nguyễn Văn Thệ vừa chia sẻ mà chiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã có nhiều dịp được rèn luyện và sử dụng tay nghề sửa điện của mình. Tốt nghiệp Trường cao đẳng kỹ thuật Vĩnh Long, Thiện có việc làm ổn định tại một công ty chuyên về chiếu sáng đô thị. Khi vào quân ngũ, anh cũng có dịp được sử dụng tay nghề của mình, như sửa chữa đèn nháy trong các bia tập bắn đêm, bố trí điện nháy trang trí Tết của đơn vị… Thiện dự định sau khi xuất ngũ sẽ tiếp tục gắn bó với nghề của mình: “Trong hai năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, em cũng được đơn vị tạo điều kiện cho học tập và tiếp tục duy trì tay nghề sửa điện của mình. Còn nguyện vọng sau khi xuất ngũ, thì em tiếp tục đi học hỏi để nâng cao tay nghề của bản thân, sau đó em sẽ tiếp tục với nghề này”.

Sự quan tâm của đơn vị đã tạo điều kiện cho nhiều chiến sĩ thực hiện được ước mơ của mình. Tại Trung đoàn 31, nhiều chiến sĩ đã thực hiện được điều đó ngay trong thời gian còn tại ngũ. Trung tá Lê Văn Hiệp - Phó chính ủy Trung đoàn 31 cho biết: “Cùng với việc định hướng nghề nghiệp, đơn vị tạo thuận lợi cho chiến sĩ chuẩn bị xuất ngũ ôn thi vào các học viện, nhà trường quân đội. Nên trong thời gian qua, trong số chiến sĩ được ôn thi vào các trường đại học, đơn vị có 3 đồng chí thi đỗ vào Trường sĩ quan Thông tin và sĩ quan Công binh. Đến nay anh em đã hoàn thành thủ tục và đã nhập học”.

Trước khi giải quyết cho bộ đội xuất ngũ, Sư đoàn 309 còn phối hợp chặt chẽ với các cơ sở dạy nghề trong và ngoài Quân đội cũng như các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động để các quân nhân trực tiếp được gặp gỡ, đối thoại. Qua đó, chiến sĩ có thêm thông tin về thị trường lao động, từ đó định hình rõ hơn về xu hướng nghề nghiệp, đăng ký học nghề phù hợp với bản thân.

Đại tá Vũ Văn Tám - Phó chính ủy Sư đoàn 309 cho biết: “Thực tế cho thấy, với lợi thế tuổi trẻ có sức khỏe tốt, lại được rèn luyện trong môi trường Quân đội có tính kỷ luật cao, có ý chí quyết tâm và kiên trì với công việc, phần lớn quân nhân của Sư đoàn sau khi xuất ngũ đều có việc làm ổn định. Nhiều đồng chí đã phát huy được thế mạnh, tìm kiếm được công việc có thu nhập cao, góp phần ổn định cuộc sống gia đình, xây dựng quê hương”.

Theo Thông tư liên tịch số 04, năm 2010 của Bộ Tài chính và Bộ Quốc phòng, khi bộ đội xuất ngũ học nghề ở trình độ sơ cấp sẽ được cấp thẻ học nghề. Thẻ này có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương tối thiểu tại thời điểm học nghề, và có giá trị trong 1 năm kể từ ngày cấp thẻ. Đây cũng là chính sách thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với bộ đội xuất ngũ. Qua đó, vừa góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ, vừa động viên thanh niên các địa phương lên đường nhập ngũ, đóng góp sức trẻ cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

          Trường Giang