Cục Y tế dự phòng Việt Nam dự báo tháng 8, 9 là thời điểm sốt xuất huyết ở giai đoạn đỉnh dịch theo chu kỳ vì thời tiết mưa sớm và bất thường, cùng với tốc độ đô thị hóa, thời điểm dịch chuyển của hàng triệu học sinh, sinh viên nhập học nên nguy cơ dịch sốt xuất huyết tăng cao và lan rộng. Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp Ông Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Trưởng ban Quản lý dự án phòng chống sốt xuất huyết cho biết, bệnh sốt xuất huyết là một trong những bệnh gây dịch nguy hiểm. Đến thời điểm tháng 8 năm nay dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu tăng lên tại các địa phương. Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, trong bảy tháng đầu năm 2012, cả nước ghi nhận gần 39.900 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó các tỉnh phía Nam chiếm tỷ lệ lớn gần 90% ca mắc bệnh (hơn 35.000 trường hợp), tăng 14% so với cùng kỳ năm 2011. Đáng báo động, trong 10 tỉnh, thành có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất cả nước thì phía Nam có tới 9 tỉnh, thành với tỷ lệ mắc hơn 100 ca/100.000 dân. Tại Hà Nội, số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết vẫn còn ít, chưa đáng lo ngại. Từ đầu năm đến giữa tháng Tám, đã có 78 trường hợp mắc sốt xuất huyết vào điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Dự báo trong thời gian tới, bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng. Cũng trong bảy tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 26 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết và các tỉnh phía Nam chiếm tới gần 81%, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai đứng đầu, đều có 5 trường hợp tử vong. Đánh giá về tình hình dịch bệnh này tại Việt Nam, ông Dương cho hay, nhìn chung tình hình của Việt Nam cũng diễn biến gần như tương tự với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia. Bệnh này có diễn biến theo chu kỳ khoảng 3-5 năm lại tăng, sau đó có xu hướng giảm và lại tăng. Không nên thờ ơ với bệnh Ông Dương phân tích, nguyên nhân khiến nhiều người mắc bệnh sốt xuyết huyết là do bệnh chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Bên cạnh đó, thời tiết năm nay diễn biến phức tạp mưa sớm, mưa nhiều và tốc đô thị hóa nhanh khiến mật độ muỗi phát sinh nhiều khiến cho bệnh này lây lan nhanh. Thêm vào đó còn do vị trí địa lý Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành dịch sốt xuất huyết trên thế giới. Nhưng phải kể đến một yếu tố và tác nhân gây dịch bùng phát do ý thức chủ quan con người. Có một thực trạng đang tồn tại khá phổ biến ở nhiều địa phương là hiện nay người dân cho rằng dịch sốt xuất huyết là loại dịch... quen, năm nào cũng xảy ra nên địa phương và người dân chủ quan thờ ơ trong việc tự giác diệt muỗi, loăng quăng… để phòng bệnh, chỉ đến khi dịch bùng phát mới vào cuộc chữa cháy. Ông Dương cho hay, biện pháp phòng bằng vắc-xin là biện pháp rất quan trọng và hiệu quả nhất. Hiện nay, một số bệnh khác Việt Nam đã có vắc-xin như tả, viêm gan, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi. Tuy nhiên, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu, nên việc phát triển một vắc-xin phòng bệnh hiện nay thì cả thế giới đang nỗ lực nghiên cứu Theo ông Dương, Việt Nam đang phối hợp với các viện vắc-xin quốc tế và tổ chức Sanofi tiến hành thử nghiệm ở một số địa phương để xác định vắc-xin này có tốt cho người hay không, có an toàn hay không và hy vọng vắc-xin này có thể sử dụng được trong những năm tới ở Việt Nam. Vì vậy, ông Dương khuyến cáo, để hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng thì yếu tố hiệu quả nhất ngăn chặn sự lây lan của bệnh là người dân cần có ý thức dự phòng tốt. Người dân cần quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe, tham gia phát quang bụi rậm, khai thông cống rãnh, diệt lăng quăng, diệt muỗi và phun hóa chất diệt muỗi… xung quanh môi trường sống không để có muỗi thì bệnh này sẽ giảm xuống. Hải Linh (TH)