Gần một phần tư thế kỷ qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 thuộc Bộ tư lệnh Vùng H. Hải quân, bao gồm con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước, đã gác lại tình cảm riêng tư, gác lại bao ước mơ, hoài bão và những khát vọng lớn lao của tuổi trẻ để thay nhau có mặt ở nơi này; làm nhiệm vụ trên các nhà giàn thuộc thềm lục địa phía Nam muôn vàn khó khăn, gian khổ, thời tiết khắc nghiệt…
Vào những năm 1990, 1996, 1998 và năm 2000, mặc dù Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân chủng Hải quân và nhân dân cả nước đã làm hết sức mình, nhưng do thiên nhiên hung dữ và sự tàn phá khủng khiếp của bão tố đại dương, đã làm đổ một số nhà giàn, nơi nhiều cán bộ, chiến sĩ hải quân đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ. Trong thời khắc bão tố, giữa cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc, các anh đã tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, bám trụ đến cùng, chấp nhận sự hi sinh.
Đó là tấm gương dũng cảm, kiên cường của cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần. Chiều ngày 4-12-1990, cơn bão số 10 ập đến, có sức gió giật trên cấp 12. Dưới sự chỉ huy của trung uý, Trạm trưởng Bùi Xuân Bổng và thượng úy, Trạm phó, Chính trị viên Trần Hữu Quảng, các anh đã ra sức chống chọi với bão tố. Nhưng đêm đen bao trùm lên không gian; giông gió mỗi lúc mạnh thêm, quật đổ nhà giàn, cuốn trôi cả 8 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có thượng uý Nguyễn Hữu Quảng. Anh đã nêu cao vai trò của người bí thư chi bộ, người chính trị viên, luôn bám sát, động viên đồng đội chống chọi với sóng dữ. Sau nhiều giờ vật lộn trong bão tố, Quảng thoáng nghĩ, nếu mình sống thì người chiến sĩ trẻ và yếu nhất đơn vị kia sẽ hi sinh. Cuối cùng, anh quyết định nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô của mình cho đồng đội rồi ra đi vào cõi vĩnh hằng…
Lại nữa. Năm 1998, cơn bão số 8 hung dữ và tàn khốc làm Nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên bị nghiêng lắc, rung chấn dữ dội. Với tinh thần “còn người, còn nhà trạm”, cán bộ, chiến sĩ kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy; bình tĩnh, dũng cảm chống chọi với trận cuồng phong. Nhưng sức người có hạn; nhà giàn bị đổ, cả 9 cán bộ, chiến sĩ bị sóng hất tung xuống biển, ba người hi sinh. Đó là đại uý, trạm trưởng Vũ Quang Chương, chuẩn úy Lê Đức Hồng, chuẩn úy Nguyễn Văn An. Đặc biệt, anh An ra đi để lại nỗi đau vô hạn cho người vợ trẻ và đứa con mới chào đời; bố chưa biết mặt con. Đại uý liệt sĩ Vũ Quang Chương, người đã cuốn lá cờ Tổ quốc vào người trước lúc hi sinh. Bố anh là CCB chống Mỹ, bị nhiễm chất độc da cam, di truyền cho hai đứa em của anh cũng là người tàn tật. Gia đình chỉ có Chương, sinh trước ngày cha đi chiến trường là khoẻ mạnh. Vậy mà giờ đây thi thể anh đã gửi vào đại dương. Ông cụ ra tận chân nhà giàn, xin một nhánh san hô dưới đáy biển, mang về thờ con!...
Ngoài ra, còn có những tấm gương dũng cảm, quên mình, tìm kiếm cứu vớt đồng đội bị nạn, không một chút so đo, tính toán như thượng uý Phạm Tảo, thượng uý Trần Văn Là, chuẩn uý Lê Tiến Cường và hai chiến sĩ Tạ Ngọc Tú, Hồ Văn Hiền. Thi thể của các anh cũng vĩnh viễn nằm lại với biển khơi.
Đoàn đại biểu Đảng uỷ khối Cơ quan T.Ư, đại biểu các bộ, ngành, đoàn thể T.Ư và đại biểu chính quyền nhân dân TP Đà Nẵng trước khi lên thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/14, đã neo tàu lại ở vùng biển Phúc Tần, thuộc thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ và thả hoa tri ân hương hồn các anh. Trên boong tàu, trước bàn thờ nghi ngút khói hương, không khí trang nghiêm, thành kính, Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật, Phó bí thư Đảng ủy Quân chủng Hải quân, Phó trưởng đoàn đại biểu đọc diễn văn tưởng niệm, trong đó có đoạn “…Trong giờ phút thiêng liêng này, các thành viên của đoàn bùi ngùi xúc động, bày tỏ lòng thành kính, tiếc thương vô hạn các anh; xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh những liệt sĩ. Gương hi sinh của đồng đội đã trở thành biểu tượng cao đẹp, sáng ngời phẩm chất của người chiến sĩ hải quân trong thời kỳ mới của cách mạng.
Đoàn xin chia sẻ, đồng cảm và biết ơn sâu sắc các gia đình thân nhân liệt sĩ; những người cha, người mẹ, người vợ đã dâng hiến người thân yêu nhất của mình cho Tổ quốc…”.
Đoàn đại biểu với 200 thành viên đã xúc động, lặng lẽ cúi đầu mặc niệm và thả những bông hoa tươi thắm xuống biển Đông mùa lặng gió. Ai nấy, lòng dặn lòng sẽ sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn, góp phần làm cho Nhà giàn DK1 ngày càng vững chãi, trường tồn.
Và đúng như điều mong ước, các nhà giàn hôm nay đã chắc chắn hơn, cao hơn, rộng và khang trang hơn. Những nhà giàn thế hệ đầu, giờ chỉ còn trong ký ức, đánh dấu giai đoạn rất gian khó, hiểm nguy… Đặc biệt, hệ thống năng lượng sạch và chiếu sáng đã đưa vào sử dụng, nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần; phủ sóng truyền hình, phủ sóng điện thoại, xích gần nhà giàn với đất liền.
Đoàn đại biểu lên thăm Nhà giàn DK1/14. Ngày 20-4-1995, khung đơn vị Nhà giàn DK1/14 tiếp nhận Trạm kinh tế - khoa học – dịch vụ Tư Chính E. Đến tháng 12-1999, bộ đội khung nhà giàn này phải rút vào bờ vì bị sóng đánh xô nghiêng. Các đơn vị kỹ thuật nhà nước khẩn trương tu sửa, gia cố, có 6 cột chống, chôn sâu xuống thềm san hô. Năm 2001, bộ đội khung Nhà giàn DK1/14 tiếp tục trở lại chốt giữ, bảo vệ trạm dịch vụ Tư Chính E. Hiện nay, nhà giàn chịu đựng được gió bão cấp 9, cấp 10, theo lý thuyết, có thể chịu được “siêu bão”.
Ngày bình thường, sóng ở khu vực Nhà giàn KK1/14 lên tới cấp 3, cấp 4, thậm chí cấp 5. Do vậy, hôm đoàn đến thăm bộ đội ở đây, để bảo đảm an toàn, Ban tổ chức chỉ chọn ngót ba chục đại biểu xuống xuồng, trầy trật lên nhà giàn; số đông còn lại, ở trên tàu, “chiêm ngưỡng” từ xa… Có người nói, nhà giàn trông như cái chòi, chênh vênh, nhỏ nhoi giữa biển khơi bao la. Song cái chòi đó không phải để “coi cá” mà là điếm canh, là cột trụ bằng sắt thép để xác lập, canh giữ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Phải nói rằng, làm được Nhà giàn DK1/14 cũng như hàng chục nhà giàn khác, phải công phu lắm, trí tuệ, tài giỏi lắm mới có thể đứng vững, chống chọi với lốc xoáy, bão giông, sóng dữ… Hơn nữa, trong các nhà giàn, có những con người, những cán bộ, chiến sĩ được tôi rèn ý chí kiên cường, dũng cảm, đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại.
Ở Nhà giàn DK1/14, chỉ huy trưởng là trung tá Nguyễn Văn Hùng; Chính trị viên, trung tá Trần Sĩ Hoành và Chỉ huy phó là đại úy Đỗ Văn Chính. Ba anh quê ở ba tỉnh Hải Phòng, Nghệ An, Hà Nam; vồn vã, niềm nở tiếp đoàn như tiếp người thân ở trong đất liền ra. Trung tá Nguyễn Văn Hùng cho biết, tính đến năm 2011, đơn vị 5 năm liền đạt danh hiệu “Quyết thắng”. Nhà giàn cao 3 tầng, trên nóc có sân bay trực thăng. Nội thất các phòng được trang bị hiện đại. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đều nhận thức được rằng, khu vực này nằm cạnh đường hàng hải quốc tế; mọi hoạt động nhạy cảm và rất phức tạp. Lực lượng “nước ngoài” thường xuyên sử dụng tàu nghiên cứu, tàu cải dạng, tàu chiến vào thăm dòø địa chấn, trinh sát, quấy rối, vi phạm chủ quyền của nước ta. Ngoài ra, còn có nhiều tàu nước ngoài đánh bắt cá trái phép. Bởi vậy, công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu được duy trì thường xuyên, đạt hiệu quả cao; xua đuổi hàng trăm vụ, việc vi phạm, giữ đúng nguyên tắc, bảo đảm tính pháp lý quốc tế.
Mặc dù được Đảng, Nhà nước, Quân đội quan tâm, nhưng cuộc sống sinh hoạt của bộ đội nhà giàn so với các đảo nổi, đảo chìm trong quần đảo Trường Sa có những khó khăn riêng: Không gian chật hẹp, không có một tấc đất, tấc nền đá san hô; bộ đội quanh năm “đầu đội trời, chân đạp sóng”; giông bão hung dữ ập đến bất kỳ, nhà giàn trơ trọi, không một vật gì che chắn. Đại biểu trong đoàn đã gặp gỡ, trò chuyện với các sĩ quan chuyên nghiệp: Phạm Văn Sáng, nhân viên cơ yếu; Lê Trọng Biển, pháo thủ 12,7 ly; Hoàng Trung Thành, nhân viên thông tin; Phạm Mạnh Hùng, phụ trách cơ điện; y sĩ Phạm Văn Bảy và báo vụ 1 Trần Hữu Mạnh. Mỗi anh có hoàn cảnh khó khăn riêng về gia đình, bố mẹ, vợ con. Hiện nay, vợ Mạnh đang bị bệnh trọng, máu trắng, cha mẹ đã mất, nhà nghèo, không có nhiều tiền chạy chữa. Đơn vị tổ chức quyên góp, chia sẻ một phần khó khăn của đồng đội. Biết được chuyện này, đoàn đại biểu cũng đã vận động mỗi thành viên, tự nguyện góp tiền giúp Trần Hữu Mạnh được gần 10 triệu đồng.
Song ở Nhà giàn DK1/14 này có lẽ hoàn cảnh đáng nói nhất là trường hợp của trung tá, Chỉ huy trưởng Nguyễn Văn Hùng. Anh và trung tá Chính trị viên Trần Sĩ Hoành đã có thâm niên 18 năm công tác trên các nhà giàn. Chị Trịnh Thị Lý là vợ của Nguyễn Văn Hùng. Anh chị đến với nhau như cái duyên trời định. Từ biệt Hải Phòng, theo chồng vào Cam Ranh, chị Lý phải thuê nhà ở tạm và không có việc làm. Nhưng lẽ đời, anh chị phải sinh con một trai, một gái, cháu Quang Huy và Thảo Nguyên. Sau khi sinh bé thứ hai, chị Lý bị ốm nặng. Cùng lúc Quang Huy phải đi cấp cứu vì bị chảy máu dạ dày. Trong lúc gian nguy ấy anh Hùng phải bình tĩnh, tự đấu tranh tư tưởng, kiên nghị thực hiện nhiệm vụ tại nhà giàn; không có phương tiện nào về ngay được. May mà có bà con lối phố và anh em trong đơn vị ở đất liền giúp đỡ tận tình nên cơn hoạn nạn của mẹ con chị Lý mới qua khỏi…
Bản lĩnh của Chỉ huy trưởng Nguyễn Văn Hùng là bài học sống động cho anh em trong đơn vị học tập. Ngày qua ngày, có lúc sóng dữ quật lên cao hàng chục mét, đổ ụp xuống nhà giàn, ầm ầm như thác đổ, như hàng trăm tấn đá cục giáng vào nơi trú ngụ của bộ đội, đang ngồi ôm chặt lấy nhau thành một khối. Ngày qua ngày, có lúc anh em thiếu nước ngọt, thèm rau xanh, ước ao có khách đất liền ra thăm, rồi chuyện nhớ nhà, lo lắng cho cha mẹ già, vợ con lúc trái gió, trở trời…
Nhưng tấm gương của Nguyễn Văn Hùng giúp người lính nhà giàn vượt lên bão tố tiêu cực trong tâm tư, tình cảm; vượt lên những tâm lý “thường tình” để trụ vững và hoàn thành nhiệm vụ. Và đây là lời thề của các anh mà trung tá, Chính trị viên Nhà giàn DK1/14 Trần Sĩ Hoành đại diện: “Chúng tôi sẵn sàng hi sinh chứ không để chủ quyền bị xâm phạm, không để mất chủ quyền. Bởi lẽ, nỗi nhục lớn nhất là nỗi nhục mất chủ quyền!...”.
Chi Phan