Kì I: Doanh nghiệp là động lực quan trọng

Có thể chúng ta đã quen với cụm từ: “…cứu nước đã khó nhưng bảo vệ - giữ và phát triển còn khó hơn nhiều…”. Quả thực, khi được hoà bình thì công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước, cụ thể là làm thế nào vừa ổn định chính trị - kinh tế, nhưng đời sống nhân dân phải được nâng cao, và phát triển. Ở loạt bài này, xin bàn về góc độ nâng cao đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế đất nước.

Xin lấy mốc từ năm 1986 tới nay, khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI mở ra con đường mới cho sự phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng đất nước. Ngay đầu thời kì này, nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã được thể hiện rất rõ – các loại doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và làm ăn thật sôi động. Doanh nghiệp tư nhân, liên doanh, nước ngoài phát triển như nấm, ngược lại nhiều doanh nghiệp nhà nước thì gặp không ít khó khăn- hoặc “lúng túng” trong cơ chế quản lí mới. Sau 10 năm (1996), rồi 20 năm tổng kết (2006) cho thời kì nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, thì phần nào Việt Nam đã mang ít nhiều hình ảnh “kinh tế thị trường”. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là bộ mặt của đất nước và đời sống của nhân dân thay đổi rõ nét theo hướng tích cực.

Lúc 17giờ, ngày 7-11-2006 (theo giờ Hà Nội - Việt Nam), tại trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở Geneve (Thuỵ Sĩ), Ngài Erik Gtenne - Chủ tịch Đại hội đồng WTO đã gõ búa, chính thức xác nhận Việt Nam là thành viên thứ 150 của tổ chức này và sẽ có hiệu lực từ ngày 11-01-2007. Sự kiện này đã đánh dấu một bước ngoặt cho quan hệ thương mại thực sự, rộng mở hơn giữa Việt Nam và thị trường thế giới. Đồng thời cũng từ sự kiện trên, từ sự chỉ đạo vĩ mô cho tới hoạt động vi mô trong lĩnh vực thương mại cũng như đầu tư phát triển kinh tế của các loại hình doanh nghiệp trong nước càng thêm sôi động và phức tạp hơn. Tính theo xuất phát điểm của nền kinh tế nước ta, có những năm Việt Nam là một trong những nước có sự tăng trưởng về kinh tế hàng đầu thế giới. Mặc dù tăng trưởng kinh tế hằng năm của nước ta khá cao so với thế giới, nhưng nền kinh tế Việt Nam còn nghèo cho nên sự tăng trưởng đó hiệu quả chưa được cao - Việt Nam vẫn xếp hạng trong số các nước nghèo, đang phát triển.

Vấn đề then chốt cho sự hoạt động và phát triển kinh tế của nước ta chưa có hiệu quả đích thực và cao là phần nào do hệ thống pháp luật chưa được rõ, chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn; Thứ hai: Năng lực trình độ quản lí doanh nghiệp kém hoặc chưa thật; Thứ ba: Đạo đức, ý thức văn hoá doanh nghiệp chưa được thể hiện (chỉ những doanh nghiệp – doanh nhân chưa tốt), đặc biệt tính cộng đồng chưa phát huy. Thể hiện rõ là trong quan hệ doanh nghiệp chưa được lành mạnh, còn “giữ miếng”, “lừa miếng” nhau để giành giật, chiếm thị trường lẫn nhau (người xưa có câu: Khôn ngoan đá đáp người ngoài). Trong sản xuất, doanh nghiệp còn phạm nhiều luật, như: Hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; rồi gây ô nhiễm môi trường trầm trọng; sản phẩm chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và quảng cáo một đằng- hiệu quả một nẻo; nổi trội hơn, có thời kì thành hội chứng - quốc nạn là các loại dự án kém hiệu quả- thậm chí còn có nhiều dự án gây tổn thất nặng về vốn đầu tư, không có hiệu quả. Đáng bàn nữa là nhiều doanh nghiệp còn gom hàng để chờ cơ hội kiếm lời, có những trường hợp doanh nghiệp còn “thông đồng” để cùng gìm giá- tăng giá làm loạn thị trường. Bất thành văn, nhưng thực tế hiện nay câu cửa miệng của nhiều người (loại trừ những người nghèo…!) động một cái là giá vàng – đô la thế này, thế khác… và dần có nguy cơ là đồng đô la và vàng sẽ thay thế đồng tiền Việt Nam của chúng ta trong giao dịch của đời sống xã hội- đây là một vấn đề cực kì nguy hại cho nền kinh tế dân sinh của đất nước (vì nước ta phần đa là nông nghiệp – nông thôn và còn nghèo). Thói quen và nạn trên do đâu mà ra (?!), cũng chung qui là từ các doanh nghiệp phát ra cả. Họ cứ lấy cớ là giá vàng- đô la thế giới lên cao, cho nên phải thế này thế kia. Xét về một góc độ nghiêm túc, thì đâu có phải tất cả sản phẩm trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào giá vàng và đô la. Vì thực tế, nhiều sản phẩm trong nước sản xuất được đâu cần phụ gia nhập khẩu mà còn xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Chuyện khó hiểu hơn, hiện nay việc tăng giá vàng – đô la ảnh hưởng đến ngay cả việc rửa xe, đánh giầy, trông giữ xe, như vậy có thể nói là tình hình lạm phát ở nước ta đã rõ rệt.

Thực tế cho thấy, ngân sách quốc gia có lớn hay không là phụ thuộc phần lớn vào doanh nghiệp – doanh nhân hoạt động trên lãnh thổ nước ta. Cho nên mong các doanh nghiệp – doanh nhân cả nước hãy nêu cao tinh thần dân tộc, cùng Đảng – Nhà nước và nhân dân chia sẻ khó khăn trong đời sống- xã hội. Phát huy truyền thống cao đẹp tương thân tương ái và tính cộng đồng của dân Việt Nam ta…

(Còn nữa) Kì II: Dân làm chủ Người Dân