Vết răng khi bị rắn cắn.

Hằng năm, khi bước vào mùa mưa - mùa sinh sôi phát triển của nhiều loài rắn độc cũng là thời điểm số lượng người phải nhập viện do rắn cắn gia tăng. Đáng chú ý, do sơ cứu không đúng cách, nhiều bệnh nhân bị hoại tử tay chân, nhiễm trùng máu, thậm chí bị tử vong. Vì vậy, sơ cứu ban đầu do rắn cắn đúng cách là hết sức cần thiết.

Các bước sơ cứu nên làm

Khi có người bị rắn cắn:

- Không để bệnh nhân tự đi lại. Bất động chân, tay bị rắn cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn). Băng ép bất động khi bị một số loại rắn hổ cắn (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường) để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt.

- Dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo: Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập). Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,...) cố định chân, tay bị cắn.

- Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.

- Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn (tránh gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề).

- Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay...). Nếu có dấu hiệu ngừng tuần hoàn cần tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay tại chỗ và chờ nhân viên y tế đến.

- Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động, để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân…

Chú ý:Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu; sau 24 đến 48 giờ, nếu kết quả điều trị không hiệu quả.

Khi bị rắn cắn, người dân không nên: Garô; trích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn; hút nọc độc; sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo; cố gắng bắt hoặc giết rắn…

Đề phòng rắn cắn

Để hạn chế bị rắn cắn, người dân cần biết về loại rắn trong vùng mình đang ở, biết khu vực rắn thích sống hoặc ẩn nấp. Dùng đèn nếu ở trong bóng tối hoặc vào ban đêm. Đi ủng, dày cao cổ và quần dài, đặc biệt khi trời tối, đội thêm mũ rộng vành nếu đi trong rừng hoặc đi ở khu vực nhiều cây cỏ. Ngủ màn để vừa tránh muỗi đốt, vừa tránh rắn và các côn trùng khác tấn công, thường xuyên phát quang bụi rậm, giữ vệ sinh nhà cửa thông thoáng, không nằm ngủ trực tiếp trên sàn đất... Càng tránh xa rắn thì càng tốt, đầu rắn đã chết vẫn có thể cắn người. Không bắt rắn, đuổi hoặc dồn ép rắn trong khu vực khép kín. Không sống ở gần các nơi rắn thích cư trú hoặc đến như các đống gạch vụn, đống đỏ nát, đống rác, nơi nuôi các động vật của gia đình. Để tránh bị rắn biển cắn, người dân không nên bắt rắn ở trong lưới hoặc dây câu…

Thành An