Khi tuổi cao thì hiện tượng thoái hóa khớp ngày càng lớn.

Chữa đau xương khớp sai cách như lạm dụng dầu nóng, đắp lá thuốc… khiến người bệnh không đẩy lùi được cơn đau mà còn có nguy cơ gặp tác dụng phụ.

Lạm dụng dầu nóng, cao giảm đau

Tác dụng của dầu, cao dán hoặc cao nóng là làm giãn nở mạch máu, tăng lưu lượng máu đến vị trí bị tổn thương giúp thư giãn cơ bắp, từ đó giảm nhẹ cảm giác đau nhức. Tuy nhiên, theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Anh Vũ - Phó giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Tâm Anh T.P Hồ Chí Minh: Không ít người Việt có thói quen đau ở đâu thì xoa dầu, bôi cao, dán cao ở đó; thoa bất kể sáng, tối mà không cần biết đau thế nào, vì sao lại đau... Vì thế, chúng ta không nên xoa bóp dầu nóng, dán cao khi bị đau khớp kèm theo hiện tượng sưng tấy vì nóng sẽ làm tình trạng viêm trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, nếu tại khớp bị đau có vết thương hở cũng không nên áp dụng phương pháp này, bởi dầu nóng thẩm thấu sâu vào bên trong da sẽ khiến vết thương lâu lành, đôi khi còn bị kích ứng gây phồng rộp da, bỏng da.

Ngưng vận động

Một phần vì sợ đau và một phần cho rằng không vận động sẽ tốt hơn cho xương khớp, nhiều người bệnh có xu hướng nghỉ ngơi tuyệt đối, tức là giảm tối đa các chuyển động của khớp khi cơn đau tìm đến. Theo bác sĩ Trần Anh Vũ đây là một trong những sai lầm mà nhiều bệnh nhân viêm khớp mắc phải. Bởi ngưng vận động có thể gây ra tình trạng căng cứng khớp và yếu cơ, làm giảm sự linh hoạt của khớp, đồng thời gia tăng nguy cơ chấn thương do té ngã. Trong khi đó, nếu người bệnh duy trì được vận động, có chế độ tập luyện phù hợp với các bài tập nhẹ nhàng sẽ giúp giảm căng thẳng cơ, làm lỏng các khớp bị căng cứng, cải thiện phạm vi chuyển động cho khớp.

Đắp thuốc không đúng cách

Bác sĩ Trần Anh Vũ chia sẻ: Nhiều người hiện nay có xu hướng sử dụng các loại thuốc lá cây băm nhuyễn để đắp lên các khu vực bị đau nhức xương khớp. Trong một số trường hợp, việc đắp thuốc lá cây (như lá lốt, ngải cứu, chìa vôi...) có thể giúp giảm sưng, giảm đau nhức khớp. Tuy nhiên, nhiều người đắp không đúng cách, đắp vô tội vạ có thể để lại nhiều hệ lụy khó lường.

Cụ thể, đã có nhiều trường hợp bệnh nhân đắp lá cây không rõ nguồn gốc, đắp lên vết thương hở, vùng bị chấn thương hoặc gãy xương... dẫn đến tình trạng "tiền mất tật mang". Nhẹ thì bị viêm da, sưng tấy, nóng đỏ, căng cứng các khớp, nặng là nhiễm trùng, hoại tử, thậm chí phải cắt bỏ các chi.

Dùng thuốc giảm đau sai cách

Thuốc giảm đau, chống viêm là "phao cứu sinh" có thể giúp người bệnh nhanh chóng tìm lại cảm giác dễ chịu khi cơn đau xương khớp tìm đến. Tuy nhiên, bản chất các loại thuốc này chỉ giúp giảm triệu chứng, không thể loại bỏ tận gốc cơn đau. "Nguy hại nhất là việc dùng các loại thuốc chống viêm, giảm đau vô tội vạ, hễ đau là uống, bất chấp kê đơn và hướng dẫn sử dụng của bác sĩ. Lạm dụng thuốc giảm đau trong một thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng nhờn thuốc, thậm chí gây tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn, khiến mức độ đau khớp trở nên dữ dội hơn" - bác sĩ Trần Anh Vũ nói.

Bác sĩ Trần Anh Vũ khuyến cáo, đối với thuốc giảm đau không kê đơn, người bệnh phải tuyệt đối tuân thủ liều lượng ghi trên bao bì hoặc hướng dẫn của dược sĩ. Với thuốc kê đơn, ngoài việc uống theo đúng liều bác sĩ chỉ định, người bệnh không được bỏ ngang hay tự ý đổi thuốc.

Thành An