Ông Hòa đưa cháu mình đi tiêm phòng dại, đồng thời sang báo với chị Phạm Thị Hà, mẹ của Thúy biết tin. Chị Hà vì không có tiền nên không đi tiêm. Hàng ngày thấy Thúy vẫn bình thường, nên cho con đi chăn bò và bắt ốc, mò cua cùng mẹ để bán. Đến khi phát bệnh, bị ngứa từ dưới bàn chân ngứa lên, lúc đó mẹ mới hốt hoảng đi mời thầy thuốc đến tiêm. Vết thương bị mưng mủ, tím từ dưới chân lên và có biểu hiện tê liệt dần.

Ngày 10-6-2018, Thúy vật vã đau đớn, bắt đầu “lên cơn” chị mới nhờ người chở xuống bệnh viện Ba Đồn sau đó chuyển vào Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, Đồng Hới. Tại đây, các bác sĩ cho biết trong máu của Thúy có virus chó dại cắn, không thể cứu chữa kịp nữa. Chiều hôm sau, ngày 11-6, Thúy đã qua đời.

Thế là hai em bé cùng một thời điểm bị một con chó dại cắn. Một thoát chế, một tử vong do tiêm và không tiêm phòng dại kịp thời.

Điều sơ đẳng mà ai cũng cần biết là thời gian ủ bệnh của người bị chó dại cắn trung bình từ 3-8 tuần, nhưng có nơi quan niệm sai là “3 tháng 10 ngày”. Cũng có khi thời gian ủ bệnh kéo dài hàng năm. Người bệnh có dấu hiệu sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng và có thể có biểu hiện hung dữ. Cũng có trường hợp không có triệu chứng sợ nước, sợ gió mà bị liệt dần từ chân lên đến phổi là tử vong. Khi bị chó dại cắn thì nhất thiết phải đi tiêm phòng vacxin dại chứ không có một loại thuốc nào chữa khỏi.

Một điều nữa cũng cần biết là nước dãi của chó dại bắn vào mắt hay trúng các vết thương cũng gây nên bệnh dại. Nếu bị chó, mèo cắn thì nhất thiết phải đi tiêm phòng dại.

Bên cạnh việc tiêm phòng dại cho chó thì các bậc phụ huynh cũng cần nắm một số kiến thức tối thiểu về bệnh dại để tránh những trường hợp đáng tiếc như đã xảy ra với con của chị Hà.

Hoàng Minh Đức