Thời gian gần đây, mỗi tuần, Bệnh viện Bỏng quốc gia tiếp nhận 20-30 bệnh nhi bị bỏng, trong đó chủ yếu là bỏng nhiệt ở trẻ dưới 6 tuổi, đáng lo ngại, phần lớn trẻ bị bỏng là do sự bất cẩn của người lớn.

TS. BS. Hồ Thị Vân Anh - Phó chủ nhiệm Khoa Điều trị Bỏng trẻ em cho biết: “Nguyên nhân gây bỏng ở trẻ rất đa dạng, khi sự quản lý, trông nom trẻ không đúng cách thì tỷ lệ trẻ bị bỏng rất cao. Bên cạnh đó, trẻ dưới 6 tuổi là lứa tuổi trẻ rất tò mò, hiếu động, muốn tìm hiểu thế giới xung quanh cho nên rất dễ xảy ra tai nạn, đặc biệt là tai nạn bỏng. Hơn nữa, trẻ lại không biết tự cứu mình, cũng như cách sơ cấp cứu cho nên khi bị bỏng thường là bỏng rộng, bỏng sâu và để lại hậu quả nặng nề”.

Theo các bác sĩ, khi trẻ bị bỏng, việc sơ cấp cứu đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm diện tích và độ sâu của vết thương, đặc biệt là trong 30 phút sau bỏng. Tuy nhiên, lại có không ít những sai lầm trong vấn đề này. “Việc sơ cấp cứu bỏng sai thường thấy của các gia đình là dội nước mắm, rượu hay bôi kem đánh răng, nhựa cây, đắp cả đất vào vết thương… Có trường hợp giữ lại tự đắp thuốc nam, đến khi diễn biến của trẻ nặng lên, sốt nhiều, nhiễm độc mới chuyển đến bệnh viện thì đã quá muộn” - bác sĩ Hồ Thị Vân Anh cho biết thêm.

Các bước sơ cứu bỏng đúng cách được   bác sĩ khuyến cáo:

Bước 1: Tách nạn nhân khỏi tác nhân gây bỏng.

Bước 2: Làm mát vùng bỏng bằng cách ngâm vào nước sạch trong khoảng 30 phút. Lưu ý sử dụng nước mát không dùng nước lạnh, nước ấm vì có thể làm tăng độ bỏng.

Bước 3: Che phủ vết thương bằng khăn, vải sạch, bông gạc… Sau đó, nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Minh Anh