Nguyễn Thị Oanh ăn mừng chiến thắng và phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật.
Tối 12-5, trên Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31 chính thức khai mạc, ngọn lửa SEA Games được thắp sáng, thổi bùng lên bao kỳ vọng và ước mơ cho thể thao khu vực, tạo sức mạnh cộng hưởng, vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn.
Cùng tỏa sáng
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố chính thức khai mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 tại Việt Nam. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch nước chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Cũng tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng - Trưởng ban tổ chức SEA Games 31 bày tỏ: Lần thứ hai Việt Nam vinh dự làm nước chủ nhà Đại hội thể thao Đông Nam Á, Ban Tổ chức Đại hội đã trình Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, các quốc gia thành viên để lựa chọn các bộ môn thi đấu hướng tới Đại hội thể thao châu Á, Olympic với mong muốn không dừng lại sân chơi trong khu vực, từ chối sự lựa chọn các bộ môn thể thao có lợi thế của nước chủ nhà để thể hiện sự công bằng, ý chí và khát vọng của khu vực Đông Nam Á. Đại hội thể thao lần này là dịp để phát huy những đặc trưng của các quốc gia Đông Nam Á, là nơi tỏa sáng các giá trị con người, những điểm tương đồng, gần gũi về văn hóa của các quốc gia thành viên...
SEA Games 31 được coi là một hoạt động thể thao - văn hóa mang tầm khu vực, góp phần quảng bá hình ảnh, tạo ra dấu ấn đậm nét, cũng như góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam; là giải đấu kết nối nhịp cầu hữu nghị, thắt chặt tình đoàn kết của các nước Đông Nam Á trong bối cảnh toàn cầu đang khủng hoảng vì đại dịch Covid-19. Thông điệp “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn - For a stronger South East Asia”, được thể hiện rõ nét trong Lễ khai mạc, thông qua các loại hình nghệ thuật mang tính biểu trưng, tương tác, đại chúng và đặc sắc.
Chủ đề của Lễ khai mạc: “Cùng tỏa sáng - Let’s shine” là tiêu đề bài hát chính thức của SEA Games 31, đồng thời cũng là khát vọng thể hiện nội lực trong sự tương đồng và khác biệt của văn hóa các nước Đông Nam Á. Các tiết mục nghệ thuật của Lễ khai mạc toát lên những hình ảnh đẹp nhất về một Việt Nam hấp dẫn, thân thiện, hiếu khách, cùng với các quốc gia ASEAN khác tỏa sáng, mạnh mẽ hơn.
Truyền lửa SEA Games
Không chờ đến lễ khai mạc, bầu không khí SEA Games đã sục sôi cả tuần trước đó từ Thủ đô Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh đến Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định... Trên các sân Việt Trì (Phú Thọ), Thiên Trường (Nam Định), Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã và đang chứng kiến lượng khán giả khổng lồ cổ vũ cho các đội. Cổ động viên (CĐV) Lào, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Campuchia… bất ngờ khi hàng vạn người hâm mộ bóng đá ngồi kín sân Thiên Trường. Chính Chủ tịch Quốc hội Singapore - Tan Chuan-Jin đến sân Thiên Trường cổ vũ đội tuyển U.23 quốc đảo sư tử thi đấu, cũng không thể ngờ trong một trận đấu không có sự hiện diện của đội bóng nước chủ nhà, nhưng gần hai vạn CĐV thành Nam vẫn ngồi kín sân, nhiệt tình cổ vũ. Rồi hàng vạn CĐV không ngại đội mưa, cổ vũ cho thầy trò HLV Park Hang-seo ở sân Việt Trì. Khi đài lửa SEA Games 31 còn chưa bùng cháy, nhưng sự cổ vũ cuồng nhiệt, vô tư của người dân Việt Nam đã nhen lên những “đài lửa” trên khán đài các sân vận động, truyền cảm hứng không chỉ cho các cầu thủ mà còn lan tỏa sự hứng khởi tới hàng nghìn tuyển thủ khác đến từ 11 đoàn thể thao trong khu vực.
Đảm nhiệm vai trò Tổng biên đạo múa cho Lễ khai mạc, Thượng tá, NSND Lữ Kiều Lê - Chủ nhiệm Khoa Múa, Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội chia sẻ: “Rất vinh dự trong đội ngũ hơn 2.000 nghệ sĩ, diễn viên, VĐV tham gia thực hiện và biểu diễn tại Lễ khai mạc có sự đóng góp của đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên quân đội đến từ Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Đoàn Văn công Quân khu 3... Trong thời gian ngắn, đội ngũ nhân sự được ghép từ rất nhiều cơ quan, đơn vị và tập luyện, trình diễn trên sân khấu nhằm đáp ứng hài hòa với công nghệ trình chiếu hình ảnh đồ họa, thực tế mở rộng hiện đại bậc nhất trên thế giới, do đó, ê kíp nghệ sĩ sáng tạo đã dồn hết tâm huyết để mang đến cái nhìn toàn cảnh, lan tỏa tới người dân trong nước và bạn bè trong khu vực một Việt Nam thân thiện, một Đông Nam Á mạnh mẽ và tỏa sáng. Qua đó, tạo niềm hứng khởi, sự tự tin cho các VĐV, HLV bước vào tranh tài với tinh thần, quyết tâm cao nhất”.
Sau những màn biểu diễn, trình chiếu nghệ thuật, các vận động viên của các quốc gia đã đại diện cho gần 5.000 vận động viên đến từ 11 quốc gia tham dự SEA Games 31 thực hiện nghi thức diễu hành.
Nghi thức châm đuốc đài lửa luôn là một điểm nhấn ấn tượng tại các kỳ SEA Games. Năm 2022, nghi thức rước đuốc được các cựu vận động viên, vận động viên tiêu biểu, đạt được nhiều thành tích cao cho thể thao Việt Nam truyền tay nhau thắp sáng ngọn lửa SEA Games 31 - ánh sáng mạnh mẽ của niềm tin, hy vọng quyết tâm cống hiến, vượt lên chính mình và tạo nên sự kết nối bền vững.
Ở lần thứ hai nhận vinh dự và trọng trách đăng cai, thể thao Việt Nam quyết tâm vượt lên chính mình, nâng tầm ngày hội thể thao khu vực với chương trình thi đấu có sự áp đảo của các môn Olympic. Đây cũng là điểm nhấn được các nước Đông Nam Á đánh giá rất cao, thể hiện rõ khát khao bứt phá, tiến vào các đấu trường đỉnh cao Olympic, ASIAD không chỉ của chủ nhà Việt Nam mà còn của cả khu vực.
Trong những ngày diễn ra Đại hội (từ ngày 12 đến 23-5), tại Thủ đô Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố lân cận (Hà Nội là nơi diễn ra lễ khai mạc, bế mạc và tổ chức 18 môn thi đấu tại 15 địa điểm), các vận động viên của 11 đoàn thể thao khu vực Đông Nam Á sẽ tham gia tranh tài ở 40 môn thi với 526 nội dung. Đoàn thể thao Việt Nam tham dự với hơn 1.300 thành viên, trong đó có khoảng 900 vận động viên - số lượng vận động viên hùng hậu nhất từ trước đến nay. Mục tiêu của Đoàn thể thao Việt Nam là đứng đầu bảng tổng sắp huy chương Đại hội. Tính đến 19 giờ ngày 17-5, Việt Nam đã giành được 215 huy chương, trong đó có 94 HCV, 61 HCB, 60 HCĐ.
Hà Quang